Quản trị thông tin theo kiểu Nhật


Các công ty Nhật quan niệm, chia sẻ thông tin trong tổ chức là tiền đề trong việc giao tiếp của con người. Và cũng theo họ, chia sẻ thông tin phải được ghi chép tốt hơn là ghi nhớ bởi việc thông báo kì hạn công việc và thay đổi cách làm bằng miệng chính là nguyên nhân dẫn đến sai lầm. Nhưng nếu có văn bản ghi chép và manual (sổ tay cá nhân) có thể kiểm tra những thông tin mập mờ. Nhờ vào việc quản lý thông tin một cách nhất quán nên có thể chia sẻ thông tin một cách chính xác.
Do vậy, cách chia sẻ thông tin được các công ty Nhật sử dụng nhiều nhất là bảng thông báo, Home page (thông tin nội bộ), cơ sở/ tiêu chuẩn và các loại database (dữ liệu). Đây chính là những tích hợp của công cụ “group ware” – “công cụ chia sẻ thông tin” được sử dụng hầu hết trong các công ty Nhật. Các nhà quản lý sử dụng group ware kết hợp cả 2 hình thái chia sẻ thông tin mang tính nhất thời (hội nghị, hội thoại, điện thoại, email) với thông tin được sử dụng nhiều lần (bảng thông báo, manual, các loại đơn…), giúp quản lý thông tin một cách nhất quán.
Các công ty Nhật Bản khi sang làm ăn với các các công ty Việt Nam đều chung nhận định việc quản trị thông tin của các doanh nghiệp (DN) Việt rất kém. Họ nhận xét, cách quản trị thông tin theo kiểu các công ty Việt đang dẫn đến tình trạng rò rỉ và mất mát thông tin rất lớn: bị nhân viên cũ lấy cắp danh sách khách hàng, bị mất khách hàng; hồ sơ chưa xử lý chồng chất như núi; nhân viên để quên tài liệu đã in ở máy in nên in lại lần nữa hay ai đó lấy mất tài liệu mình đã in ra mà không biết; server hư nên các dữ liệu bị xóa, thông tin cũng bị mất; nhân viên thoải mái bàn luận về những thông tin bí mật; thông tin bí mật mà ai ai cũng biết v.v…
Ở Việt Nam, rõ ràng hầu hết nhân viên không quan tâm đến việc bảo mật. Nhưng đối với các công ty Nhật Bản, nhân viên luôn được đào tạo bảo mật và chia sẻ thông tin là đặc trưng văn hóa của chính DN.
Thực tế bảo mật trong các công ty Nhật: khi đăng nhập vào PC, quản lý bằng mật khẩu cá nhân. Có trường hợp còn quy định hạn chế số lượng ký tự mật khẩu và yêu cầu phải thay đổi mật khẩu định kỳ; server được đặt ở trong phòng máy chủ (server) và backup dữ liệu định kỳ. Các công ty nghiêm cấm việc mang điện thoại di động vào trong phòng làm việc; hạn chế đưa máy tính xách tay vào công ty; thường xuyên kiểm tra nội dung các email đã được gửi, hoặc các trang web đã truy cập. Các tài liệu không cần thiết thì bỏ vô máy hủy tài liệu v.v…
Người Nhật cảnh báo: suy nghĩ “nếu không được thì làm lại lần nữa…” chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam thời gian này mà thôi. 3 đến 5 năm tới, nếu các DN Việt vẫn kinh doanh theo kiểu như thế sẽ không còn phù hợp nữa và sẽ thất bại!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.