Giáo dục con theo từng thời kỳ của tuổi

mgd250
Khái niệm “thần tượng” (L’idole, idol) là một từ dùng để chỉ một nhân vật nào đó được yêu mến, kính phục, sùng bái, tôn thờ. Có rất nhiều mẫu hình tượng khác nhau, từ những người thân quen trong nhà cho đến thày cô, các bậc danh nhân …Hiện nay, phổ biến là các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên màn ảnh với những ngoại hình và tài năng mà họ đã phô diễn cùng với sự giúp sức của rất nhiều phương tiện truyền thông.
mgd250
Thần tượng theo lứa tuổi
Đối với trẻ nhỏ, hình tượng của người mẹ là biểu tượng của sự trìu mến, ấm no, vui sướng và an toàn. Đấy cũng là những tín hiệu ở cấp độ sơ khởi nhất về “thần tượng”. Trong những năm tháng đầu đời, trẻ em chủ yếu sống bao bọc trong khung cảnh của gia đình, nên hình tượng của cha mẹ (hay người nuôi dưỡng) sẽ là “thần tượng” đầu tiên của các em. Từ tình cảm, cho đến hành động, tác phong, hay cách sống… của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng có ảnh hưởng rất nhiều tới đứa trẻ. Đó làm những tấm gương để học tập, noi theo trong quá trình phát triển những kỹ năng sống để hình thành nhân cách của mình. Những ảnh hưởng từ cha mẹ ở thời kỳ ban đầu này của trẻ chủ yếu bằng bản năng, nên trẻ noi theo cha mẹ một cách thụ động theo kiểu bắt chước.
 
Đến khi trẻ bắt đầu đi học thì cuộc sống của chúng cũng bắt đầu mở rộng ra với thế giới bên ngoài, với xã hội. Điều đó khiến cho năng lực quan sát của trẻ không ngừng được mở rộng, qua đó từng bước thay đổi những nhận thức bản năng bằng những nhận thức của trí tuệ với những điều chúng thấy, chúng biết, chúng tìm hiểu.
 
Từ đó, thần tượng của trẻ có thể chuyển từ cha mẹ, người nuôi dưỡng qua những đối tượng khác tùy theo tính cách, khả năng nhận thức hay sở thích của trẻ. Thông thường, thì những thần tượng của trẻ cấp I có thể là các thày cô mà chúng kính mến hoặc những người bạn có các khả năng nổi trội mà trẻ khâm phục. Đây là những đối tượng gần gũi trẻ, mà các em thường có dịp tiếp xúc thường xuyên. Tuy nhiên cũng vì thường xuyên gần gũi nên thần tượng có thể bị “lật đổ” hay thay thế, hoặc đơn giản hơn là quên dần vì đã trở nên quen thuộc hay do sự phát triển về cơ thể, và năng lực sẽ khiến cho trẻ không còn thấy các thần tượng của chúng quá tài năng. Các sở thích cũng hay thay đổi khiến trẻ không còn ngưỡng mộ những người quen thuộc với chúng nữa.
 
Qua giai đoạn cấp II, trẻ đã có những định hình hơn về sở thích và điều quan trọng hơn nữa, đó là ảnh hưởng của bạn bè, trẻ bắt đầu tìm kiếm để gắn bó với những người bạn hay nhóm bạn cùng sở thích, và chịu tác động “hiệu ứng đám đông” nên khi thấy có nhiều bạn của mình thích một ai đó, trẻ cũng dễ có khuynh hướng hưởng ứng hay bắt chước theo. Đây cũng là cơ sở để hình thành những fan (nhóm người cùng thích một nhân vật, một sự kiện hay một tính cách nào đó ) và tùy theo ảnh hưởng hay tác động của những “thủ lĩnh” của nhóm đó, để biến thành một nhóm fan cuồng hay hay là những fan ái mộ có chừng mực.
 
