Vấn đề phân tích báo cáo tài chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp. Trong các con số tài chính được thống kê trên các báo cáo tài chính, để những đối tượng sử dụng báo cáo hiểu được ý nghĩa những con số này, đòi hỏi sử dụng những phương pháp, công cụ phân tích để xuất bản ra một báo cáo đem lại cho người đọc những thông tin hữu ích, dễ hiểu và sử dụng nhanh trong quá trình ra quyết định của mình.
Báo cáo tài chính được lập theo những chuẩn mực kế toán do các cơ quan quản lý ban hành như Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước,.. Hệ thống báo cáo tài chính của một doanh nghiệp (bao gồm cả loại hình ngân hàng thương mại) bao gồm 4 loại: Bản cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính.
Phân tích báo cáo tài chính không những phục vụ những đối tượng đang quản trị điều hành doanh nghiệp mà còn cung cấp những thông tin cho các đối tượng quan tâm đến tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp. Và một điều lưu ý rằng, tùy loại hình doanh nghiệp mà phương pháp phân tích, hình thức phân tích và độ nhấn phân tích vào một vài chỉ tiêu trong báo cáo để nêu bật lên mức độ trong hoạt động doanh nghiệp.
Tùy theo đối tượng sử dụng bản phân tích như thế nào: ta có thể hiểu việc phân tích có thể đáp ứng 2 mục đích:
– Mục đích ra quyết định: Dựa trên những thông tin từ các con số cụ thể, việc phân tích sẽ đánh sâu vào yếu tố mạnh yếu của doanh nghiệp như: chỉ số nguồn vốn, chỉ tiêu thanh khoản, chỉ tiêu thanh toán ngay….
– Mục đích đầu tư vào doanh nghiệp hoặc rời bỏ doanh nghiệp: Việc phân tích này đòi hỏi chuyên sâu hơn rất nhiều: vì ngoài việc phân tích các yếu tố tài chính như phân tích hệ thống báo cáo tài chính thì lồng vào đó là phân tích rất nhiều các chỉ số phi tài chính như: tình hình nhân sự, hoạt động marketing, chế độ phúc lợi, những khó khăn của doanh nghiệp… Từ đó mới đề ra được các nhóm giải pháp khắc phục hoặc tăng cường trong hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Vì thế, nội dung của việc phân tích báo cáo tài chính có thể được thể hiện qua 2 khía cạnh
1. Phân tích trên từng báo cáo tài chính
Việc phân tích trên từng báo cáo tài chính, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: (1) Phân tích ngang trên từng báo cáo tài chính để thấy rõ sự biến động về quy mô của từng chỉ tiêu, kể cả số tuyệt đối và số tương đối. (2) So sánh dọc trên từng báo cáo tài chính (đặc biệt bảng cân đối kế toán) để thấy rõ sự biến động về cơ cấu của từng chỉ tiêu trên từng báo cáo tài chính. (3) Phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên từng báo cáo tài chính nhằm đánh giá sơ bộ về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Phân tích như trên sẽ cho người đọc cái nhìn tổng quan về sự biến động của từng chỉ tiêu tài chính. Từ đó biết được con số tài chính đó đang ở mức tốt hay xấu hay ít nhất cũng đưa ra được thông tin về tốc độ tăng trưởng của thời điểm đang phân tích so với một thời điểm trong quá khứ
Ví dụ: Một doanh nghiệp trong 6 tháng đạt lợi nhuận là 20 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào thông tin trên thì con số 20 tỷ đồng thực sự khó cho người đọc báo cáo hiểu tường tận con số. Ít nhất từ 20 tỷ đồng đó, ta sẽ so sánh với kết quả đạt được so với 6 tháng cùng kỳ năm trước. 20 tỷ đồng là đạt được bao nhiêu % so với kế hoạch. Hay 20 tỷ đó thu được có xuất phát từ ngành nghề chính hay không!
Kỹ lưỡng hơn, ta cũng đi sâu phân tích cơ cấu vốn mà doanh nghiệp đang sử dụng: bao nhiêu % là vốn vay, bao nhiêu % là vốn chủ. Chỉ số hàng tồn kho là bao nhiêu! Chi phí vốn vay hiện thời doanh nghiệp đang sử dụng là bao nhiêu! … Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh con số 20 tỷ đồng trên. Và trên hết các cổ đông sẽ là người chất vấn và rạch ròi nhiều nhất. Càng phân tích kỹ lưỡng bao nhiêu, bài phân tích càng có chất lượng.
2. Phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Việc phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên các báo cáo tài chính doanh nghiệp là một nội dung rất căn bản của phân tích báo cáo tài chính, nhằm cung cấp những thông tin đánh giá thực trạng tài chính của doanh nghiệp mà nội dung của nó bao gồm những vấn đề sau đây: (i) Đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp. (ii) Phân tích tình hình đảm bảo nguồn vốn ngắn hạn cho việc dự trữ tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. (iii) Phân tích khả năng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (iv) Phân tích tình hình và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. (v) Phân tích tình hình rủi ro tài chính của doanh nghiệp. (vi) Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (vii) Phân tích giá trị doanh nghiệp.
Việc phân tích báo cáo tài chính không thể tách rời việc phân tích doanh nghiệp đó nằm tương quan trong môi trường đầu tư. Sẽ là thiếu đầy đủ nếu việc phân tích đó không có sự so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề trong cùng thời điểm. Và cũng là thiếu sót nếu việc phân tích không đề cập đến những tác động của môi trường kinh doanh, tác động của chính sách tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nói tóm lại, việc phân tích hoạt động kinh doanh doanh nghiệp không những đưa ra cho người đọc hiểu hoạt động của doanh nghiệp trong khoảng thời gian đó là như thế nào (hiệu quả đến đâu, thực hiện ra sao, khó khăn vướng mắc chỗ nào) mà cần đánh giá được tác động cũng như tiềm năng của doanh nghiệp trong thời gian tới. Bởi lẽ điều nhiều nhà đầu tư, cổ đông hoặc nhà điều hành doanh nghiệp quan tâm nhất là hướng đi của doanh nghiệp trong thời gian tới như thế nào!
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.