Kỹ năng nên có cho người tìm việc
Việc bạn lọt vào vòng phỏng vấn không có gì là quá khó nhưng để đi đến đích, những kỹ năng mềm cho người tìm việc cần có như khả năng giải quyết vấn đề, thuyết trình, hợp tác và thích nghi…
Vì vậy, “hãy tìm hiểu về công ty để tìm ra những vấn đề họ đang gặp phải”: Liệu đó là vấn đề liên quan tới tăng trưởng, hay khó khăn về khách hàng, cạnh tranh với đối thủ, cắt giảm ngân sách, hay thiếu hụt nhân tài…? – Xác định đúng vấn đề của công ty, bạn sẽ có nhiều nội dung để viết trong hồ sơ xin việc cũng như thảo luận với nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn. Như vậy, bạn sẽ hơn các ứng viên khác đối với sự hiểu biết về công ty đó.
Lý do để doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên mới là để giải quyết những vấn đề nào đó…
* Sau đây là những kỹ năng mà bất kỳ người tìm việc nào cũng nên rèn luyện:
– Kỹ năng giao tiếp: Không đòi hỏi bạn phải rèn luyện để trở thành một nhà hùng biện hay một diễn giả nổi tiếng. Kỹ năng này thể hiện qua việc bạn tham gia thuyết trình với một phong thái tự tin, trình bày mạch lạc, bình tĩnh giải thích cho mọi người khi có những ý kiến phải hồi trái chiều. Hơn nữa, khả năng giao tiếp cũng thể hiện qua những mối quan hệ hằng ngày, cách bạn trò chuyện, bàn bạc công việc với đồng nghiệp, đối tác. Nếu bạn giao tiếp tốt, trò chuyện dễ nghe, chắc chắn công việc sẽ thuận lợi hơn.
– Hợp tác và làm việc theo nhóm Nhiều người muốn làm việc độc lập, muốn lập thành tích cá nhân mà nhiều khi thiếu tinh thần hợp tác, tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm. Thái độ sẵn sàng hợp tác và khả năng làm việc theo nhóm, phân chia công việc từng phần có thể mang lại hiệu quả công việc cao hơn.
– Khả năng thích nghi Điều này đặc biệt quan trọng bởi “muốn thành công trong công việc ở hầu hết các công ty, bạn cần phải có niềm đam mê và khả năng thích nghi với mọi thay đổi của hoàn cảnh”. Vì thế, trong đơn xin việc và cả trong quá trình phỏng vấn, bạn nên thể hiện cách bạn thường làm và tính cách luôn sẵn sàng của bạn
– Giải quyết vấn đề Trước khi gặp nhà tuyển dụng, bạn phải suy nghĩ về việc “làm thế nào để giải quyết vấn đề hiệu quả”. Thu thập thông tin, dữ liệu chưa đủ, bạn cần phải có con mắt quan sát với những phân tích tinh tế, sắc sảo. Đó là, thay vì chỉ cung cấp thông tin đơn thuần, bạn nên có một bản tóm tắt, phân tích tình hình và đánh giá những điểm nổi bật trong lĩnh vực hoạt động của công ty, để xuất hướng đi mới và nhấn mạnh trọng điểm.
Bởi khi một nhà tuyển dụng có nhu cầu tìm kiếm một nhân viên mới, điều này chỉ có một lý do duy nhất, đó là để giải quyết vấn đề nào đó. Bạn nên đưa ra những thông tin và nhận xét của mình để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn hiểu rõ những mục tiêu của công ty và có thể đáp ứng tốt nguyện vọng của họ. Lúc này, bạn cần có những suy nghĩ cụ thể về việc bạn sẽ giải quyết những khó khăn trong kinh doanh, đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho công ty hoặc có thể giải thích cách tiếp cận vấn đề, cách đạt được kết quả…
* Những bí quyết riêng:
– Kết hợp hài hòa: Quần áo có thể tạo nên phong cách cho bạn và giúp bạn có được ấn tượng tốt từ những nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi kết hợp giữa quần áo, giày dép hay bất kỳ phụ kiện nào bởi một khi thiếu hài hòa, màu nọ “đá” màu kia sẽ khiến bạn bị “lệch tông”.
– Chọn phong cách thời trang riêng: Bạn nên chắc chắn trang phục có thể gửi đến thông điệp đúng đắn về khả năng của bạn. Bạn nên chọn phong cách thời trang phù hợp để dễ dàng thể hiện năng lực, khả năng giao tiếp và quan trọng hơn là cho họ thấy, bạn không hề nhàm chán.
– Phù hợp với văn hóa công ty: Dù lần đầu tiên đến công ty, đối diện nhà tuyển dụng, bạn cũng cần có phong cách thời trang phù hợp với văn hóa, đặc thù hoạt động của công ty. Đó cũng là điểm để họ đánh giá về sự trải nghiệm của bạn trong cuộc sống. (Bạn nên dành thời gian tìm hiểu về văn hóa công ty tuyển dụng này qua bạn bè, người quen hoặc suy luận từ những hình ảnh trên website, mạng xã hội…)
Hầu hết các công ty đều muốn có những ứng viên nhanh nhẹn, dễ thích nghi và sẵn sàng tiếp cận cái mới một cách nhanh nhất. Vì thế, cho dù ngân sách eo hẹp, bạn cũng nên có sự đầu tư nhất định cho trang phục. Đừng đến buổi phỏng vấn trong một bộ đồ cũ kỹ hoặc lỗi mốt. Điều đó khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn là một người lạc hậu, không theo kịp thời đại và có vẻ “lớ ngớ” khi tiếp cận vấn đề mới.
* Những điều nên làm sau cuộc phỏng vấn:
– Viết thư cảm ơn những người đã phỏng vấn bạn: Ngay sau buổi phỏng vấn, bạn nên viết một bức thư cảm ơn gửi tới những người đã phỏng vấn bạn. Email là lựa chọn tốt nhất vì đây là hình thức gửi thư đến nhà tuyển dụng nhanh hơn cả. Trong thư, bạn nên cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian nói chuyện với bạn, lắng nghe chia sẻ của bạn. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao kỹ năng giao tiếp bạn có và sẽ dành nhiều thiện cảm hơn cho bạn.
– Liên hệ với nhà tuyển dụng Nếu không liên hệ với nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, điều này dù là vô tình nhưng có thể khiến ứng viên phải bỏ lỡ cơ hội trong khi nhà tuyển dụng đang cân nhắc để đưa ra quyết định giữa những ứng viên có trình độ tương đương. Bởi vậy, bạn nên thường xuyên liên hệ với nhà tuyển dụng để giành được sự chú ý từ họ, nhất là khi những người phỏng vấn đang băn khoăn lựa chọn giữa những ứng viên thực sự là đối thủ cạnh tranh của nhau.
Cuối cùng, khi liên hệ với những người đã phỏng vấn, dù rất muốn biết ngay kết quả nhưng nếu nhà tuyển dụng chưa thông báo, nghĩa là họ chưa đi đến quyết định. Một bí quyết khá hữu hiệu lúc này là bạn nên nói chuyện thêm với nhà tuyển dụng, qua đó thể hiện khả năng, cá tính cũng như sự đáp ứng tốt yêu cầu của công ty. Cách tốt nhất là nên đối thoại để thảo luận thêm những vấn đề hiện tại xuất phát từ nhu cầu của công ty, đưa cho nhà tuyển dụng những hướng giải quyết khác nhau, giúp họ tin tưởng và đánh giá đúng thực lực của bạn.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.