Giai đoạn học sinh bước vào cấp III, đặc biệt là những năm cuối cấp, có thể nói việc tìm kiếm lựa chọn những “thần tượng” để yêu thích, thán phục, tôn thờ làm khuôn mẫu noi theo cho những ước muốn về nghề nghiệp, sự nghiệp, tiền đồ của các bạn trẻ này đã được xác lập, định hình một cách khá rõ ràng và chắc chắn, tùy vào những hoàn cảnh, điều kiện gia đình, vào môi trường xã hội, địa lý, vào những năng lực, những khả năng, những tố chất, những năng khiếu, những trải nghiệm, những tính cách khác nhau của mỗi học sinh mà mỗi người sẽ tìm cho mình những thần tượng theo ý muốn. Có bao nhiêu nghề nghiệp, ngành nghề trên đời là có bấy nhiêu ý thích, ước muốn của các em, tùy theo năng lực, khả năng của mỗi người để lựa cho mình “thần tượng” nào đó đã từng yêu mến, cảm phục, tôn thờ làm khuôn mẫu, tấm gương để học tập noi theo. Những bác học như A.Einstein, C.Darwin, Nhà lập trình Bill Gates, CEO Steve Jobs, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà văn E. Hemingway, M. Proust, B. Pasternak, hoặc Diễn viên Angelina Jolie, ca sĩ Whiney Houston, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, vận động viên bơi lội Michael Phelps… có lẽ cũng đã và đang là những “thần tượng” của một bạn trẻ nào đó.
 
Có thể nói trong xã hội, những thần tượng để yêu mến, cảm phục, tôn thờ rất đa dạng từ nghề nghiệp cho đến môi trường hoạt động. Hiện nay, ta thường cho rằng tuổi trẻ chủ yếu chỉ thần tượng những ca sĩ, nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh, Thanh Lam, Tùng Dương hoặc các nhóm nhạc Hàn Quốc ( Kpop) mà không còn quan tâm nhiều đến các danh nhân…Đó là một nhận định khá chủ quan bởi vì do giới báo chí, truyền thông từ lâu nay đã viết lách, tuyên truyền, quảng bá quá nhiều cho những “thần tượng” trong lĩnh vực giải trí (điều này cũng có nhiều nguyên nhân, lý do) mà ít đề cập đến những “thần tượng” ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Do đó vừa tạo ra một hiệu ứng đám đông thu hút sự ngưỡng mộ của các bạn trẻ, vừa tạo ra nhận định là thần tượng chỉ có bấy nhiêu, khiến cho một số nhà giáo dục hay tâm lý, xã hội lại dựa vào đó để lên án những xu thế thần tượng không giá trị của các bạn trẻ.
 

Tình cảm tuổi mới lớn

Khi bước vào tuổi mới lớn, một lứa tuổi được đặt cho rất nhiều danh xưng khác nhau, nào là tuổi dậy thì, tuổi mộng mơ, tuổi hoa niên, tuổi niên thiếu, hay phổ biến hiện nay là tuổi teen. Cũng giống như nhiều cái tên khác nhau, các cảm xúc tình cảm của các em cũng rất đa dạng, từ chuyện xây dựng những ước vọng về tương lai, về nghề nghiệp, cho đến tình cảm yêu mến các “thần tượng” và cả những cảm xúc mơ hồ lãng đãng với những người khác phái.
 
Các cảm xúc là những yếu tố cần thiết để kích thích năng lực hoạt động, nếu là những cảm xúc tích cực và lành mạnh sẽ là những tác động mạnh mẽ, đem lại những thành quả tốt đẹp, làm cho các em tự tin và năng động hơn. Nhưng nếu lại là những cảm xúc tiêu cực hay quá khích, chỉ nhằm thỏa mãn nhưng mong muốn nhất thời, hay đem lại những ích lợi vật chất hay những hư danh, thì nó lại khiến cho các em có những ứng xử thiếu thận trọng, có những suy nghĩ có thể hủy hoại lòng tự trọng, khiến các em đánh mất giá trị bản thân để bộc phát thành những hành vi khó kiểm soát.
 
Chính vì điều đó, các em không chỉ cần có sự quan tâm đến việc tìm chọn những “thần tượng” cho đúng, cho có ý nghĩa mà còn cần phải biết nhận diện và quản lý được những cảm xúc đa dạng của mình . Để lựa chọn đúng thần tượng, mỗi người phải có được những khả năng lựa chọn. Khả năng lựa chọn lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Chúng ta biết rằng, con người có nhiều năng lực khác nhau. Nhưng có ba năng lực cần thiết, đó là: năng lực về lý trí, năng lực về đạo đức và năng lực về thẩm mỹ. Để có được các năng lực đó, thì việc quan tâm, học tập và thực hành các giá trị sống là điều mà chúng ta phải áp dụng hằng ngày.
 
