McDonald’s – biểu tượng của tư bản Hoa kỳ đã đặt dấu chân của mình đến Matxcơva, và đang mạnh mẽ đông tiến. Starbucks tăng gấp đôi số lượng của mình tại Trung Quốc. Burger King nhanh chóng mở rộng sang Trung Đông. Wendy’s không muốn chậm chân tại thị trường châu Á…
Đó là những dòng tít lớn trên các tờ báo kinh doanh uy tín tại Mỹ. Sự bão hòa của thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy các “đại gia” trong lĩnh vực thức ăn nhanh đẩy nhanh chiến lược tìm đối tác nhượng quyền tại châu Á.
Tuy nhiên một làn sóng khác cũng không kém phần mạnh mẽ đang làm thay đổi gương mặt hiện tại của ngành kinh doanh thức ăn nhanh. Để nâng cao tính cạnh tranh, các ông “lớn” đang buộc phải thay đổi chính mình.
Hương vị lạ ở Wendy’s
Wendy’s là một hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh có hơn 6.000 địa điểm trên toàn thế giới. Tuần trước, Wendy’s chính thức đánh dấu một bước ngoặt phát triển của mình khi vượt qua Burger King, trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau McDonald’s.
Vài năm trước đây, người tiêu dùng không thể tìm thấy các món ăn vặt trên thực đơn của Wendy’s hay các chuỗi nhà hàng lớn khác. Tuy nhiên hệ thống này đã nhanh chóng định vị lại chính mình, họ tập trung hơn vào nhiều món ăn vặt theo kiểu Starbucks, chủ yếu là để cạnh tranh sự gia tăng nhanh chóng của các thương hiệu trẻ tuổi khác như Five Guys, Chiptle hay Panera Bread…, cung cấp rất nhiều món ăn vặt lạ miệng trong thực đơn.
Ông Danny Lynch, Phó chủ tịch Wendy’s cho biết: “Chúng tôi phải làm cho người tiêu dùng biết đến món sandwich kẹp thịt gà và pho mát hun khói tuyệt vời của chúng tôi. Đó là món mới không truyền thống nhưng khá thành công và được phổ biến rất nhanh hiện nay”. Người tiêu dùng bắt đầu ngán các món Burger truyền thống và thích thưởng thức các món lạ hơn.
Burger King không muốn chờ lâu hơn
Chỉ một tuần sau khi bị Wendy “đá” ra khỏi vị trí số hai của mình, Burger King đã nhanh chóng xem xét lại hệ thống thực đơn và đẩy mạnh chương trình marketing. Một chương trình đặc biệt mang tên “Đổi mới từ đầu đến chân” được phổ biến trong toàn hệ thống. Mặc dù hơi chậm, nhưng đây là một hướng đi tích cực của ông khổng lồ.
Trên thực đơn của Burger King nhanh chóng xuất hiện các món mới như salad cao cấp, snack, nước trái cây. Ngay cả Whopper, tên loại hamburger nổi tiếng của Burger King cũng phải thay đổi, bây giờ bên trong bánh kẹp một miếng pho mai dầy thay vì hai miếng mỏng như xưa.
Sau thời gian gián đoạn, hệ thống các cửa hàng của Burger King bắt đầu sử dụng lại ti vi với nhiều hình ảnh về ngôi sao bóng đá David Beckham và các chương trình nóng của Jay Leno. Người tiêu dùng có thể thưởng thức nhiều loại cà phê như ở cửa hàng Starbucks. Burger King cũng sẽ chi 700 triệu USD trong năm nay để thay toàn bộ hộp đèn menu truyền thống sang menu kỹ thuật số.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao phải mất quá lâu như vậy Burger King mới chịu thay đổi?
Có thể là doanh số đáng tự hào của “ông vua” này vào năm 2011 là 8,4 tỷ USD đã bị Wendy’s qua mặt, và họ không còn sự lựa chọn nào khác khi các thương hiệu khác đang thay đổi và phát triển rất nhanh.
McDonald’s tự làm mới mình
Hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1954, McDonald’s đã ngày càng phát triển mạnh hơn. Nhưng vào năm 2002, McDonald’s đã thua lỗ lần đầu tiên trong lịch sử do nhiều yếu tố khác nhau. Họ cho rằng lý do chính là không đảm bảo được dịch vụ khách hàng đúng như mong muốn, khi quá chú trọng vào việc mở rộng mạng lưới.
Cũng trong năm ấy, tình cờ xuất hiện một cuốn sách của Eric Schlosser với tựa đề Fast Food Nation (tạm dịch là Quốc gia Fast Food) đã khoanh vùng nhiều bệnh béo phì và cho rằng các chuỗi thức ăn nhanh là nguyên nhân lớn.
Cuốn sách đã làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng với ngành công nghiệp thức ăn nhanh.
Người tiêu dùng bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến sức khỏe, quan tâm nhiều hơn về vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng trong thực phẩm. McDonald’s quyết định đã đến lúc phải thay đổi. Từ năm 2003, ông khổng lồ này đã có những chuyển biến cơ bản, phát triển mạng lưới chậm lại, chú ý nhiều hơn về dịch vụ, làm phong phú thực đơn của chính mình, chú ý nhiều hơn về dinh dưỡng thực phẩm.
Đó là lý do tại sao đi vào một cửa hàng McDonald’s hôm nay, bạn có thể thấy Burger nấm Angus theo kiểu Thụy Sĩ, gỏi cuốn BBQ Chipotle, sữa chua trái cây ParfaitN bên cạnh món Big Mac nổi tiếng.
Kể từ khi có sự thay đổi này, doanh số của McDonald’s “phóng thằng lên trời”, từ 50,8 tỷ USD năm 2004 lên đến 77,4 ỷ USD năm 2010.
Gloria Cox, Giám đốc Cambridge Group, một công ty chuyên tư vấn chiến lược cho McDonald’s phát biểu rằng: ”Mcdonald’s luôn có khả năng gây ra các cú sốc, dù họ làm bất kỳ điều gì, ngươi tiêu dùng cũng sẽ nghĩ: mình nên thử”.
Tất cả đang bắt chước Starbucks
Phong cách “Hangout” của Starbucks đang là mô hình được các ông lớn trong ngành thức ăn nhanh học hỏi. Phong cách này cung cấp cho khách hàng một không gian vật lý ấm cúng, có thể ngồi hàng giờ trò truyện và được mệnh danh là nơi chốn thứ ba sau nhà và văn phòng. Đây là yếu tố mang lại nhiều khách hàng trung thành cho Starbucks.
Trong nhiều năm qua, người ta nghĩ đến Starbucks là nghĩ đến bầu không khí ấy cùng nhiều món ăn vặt lạ miệng. Các ông lớn như McDonald’s, Burger King, Wendy’s đều đang thay đổi mô hình theo khuôn mẫu của mình sang bầu không khí này với nhiều chỗ ngồi hơn, hệ thống âm thanh tốt hơn và dịch vụ wi-fi miễn phí.
Đây là những thay đổi lớn và đầy thú vị trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh.
Theo doanh nhan.net
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.