Việc rút vốn của nhiều tổ chức đầu tư trong thời gian qua đã khiến không ít nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, thoái vốn không hẳn là điều xấu.
Hơn 2 tuần nay, thị trường hồi hộp dõi theo câu chuyện thoái vốn của hai quỹ VEIL và VEF, thuộc Dragon Capital. Cuối cùng, nhà đầu tư đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì VEIL, VGF vẫn ở lại thị trường. Câu chuyện đi hay ở của 2 quỹ này đã nhắc đến một thực tế là các tổ chức đầu tư không “ăn đời ở kiếp” với doanh nghiệp.
Làn sóng thoái vốn
Cùng thời gian này năm ngoái, Indochina Capital Vietnam Holdings (ICV) đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Các quỹ đầu tư tư nhân như Aureos Capital, BankInvest, Mekong Capital cũng rút vốn tại nhiều công ty. Mekong Capital đã có 6 khoản thoái vốn. Trong đó, quỹ Mekong Enterprise Fund (MEF) rút vốn khỏi 4 doanh nghiệp gồm Saigon Gas, Gỗ Đức Thành, Nhựa Tân Đại Hưng, Mai Son. 2 khoản thoái vốn còn lại (Kinh Bắc và Vietnam Tanker) là từ quỹ Vietnam Azalea Fund.
Trong chiến lược sắp tới, MEF sẽ bán ra toàn bộ các khoản đầu tư của mình. Các công ty đang nằm trong tầm ngắm tiếp theo của MEF là Công ty Cổ phần Ngô Han, Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Cổ phần Nam Hoa. Trong khi đó, Dragon Capital cũng dần rút vốn khỏi Sacombank khi lần lượt bán ra số lượng lớn cổ phiếu STB đã nắm giữ.
Áp lực bị thoái vốn của doanh nghiệp không chỉ đến từ quỹ đầu tư. Thống kê tại một số các website tài chính cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 30 doanh nghiệp cho biết đã và sẽ tiến hành rút vốn khỏi các khoản mục đầu tư. Trong đó có các trường hợp như Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tổng hợp Hà Nội (SHN) đã không còn nắm giữ cổ phần ở Hamoto và Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Cạn. Hay Công ty Cổ phần Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) tiết lộ, trong năm nay, họ sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty Chứng khoán HSC và một số khoản mục mà CII đã đầu tư cách đây 2-3 năm. Mục đích của CII là tập trung vốn cho những dự án trọng điểm và phát triển ngành nghề chính. Đây cũng là lý do thoái vốn của Cao su Hòa Bình và Savimex.
Dường như những khó khăn tài chính đang buộc nhiều tổ chức phải cân nhắc và sàng lọc các khoản đầu tư của mình. Ngay cả những tập đoàn đầu tư
lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hay Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng phải cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tháng 6 vừa qua, Vinalines đã đăng ký thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD), Công ty Cổ phần Container Việt Nam – Viconship (VSC). Hay PVN cho biết, đã và sẽ rút bớt vốn tại một số doanh nghiệp niêm yết như Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), Tổng Công ty Cổ phần Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Cái nhìn tích cực
Tuy vậy, việc bị rút vốn không xấu như nhiều người vẫn nghĩ. Theo ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tài chính Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), về bản chất, thoái vốn là hoạt động rất bình thường trên thị trường tài chính. Có đầu tư thì phải có rút vốn. Theo thời gian và căn cứ trên tình hình tài chính, dòng vốn đầu tư này sẽ thay đổi và khi đó, hoạt động thoái vốn sẽ diễn ra. Do đó, ông cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng về chuyện bị thoái vốn.
Thực tế, thoái vốn là hoạt động nhằm hiện thực hóa các khoản đầu tư. Kinh Đô đã không ngần ngại chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn tại Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương khi thương vụ này đã mang lại cho Công ty 425 tỉ đồng lợi nhuận. Mekong Capital cũng đã thu được khoản lợi nhuận đáng kể từ việc chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư 1,85 triệu USD tại Công ty Cổ phần Gas Sài Gòn cho Công ty Elf Gas.
Về phía doanh nghiệp bị thoái vốn, cái lợi là được nâng tầm giá trị. Bởi lẽ, phải đánh giá cao hệ thống quản trị, tài chính và tình hình làm ăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư mới chịu trả giá cao hơn để sở hữu cổ phần. Và khi mua lại, họ cũng phải thấy tiềm năng từ việc đầu tư này.
Cũng có khi việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp chỉ đơn giản là vì thời hạn rút vốn đã cận kề. Chẳng hạn, do đã đến giai đoạn thoái vốn, nên quỹ MEF không thể không lên kế hoạch hoàn tất các khoản đầu tư. Trong trường hợp này, doanh nghiệp thường biết trước thông tin và đã có sự chuẩn bị.
Để huy động thêm vốn và tạo ấn tượng với nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư cũng thường có xu hướng thoái vốn tại các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. BankInvest đang tính đến việc thoái vốn khỏi Tập đoàn Massan, Tập đoàn Hòa Phát cũng vì mục đích huy động thêm vốn cho quỹ thứ ba.
Còn một lý do khác là hoạt động đầu tư của nhiều quỹ đang gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của tập đoàn tài chính Edmond de Rothschild, đến cuối tháng 6.2010, giá chứng chỉ quỹ của 21 quỹ nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn giá trị tài sản ròng với mức trung bình 26,5%. Con số này là khá cao so với các nước châu Á khác như Trung Quốc chỉ có 5%; Ấn Độ 5,3%; Hàn Quốc 6,4%; Đài Loan 2,6%. Rõ ràng, các quỹ đang chịu nhiều áp lực thoái vốn nhằm cơ cấu lại danh mục để bảo toàn vốn và cắt lỗ.
Theo doanh nhân
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.