Để nâng cao năng lực ý chí thì chúng ta cần trau dồi những kiến thức và việc học tập có định hướng sẽ giúp chúng nhìn rõ và đánh giá một cách đúng đắn về các vấn đề khác nhau.Để phát triển năng lực đạo đức, thì chúng ta cần vận dụng đúng theo các Quy luật đạo đức : Bao gồm các hành động theo thiện chí – suy nghĩ về những điều tốt ( thiện ý ) với tấm lòng chân thành (thiện tâm). Người nào nhận thức được, hiểu được, hành động đúng theo được tinh thần, nội dung của “Quy luật đạo đức” này sẽ là những người có năng lực đạo đức. Nhưng con người khi sinh ra chưa làm tốt ngay được những điều như vậy, mà phải học tập, rèn luyện thường xuyên mới đạt được. Có năng lực đạo đức, mỗi người sẽ hành xử đúng đắn, sống tốt đẹp, nhìn nhận, đánh giá mọi điều chuẩn mực hơn.
 
Đối với con người thì năng lực thẩm mỹ cũng rất quan trọng, tuy không nhất thiết phải có. Nhưng nếu có được năng lực này, cuộc sống sẽ phong phú, thú vị, có ý nghĩa hơn rất nhiều. Chính ý thức một cách đứng đắn về thẩm mỹ mà chúng ta mới có khả năng cảm nhận cái đẹp, cái tốt, cái giá trị đích thực từ các tác phẩm nghệ thuật, cho đến việc chọn lựa những thần tượng cho bản thân.
Chính các năng lực này sẽ giúp mỗi một người, nhất là các em thiếu niên trên bước đường phát triển có thể định hình được nhân cách, bộc lộ những bản sắc, cá tính, cái cá nhân tích cực trong đời sống, không bị cuốn theo lối a dua, theo tâm lý của đám đông. Chính việc hình thành nên một nhân cách lành mạnh, lại khiến cho các em có được nhiều thuận lợi hơn trong việc hình thành và phát triển những tình cảm của mình.
 
Các em cũng cần phân biệt giữa tình cảm, tình yêu và tình dục – dù tất cả đều xuất phát từ những cảm xúc, từ nhu cầu của thể xác và tinh thần, nhưng với tình cảm, đó chỉ là những ngưỡng mộ, thích thú và quan tâm, thì tình yêu lại có thêm sự tôn trọng, biết hy sinh và tình dục chính là sự kiểm soát những ham muốn của cơ thể. Nếu ta thực hiện được các năng lực này thì tình cảm tuổi mới lớn sẽ là một nguồn lực hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp để làm chủ bản thân, định hướng cho cuộc đời của mình.
Những Fan của giới trẻ
Từ việc bị tác động và cuống hút bởi các thần tượng, thông qua các hoạt động trình diễn, chiếu phim hay các chương trình ca nhạc trực tiếp hoặc đơn giản hơn là đưa lên internet, lên youtube.. đã nối kết các bạn trẻ có cùng khuynh hướng ngưỡng mộ thần tượng kết hợp lại thành các nhóm, gọi là các fan, các hội ưu thích.v.v.v Khi tham gia các nhóm này, ngoài cơ hội tiếp xúc với các thần tượng hay chủ yếu chỉ là để đáp ứng nhu cầu hội họp, bộc lộ cảm xúc thì các em lại có được một môi trường thuận lợi để hình thành những tình cảm của tuổi mới lớn trong những hoạt động chung. Tùy theo quan điểm, cách tổ chức mà các fan này sẽ có những hoạt động tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến cộng đồng hoặc chỉ là những hoạt động giải trí đơn thuần. Nhưng tất cả dù dưới góc độ nào cũng khiến cho các em có cơ hội bầy tỏ cảm tình, sự quan tâm đến một đối tượng nào đó, và giới thiệu bản thân. Đây là hai nhu cầu quan trọng của tuổi trẻ cần phải được quan tâm và định hướng một cách hợp lý.
 
Có hai môi trường hình thành các fan phổ biến nhất là thể thao và nghệ thuật. Trong lĩnh vực thể thao, thì các fan bóng đá là những nhóm tiêu biểu, nó không chỉ là cho giới trẻ mà bao gồm nhiều thế hệ, và mang những giá trị đặc thù của từng khu vực, từng quốc gia. Đó là một hiện tượng xã hội góp phần tạo ra những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần cho một số các quốc gia.
Trong phạm vi nhỏ hơn nhưng cũng thu hút một số lượng lớn các bạn trẻ là các fan của các thần tượng âm nhạc, các fan này thường không có tổ chức giống fan bóng đá, mang tính địa phương mà nó lại có tính quốc tế, tùy theo trào lưu của từng thời đại mà nó phát triển và tồn tại. Tại một số quốc gia hay địa phương còn có những fan thần tượng âm nhạc có quy mô nhỏ hơn nhưng dây là một môi trường thích hợp để tuổi mới lớn hình thành và bộc lộ các cảm xúc về nhiều mặt của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực tình cảm.
Theo – tamlytreem.com

Trả lời