“Thâu tóm” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất của đa phần các doanh nghiệp Việt Nam là “bị mua lại”. Không ít doanh nghiệp đã chọn cách “bị thâu tóm” để thực hiện những mục tiêu lớn hơn.
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, cho biết, thâu tóm có hai hình thức gồm “thâu tóm thân thiện” và “thâu tóm thù địch”. “Thâu tóm thân thiện” là khi các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận trên cơ sở tình nguyện, cùng có lợi, ví dụ như chào mua công khai.
Còn “thâu tóm thù địch” là khi một công ty có chủ đích thâu tóm một công ty khác khi không được ban lãnh đạo công ty bị thâu tóm tán thành và ủng hộ. Còn theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, dù hiểu theo cách nào thì thâu tóm vẫn là thâu tóm, vẫn “gây ảnh hưởng tâm lý “bị” hơn là “được”.
Trong các vụ “thâu tóm” gần đây, thị trường đặc biệt ấn tượng với vụ Diana bán cho Unicharm. Đây không chỉ là vụ mua bán đình đám nhất Việt Nam mà còn được xếp hạng một trong những thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011 do Tạp chí The Asset – Hồng Kông bình chọn.
Ông chủ của nhãn hàng này trong vòng 15 năm đã đưa Diana lên ngang hàng với những công ty nước ngoài và tên của ông gắn liền với tên của công ty “Tú Diana”. Rồi đột nhiên một ngày, ông Tú công bố bán 95% cổ phần cho Unicharm Nhật Bản.
Người ta đồn rằng, Diana gặp khó khăn nên bị thâu tóm. Cũng có lời đồn, sau khi bán Diana, ông Tú sẽ cho ra đời một Diana khác “hấp dẫn” hơn. Thực hư không ai biết nhưng ông Tú một mực nói, có một đứa con do mình dứt ruột “đẻ” ra thì ông sẽ không “đẻ” thêm một đứa nữa để về phá đứa con kia.
Điều gì khiến ông Tú bán gần hết cổ phần khi Diana đang ở đỉnh cao phát triển? Theo ông Tú giải thích: “Kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh như sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ tại một thị trường tới lúc nào đó sẽ có giới hạn nhất định của nó”.
Do đó, phải nghĩ cách để đi ra thị trường nước ngoài. Nhưng nếu vay tiền ngân hàng để mở rộng, liệu có khôn ngoan với lãi suất cao như vậy?”.
Và vì vậy, ông Tú đi đến kết luận “bán cổ phần cho Unicharm để đối tác chiến lược nước ngoài thúc đẩy sự phát triển của Diana là điều không luyến tiếc”. Diana đã trở thành thương vụ có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi suy nghĩ về chuyện mua bán doanh nghiệp, không hẳn là yếu mới bán, không hẳn “bị” là tiêu cực.
Một câu chuyện khác của vị bác sĩ vốn rất nổi tiếng trong giới y khoa Việt Nam – một trong những người thành lập bệnh viện tư cao cấp đầu tiên tại Việt Nam: bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Hơn 15 năm trước, ông Tùng sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ.
Ngay từ những ngày đầu tiên, ông đã suy nghĩ về tương lai của công ty trong vài chục năm tới. Một lộ trình đã được vạch ra cho sự phát triển của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, mà ở nơi đó, ông Tùng phải chấp nhận mình sẽ không còn là “quyền lực”.
Làm thế nào để công ty phát triển trong giai đoạn “đại dương đỏ” cạnh tranh? Cũng như ông Tú, ông Tùng hiểu rằng, để đi xa hơn, công ty cần một đối tác chiến lược cùng ngành nghề để giúp công ty giải quyết các yếu kém và giúp công ty phát triển mạnh hơn.
Năm ngoái, các lãnh đạo bệnh viện đã đi đến quyết định bán hơn một nửa cổ phần của bệnh viện cho Tập đoàn Fortis Healthcare International của Singapore. Thương vụ mua bán này đã giúp công ty Singapore giành quyền kiểm soát và điều hành công ty y tế lớn nhất Việt Nam.
Với nhiều người, có lẽ cả hai trường hợp trên đều là “thâu tóm thân thiện”. Nếu xem xét động cơ dẫn đến các quyết định mua bán nói trên sẽ thấy, những người chủ công ty Việt Nam đã cân nhắc kỹ lưỡng đến yếu tố phát triển lâu dài của công ty.
Diana đã trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam được Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) chọn đầu tư. Điều này cho phép công ty thực hiện các bước phát triển mang tính chiến lược và áp dụng hệ quản trị điều hành quốc tế.
Bước tiếp một bước nữa là bán lại toàn bộ công ty cho đối tác Nhật, ông Tú mong muốn Diana sớm trở thành một thương hiệu quốc tế thực sự. Điều này, theo chuyên gia tài chính chứng khoán Huy Nam, là một sự tự đấu tranh “xung đột quyền lợi”.
Nghĩa là những người chủ này thay vì chỉ suy nghĩ cho quyền lợi “mất tự chủ” của mình khi trao công ty cho người khác thì lại nghĩ đến quyền lực cho công ty hơn là quyền lực bản thân. Do đó, Diana và cả Hoàn Mỹ đều quyết định để “bị” thâu tóm với cùng mục tiêu là muốn có những thương hiệu quốc tế xuất từ từ Việt Nam.
Theo doanh nhân
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.