Khi nhân viên biết nhiều hơn sếp

8
Ngày nay, để quản lý những chuyên gia trình độ cao cần phải có những kĩ năng đặc biệt – những kĩ năng mà bạn có lẽ không nghĩ đến. Những nhân viên có trình độ thường biết nhiều hơn bạn trong lĩnh vực của họ. Vậy, bạn làm thế nào để quản lý được những người đó khi họ biết công việc của mình rõ hơn bạn?
Trong trường hợp đó, là một lãnh đạo, bạn phải chú tâm đến nguyện vọng và nhu cầu của nhân viên hơn là kĩ năng chuyên môn của mình. Dưới đây là một số mẹo để quản lý nhân viên trí thức hiệu quả.
8
 
Thể hiện niềm đam mê
Ngày trước, làm việc 40 giờ/tuần và dành 4 – 5 tuần cho kì nghỉ chứng tỏ một người ít thích thú với công việc. Ngày nay người ta làm việc 60 – 80 giờ/tuần, và quan trọng là người ta cần phải yêu thích công việc để tránh trạng thái làm việc quá sức. Các sếp biết “làm gương” và thể hiện đam mê với việc mình làm sẽ giúp cấp dưới dễ dàng học tập theo.
Nâng cao năng lực
Việc làm ổn định ngày càng ít, mà sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng cao, do đó liên tục cập nhật và cải thiện kĩ năng làm việc là rất quan trọng. Nhà lãnh đạo cần phải nhìn trước được những kĩ năng mà nhân viên của mình sẽ cần trong tương lai và giúp họ trau dồi chúng.
Quý trọng thời gian
Ngày nay con người có ít thời gian hơn, tức là giá trị thời gian tăng lên. Nhân viên không thích những nhà lãnh đạo làm tốn thời gian của họ. Các nhà lãnh đạo sẽ thành công hơn nhiều nếu tránh được những công việc vừa không khuyến khích đam mê vừa không nâng cao năng lực cho nhân viên.
Xây dựng mạng lưới quan hệ
Ngày nay, việc làm ổn định là nhờ năng lực, đam mê và mạng lưới quan hệ tốt. Nhà lãnh đạo nào giúp được nhân viên của mình hình thành mạng lưới quan hệ tốt cả trong và ngoài công ty sẽ có được lợi thế cạnh tranh lớn cũng như lòng trung thành của nhân viên. Những mạng lưới chuyên nghiệp này sẽ giúp nhân viên mở rộng vốn hiểu biết và giúp đỡ cho tổ chức của mình.
Hỗ trợ phát triển
Các nhân viên giỏi nhất không chỉ làm việc vì tiền. Họ muốn được cống hiến và phát triển trong lĩnh vực của mình. Những nhà lãnh đạo hỏi nhân viên của mình rằng “Công ty chúng ta có thể làm gì để giúp anh/chị phát triển và đạt được mục tiêu của mình?” sẽ thấy hiệu quả gấp 10 lần.
Tìm một ý nghĩa cho công việc
Chẳng ai lại muốn làm một công việc vô nghĩa và khiến họ buồn chán. Các nhà lãnh đạo phải cho nhân viên của mình thấy tổ chức có thể giúp họ đóng góp cho thế giới và tạo cảm giác được khen thưởng cho những việc mà họ đã làm bằng đam mê.
Quản lý nhân viên có trình độ là một công việc đầy thách thức nhưng rất đáng làm. Những nhà lãnh đạo làm công việc đó cần phải nhìn xa hơn công việc và phải nghĩ về nhân viên của mình nếu họ muốn thành công. Bằng cách đánh giá cao và khuyến khích sự cống hiến, thời gian và kinh nghiệm của nhân viên, các nhà lãnh đạo sẽ giúp hình thành không chỉ tương lai của đội ngũ chuyên gia mà họ dẫn dắt mà còn cả tương lai của tổ chức của mình.
 
Theo doanh nhân

Để lại một bình luận