Gỡ nỗi lo phá sản cho các doanh nghiệp

17
Thua lỗ, tiền làm ra thậm chí không đủ trang trải chi phí lãi vay, khiến nợ nần ngày càng chồng chất. Thế nhưng, thông qua mua bán nợ và tái cấu trúc DN, nhiều DN đã được “cải tử hoàn sinh”.
Từ câu chuyện phục hồi sự sống tại Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI), rất nhiều DN yếu đang nhen nhóm hy vọng.
Với sự hỗ trợ của DATC, VISERI sẽ giải quyết được mớ bòng bong nợ nần
17
Từ câu chuyện VISERI
 
Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI) từng có 34 đơn vị thành viên, trong đó có 3 đơn vị liên doanh với nước ngoài, trụ sở đặt tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, tổng số công nhân có lúc lên tới hơn 25.000 người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của DN dần trở nên bết bát. Tính đến hết tháng 9/2011, Tổng công ty phải ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 321 tỷ đồng. Âm vốn chủ sau khi đã định giá lại tài sản của VISERI cũng lên tới 122 tỷ đồng.
Thêm vào đó, tình trạng kiện cáo liên tục tái diễn trong nội bộ Ban lãnh đạo Tổng công ty, cạnh tranh bên ngoài với các tiểu thương trong gom nguyên liệu đầu vào sản xuất, giá cả…, khiến VISERI như một cơ thể ốm yếu lại luôn phải sống trong bão gió. Cho phá sản VISERI là một trong những kịch bản đã nhiều lần được đề cập tới.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết, từ giữa năm 2010, khi tìm hiểu về VISERI, DATC đã đặt quyết tâm phải tái cấu trúc bằng được đơn vị này. Theo ông Quang, đây không chỉ là câu chuyện về việc tham gia giúp một DN có cơ hội phục hồi ở góc độ kinh tế đơn thuần, mà là câu chuyện hỗ trợ một thương hiệu, một ngành nghề và theo đó là thu nhập, cuộc sống của nhiều công nhân, nông dân.
 
Với sự tham gia của DATC, thông qua việc đàm phán mua lại nợ của các ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Vietinbank…), tổng giá trị khoản nợ ngân hàng hơn 270 tỷ đồng của VISERI đã được xử lý tài chính, trong đó có xóa nợ trên 122 tỷ đồng. Từ đây, VISERI đủ điều kiện để được cổ phần hóa. Ngày 22/11/2012, VISERI sẽ chào bán 4,33 triệu cổ phiếu qua đấu giá tại HNX.
Điểm thứ hai quan trọng hơn là, cùng với việc xóa nợ giai đoạn 1, DATC chuyển 50 tỷ đồng tiền nợ thành vốn cổ phần và dự kiến xóa thêm khoảng 30 tỷ đồng trong giai đoạn 2, giúp VISERI giảm nợ vay về mức khoảng 70 tỷ đồng sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động.
“Sau quá trình này, DN sẽ giảm mạnh được áp lực vay nợ, đặc biệt là chi phí tài chính. Đây sẽ là một nhân tố quan trọng, cùng với việc tham gia quản trị nâng cao chất lượng hoạt động, kêu gọi nguồn vốn từ cổ đông mới bên ngoài… sẽ giúp VISERI phục hồi”, ông Quang nói.
 
Một phép tính đơn giản, từ 270 tỷ đồng, nếu áp dụng lãi suất thấp nhất là 10%/năm, thì chi phí lãi vay của VISERI cũng lên tới 27 tỷ đồng/năm. Với hoạt động cầm chừng của Tổng công ty, nguy cơ lãi mẹ đẻ lãi con là hiện hữu. Nhưng với phương án tái cơ cấu như trên, mức lãi vay cho khoản nợ 70 tỷ đồng của VISERI sẽ chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nếu đủ khả năng trả nợ 10 tỷ đồng/năm, VISERI sẽ hết nợ gốc sau hơn 7 năm và 4 năm nữa để hoàn thành trả lãi vay.
Gỡ bỏ ám ảnh lãi vay
Đối với những DN gặp khó khăn, bị thua lỗ nặng, gánh nặng tài chính, nhất là vay nợ và lãi vay thực sự là nỗi ám ảnh, đẩy DN vào vòng luẩn quẩn ngày một bi đát hơn. Vay nợ nhiều, không thể trả nợ được thì không được vay thêm vốn, lãi suất chịu cao hơn. Không vay thêm vốn thì không thể kinh doanh, hoặc có kinh doanh thì lợi nhuận làm ra cũng chẳng đủ để trả lãi phạt cao ngất ngưởng…
 
Đồng thời, để có được một thỏa hiệp từ phía ngân hàng cho phép DN được khoanh nợ, giãn nợ… là điều không đơn giản khi hầu hết ngân hàng ít chịu từ bỏ lợi ích của mình.
Kế toán trưởng một DN ngành xây dựng cầu đường cho biết, DN nơi ông đang làm việc có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, có một khoản vay quá hạn của ngân hàng quốc doanh trị giá 18 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến nay, tổng số tiền lãi mà DN này phải trả cho ngân hàng lên tới hơn 21 tỷ đồng.
 
Biết là vô lý, nhưng nếu không cố gắng trả lãi vay (thậm chí bằng cách đi vay vốn triển khai dự án để bù đắp vào), DN sẽ bị siết tài sản, mất đường làm ăn.
Nhưng đây chỉ là một khoản trong số nhiều khoản nợ khác, tổng trị giá lên tới 70 tỷ đồng của DN nói trên, khiến DN nợ nần ngày một nhiều, không có cơ hội thoát nợ. Trong khi đó, ngân hàng cũng phải ghi nhận nợ xấu suốt hơn 5 năm qua, nhưng không chịu áp dụng chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho DN.
 
Phương pháp mua nợ, xóa một phần khoản nợ lãi và gốc tùy theo từng trường hợp cụ thể (giá mua nợ, khả năng trả nợ…), biến nợ thành vốn cổ phần; chính sách trả nợ và lãi suất vay hợp lý… là cách mà DATC đã và đang mang lại con đường sống cho nhiều DN, trong đó có những điển hình như: CTCP Đường Kon Tum (KTS), CTCP Sadico Cần Thơ (SDG)… đã lên sàn niêm yết.
Cứu DN thoát khỏi khó khăn vì nợ nần, việc đầu tiên là những chính sách khoanh nợ, giảm nợ để DN có cơ hội phục hồi. Chỉ có điều, như ông Quang nói, để làm được điều này, rất cần những cái bắt tay của rất nhiều bên, từ ngân hàng, cơ quan quản lý và chính DN.

Trả lời