Có thể nói không có thương vụ M&A nào giống với thương vụ M&A nào. Nhưng những bài học từ các DN đi trước là không thừa đối với các DN đang và sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị, lợi thế mới từ hoạt động M&A.
Khảo sát của TNK Capital Partner, tổ chức chuyên về tư vấn M&A và tái cấu trúc DN cho thấy, một trong những nguyên nhân căn bản cản trở khả năng thành công của các thương vụ M&A tại VN, đó là tâm lý “bán DN thì mất mặt” của rất nhiều doanh nhân.
Tâm lý “bán” mình
Đại diện TNK lý giải: DN VN, nhất là những DN chưa đại chúng và niêm yết, với quy mô nhỏ, thường vẫn giữ mô hình kinh doanh gia đình. Mô hình kinh doanh mang đặc thù văn hóa phương Đông đậm nét này thường hình dung việc bán hay sáp nhập DN giống như một thất bại về kinh doanh của gia đình đó. Và “vạn bất đắc dĩ”, buộc phải cầu cứu từ bên ngoài, coi như thừa nhận sự thất bại của mình, DN mới phải tính đến chuyện M&A.
Ngay cả những doanh nhân có kinh nghiệm đầy mình, cũng không dễ thoát khỏi tâm lý sợ “bán DN” – bán mình. Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về M&A đầu tháng 6, Chủ tịch HĐQT CTCP giấy Sài Gòn Cao Tiến Vị cho biết, ngay cả ông để thoát khỏi mô hình kinh doanh kiểu gia đình và lựa chọn phương án tìm thêm đối tác chiến lược, chuẩn bị cho sự tăng trưởng của Cty ở một quy mô lớn hơn, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Năm 2007, Giấy Sài Gòn phát hành cổ phiếu tăng vốn. Ở thời điểm đó, mọi việc được nhà đầu tư chào đón rất thuận lợi. Nhưng đến năm 2011, mặc dù Giấy Sài Gòn đã có hoạt động tốt hơn, việc tìm kiếm đối tác lại không đơn giản như lúc trước. Khi kinh tế khó khăn, Giấy Sài Gòn buộc phải lựa chọn mở rộng tìm kiếm đối tác chiến lược, hay sẽ thu hẹp hoạt động, vị CEO này mới có thêm động lực để chấp nhận cho đối tác hợp tác với một tỉ lệ tăng dần lên đến 48% cổ phần.
Dù vậy, không thể phủ nhận vẫn có những DN hoạt động theo mô hình kinh doanh kiểu gia đình đã rất thành công. Một điển hình là Cty Vincom. Còn nhớ, năm 2009, DN này đã phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế, kỳ hạn 5 năm và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Ngộ nhận “đối tác chiến lược”
Nếu như nỗi băn khoăn tên DN nào đứng trước, tên DN nào đứng sau, có thể dẫn đến sự đổ vỡ của một thương vụ M&A, thì với DN VN, khi thực thi thương vụ thành công, lại đứng trước những vấn đề mà thực hiện M&A, họ chưa kịp “tính đến”. Ông Trương Nhật Quang – đại diện của Cty luật hợp danh YKVN, nhận xét: “Các giao dịch M&A ở ta chủ yếu là giao dịch vốn – mua bán cổ phần chứ không phải mua bán tài sản, không dẫn đến việc thay đổi quyền kiểm soát của Cty. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều giao dịch liên quan đến Cty niêm yết/ đại chúng và dẫn đến việc thay đổi quyền kiểm soát. Với hình thức giao dịch đơn thuần về vốn, nhiều DN đã “ngộ nhận” về khái niệm “đối tác chiến lược”: Bất cứ đối tác nào rót vốn đầu tư vào DN, cũng được gọi là đối tác chiến lược. Điều đó khiến DN tự đẩy mình vào thế kẹt khi giải pháp vốn trở thành giải pháp quyết định chiến lược kinh doanh của tương lai”.
Ông Nguyễn Đình Phương – Chủ tịch HĐQT Cty quạt Asia, chia sẻ: Trước khi thực hiện thương vụ bán 65% cổ phần cho một đối tác Pháp, ông đã bán hơn 10% vốn cho một tổ chức đầu tư. Và cũng do nhìn nhận bất cứ DN nào đầu tư vào “đứa con” mà ông đã chắt chiu gầy dựng, đều có thể xem là “đối tác chiến lược”, nên ông đã chấp nhận nhiều điều khoản để đối tác chỉ rót vốn vào Cty của ông trong một thời gian, lại có quyền can dự vào các “chiến lược” hoạt động dài hạn. Chẳng hạn, khi ông đề xuất mở thêm nhiều đại lý trực tiếp phân phối trên cả nước, “đối tác chiến lược” này lập tức gạt bỏ kế hoạch, vì trong khoảng hai năm rót vốn, sau đó thoái vốn, điều mà họ cần là làm sao gia tăng lợi nhuận nhanh chóng, giảm thiếu chi phí để có thể “vắt sữa” một cách có lợi nhất.
“Không hiểu với một DN có khoảng 3-5 đối tác chiến lược, thì DN đó sẽ hoạt động theo… chiến lược nào ? Kinh nghiệm cho thấy là DN có thể có nhiều đợt mua bán vốn, tìm đối tác, nhưng chỉ nên chọn một đối tác chiến lược thực sự đồng hành với mình trong dài hạn” – TS Nguyễn Công Ái – Phó Tổng GĐ Cty Kiểm toán KPMG VN nói. Có lẽ, bài học “dở khóc dở cười” của các cổ đông Tập đoàn FPT trước thương vụ góp vốn của Quỹ đầu tư Texas Pacific Group vẫn còn chưa “nguội” đối với các DN dự kiến tìm đối tác chiến lược ở hình thức đầu tư tài chính ngắn hạn.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.