Xả giận trong đời sống gia đình
Trong đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn sinh ra xích mích và tức giận. Những lúc nước sôi lửa bỏng ấy, làm thế nào để kiềm chế nóng giận. Sau đây là 10 cách giải quyết trong những tình huống ấy.
1 Một cốc nước lạnh
Trong những lúc cả ông bà đều đang nóng như lửa và căng thẳng đó, một cốc nước lạnh sẽ làm hạ hỏa, mang lại cảm giác dễ chịu trong mỗi người. Nếu bạn đang “nóng” hãy cố trấn an mình bằng uống một cốc nước hay rửa mặt. Còn nếu chàng đang trong tình trạng đó, hãy đưa ngay cho chàng một cốc nước để chàng kiềm chế cơn giận. Có thể chàng tiện tay hất ra, bạn nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Chàng sẽ dễ chịu khi bạn can thiệp kịp thời.
2 “Một điều nhịn chín điều lành”
Khi cuộc khẩu chiến xảy ra nếu cả hai đều tỏ ra bất phân thắng bại sẽ chẳng bao giờ dẫn tới một kết quả tốt đẹp. Để giữ cho gia đình êm ấp thì một trong hai phải biết nhịn kịp thời. Ông bà ta vẫn có câu: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Cách tốt nhất, lúc đó người vợ/chồng cần bình tĩnh, tìm cách dò hỏi nguyên nhân tại sao và tìm cách giúp người ấy chia sẻ, giải quyết khó khăn. Bạn cũng không nên tỏ ra thờ ơ hay lạnh nhạt trước những hành động của người ấy. Thái độ hoà nhã, thân thiện,vui vẻ của bạn sẽ làm vợ/chồng bớt căng thẳng.
3 Tự hòa giải
Giảng hòa luôn là một cách ứng xử tốt và khéo léo trong mối quan hệ vợ chồng. Biết dừng đúng lúc trong mọi cuộc tranh cãi sẽ luôn làm tan biến mọi áp lực trong gia đình. Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, sóng gió và chèo lái con thuyền hạnh phúc phụ thuộc rất lớn vào cả hai người.
Lúc này, bạn có thể nói những lời lẽ xuề xòa và tỏ ra chịu yếu thế so với đối phương. Bằng sự hòa giải, bạn sẽ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, làm giảm những cơn căng thẳng thần kinh và giữ cho gia đình luôn hạnh phúc.
4 Đặt mình vào vị trí người ấy
Vợ/chồng bạn hay nổi cáu và thường về nhà gây gổ xích mích với bạn? Hãy chủ động tìm hiểu nguyên nhân vì sao và tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ người ấy.
Vợ/chồng bạn hay mang bực dọc về trút lên đầu bạn? Hãy thử đặt mình vào người đã làm bạn giận, biết đâu bạn sẽ tìm được nguyên nhân của mọi việc. Bạn sẽ hiểu vì sao họ cư xử hoặc có hành động như vậy.
5 Không gian riêng
Mỗi chúng ta cần có một không gian riêng để tĩnh tâm trở lại. Khi bạn đang căng thẳng hay bực bội trong người, bạn nên vào phòng riêng hay những nơi mà bạn chỉ có một mình. Không gian yên tĩnh và thoải mái sẽ làm bạn tốt hơn nhiều.
6 Viết ra những suy nghĩ của mình
Đây cũng là một cách rất tốt để giải thoát những bực tức trong người mình. Những dòng nhật kí về những điều bạn đang suy nghĩ sẽ giúp bạn vơi đi những căng thẳng.
Bạn có thể viết trên giấy, blog, email hay forum, biết đâu những tâm sự của bạn sẽ được mọi người quan tâm và cùng chia sẻ. Lúc đó bạn sẽ có người đồng cảm.
7 Thư giãn
Hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, nhắm mắt linh dim và tưởng tượng đến những gì tốt đẹp nhất đang chờ đón bạn, mọi tức giận tan biến.
Bạn cũng có thể tham gia các lớp yoga để học cách trấn an và thư giãn cơ thể cũng như tâm hồn. Bên cạnh đó các bài tập thê dục nhẹ nhàng như bơi, đi bộ cũng rất tốt cho bạn.
8 Đi tắm
Những dòng nước chảy mơn man trên cơ thể bạn là một cách thư giãn lý tưởng, sẽ làm bạn cảm thấy khoan khoái và lấy lại được tinh thần sau những mệt mỏi và căng thẳng chuyện gia đình.
Bạn có thể nhảy vào hồ bơi vùng vẫy trong làn nước mát hoặc ngâm mình trong bồn nước cùng với dược liệu và hoa. Bên cạnh đó tắm hơi và massage cũng là cách giảm căng thẳng tốt nhất.
9 Cười lên
Chồng/vợ làm bạn tổn thương, nhưng tất cả vì hạnh phúc gia đình, mọi chuyện rồi sẽ qua. Nếu bạn cố chấp hay để bụng càng làm bạn đau đầu, mệt mỏi, cảm giác bị tổn thương, hạ thấp… rồi sẽ chẳng đến đâu nếu cả hai không nhường nhịn.
Hãy luôn mỉm cười vì nó có ích trong việc động viên bạn, giúp bạn yêu đời hơn. Nếu người ấy đã xin lỗi bạn, bạn hãy bỏ qua và để quá khứ sang một bên, cùng nhau sống hết mình cho ngày hôm nay và tương lai của cả gia đình.
10 Trò chuyện cùng nhà tư vấn
Những nhà tư vấn tâm lý luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thắc mắc của bạn và họ sẽ có cách giúp bạn xóa tan mọi bực tức trong người. Bạn dễ dàng trao đổi với họ qua các phòng tư vấn, tổng đài điện thoại hay viết thư tư vấn.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.