Điều chỉnh cảm xúc và tâm sinh lý ở trẻ dậy thì

mgd251
Nói về những cảm xúc và đặc biệt là tình yêu tuổi mới lớn là một điều thú vị nhưng cũng có phần mơ hồ lãng đãng như chính những cảm xúc chợt đến – chợt đi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài góc cạnh trong lĩnh vực này để có thể hiểu và cảm thông cho các em vị thành niên khi đối diện với những điều khó diễn tả này.
mgd251
 1.Là chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên, anh có thể chia sẻ một chút về sự cần thiết của giáo dục kỹ năng sống đối với các bạn trẻ?
 
Có thể nói một cách đơn giản, kỹ năng sống là những năng lực cần thiết giúp cho một đứa trẻ phát triển về nhận thức và nhân cách để vững bước vào đời. Tuy nhiên, KNS không nên xem giống như những môn học mà đến một độ tuổi nào đó mới có thể học, và cũng không phải là những lý thuyết để mang ra giảng dạy tại các lớp học. Nói cách khác, KNS là những năng lực mà trẻ chỉ có thể tiếp nhận qua các hoạt động thực hành và nó bao gồm các lĩnh vực sau:
 
Trong lĩnh vực nhận thức bao gồm các kỹ năng nh­ư: Kỹ năng phê phán, phân tích, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, ra quyết định, tự nhận thức, đặt mục tiêu, xác định giá trị…
 
Trong lĩnh vực tương tác bao gồm : Kỹ năng giao tiếp; tính quyết đoán; th­ương thuyết, từ chối, kỹ năng làm việc nhóm; sự cảm thông, chia sẻ; khả năng nhìn nhận thiện cảm …Đối với tuổi thiếu niên thì đây là những năng lực hết sức cần thiết nhất là trong lĩnh vực cảm xúc và lĩnh vực tương tác. Nó giúp cho các bạn có khả năng tự chủ, không đua đòi chạy theo những phong trào thời trang cũng như ý thức được giá trị của bản thân để đương đầu với những tác nhân xấu trong cuộc sống và hòa nhập được với môi trường sống chung quanh mình.
 
2.Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhất là các vấn đề liên quan đến cảm xúc. Anh có thể nói rõ hơn về những thay đổi cảm xúc ở lứa tuổi này? Chúng có ảnh hưởng gì đối với cuộc sống của các bạn?
 
Sự thay đổi về tâm sinh lý là một quá trình tất yếu và có những tác động vào khả năng làm chủ cảm xúc của lứa tuổi hoa niên. Khi đứng trước về những biến đổi của cơ thể từ những chuyện “nhỏ như con thỏ” như việc xuất hiện những cái mụn trứng cá, cho đến những chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn như kinh nguyệt ở các em nữ và xuất tinh ở các em nam. Hầu hết các em không biết ứng xử như thế nào và có những cảm xúc như bối rối, lo lắng hay mặc cảm về bản thân là điều tất yếu. Ngoài ra, sự hình thành khả năng tư duy trừu tượng bên cạnh khả năng tư duy cụ thể đã có ở lứa tuổi trẻ em sẽ mở ra trong tâm trí các em những quan niệm hay ý tưởng mới lạ về các giá trị sống và tình cảm. Những cảm xúc đi từ tính ái kỷ chỉ biết sự đòi hỏi và thụ hưởng từ một đứa trẻ đã có những giao động qua những cảm xúc hướng ngoại, biết xúc động trước những cái đẹp cũng như niềm vui và sự đau khổ của người khác.
 
Tuy nhiên, đây là sự giao động qua lại giữa hai loại cảm xúc. Trẻ vẫn chưa thoát khỏi những nhu cầu của trẻ nhỏ và cũng chưa đủ năng lực để điều khiển những cảm xúc mà mình mới cảm nhận, để biến thành những phẩm chất tốt đẹp cho bản thân. Chính vì vậy mà trẻ cần được một sự giáo dục mang tính chủ động, vừa có những hướng dẫn cụ thể như với trẻ em, nhưng lại phải có những trao đổi với sự tôn trọng dành cho những người lớn. Chúng ta gọi đó là sự đồng hành, với những hoạt động cụ thể trong gia đình và trong các tập thể. Chỉ có như thể trẻ mới có thể tiếp nhận được “sự chuyển giao” các giá trị sống để có được khả năng tự chủ trong việc điều khiển cảm xúc của mình.
 
3.Tình yêu là cảm xúc rất phổ biến đối với các bạn ở lứa tuổi vị thành niên. Nhiều bạn đã có tình yêu ở lứa tuổi này. Theo anh tình yêu tuổi hoa niên là thế nào? Nó khác gì so với tình yêu của người đã trưởng thành?
 
Có lẽ trong những thứ tình, thì tình yêu là một loại cảm xúc được mô tả, thậm chí là được tìm hiểu, phân tích nhiều nhất nhưng nếu hỏi tình yêu là gì thì lại khó có thể đưa ra một định nghĩa có thể làm hài lòng mọi người. Bởi vì có rất cách hiểu với nhiều loại, nhiều mức độ tình yêu khác nhau. Như thế, có thể nói là mỗi một độ tuổi lại có một loại tình yêu khác nhau và mỗi một con người cũng có cái nhìn khác nhau về tình yêu.
Nếu phân tích thì chúng ta thấy đặc điểm nổi bật của tình yêu tuổi hoa niên đó là sự hướng về bản thân nhiều hơn là hướng về đối tượng mình yêu. Ở người trưởng thành thì tình yêu hình thành từ sự tôn trọng và trách nhiệm, còn ở các em thiếu niên thì tình yêu hình thành từ sự mong muốn và hài lòng. Khi một “đối tượng” xuất hiện, thì cái cảm xúc đầu tiên của một thiếu niên và cả với những người chưa trưởng thành về mặt tâm lý đó là sự mong muốn: người ấy có hợp với mình không? Sau đó sẽ là câu hỏi mình sẽ được lợi ích gì khi yêu? Có khi đó là những lợi ích thực tế, nhưng đa số là những ích lợi tinh thần mà chủ yếu là sự chấp nhận và ngưỡng mộ của những bạn bè và những người thân cận.
 
Có lẽ cái cảm giác được coi là người lớn là điều khiến cho các bạn trẻ hài lòng nhất khi có được một mối tình vắt vai nhưng đó lại là điều khiến các bậc cha mẹ khó chịu nhất, vì dưới mắt của cha mẹ, thiếu niên vẫn là một đứa trẻ mà tình yêu thì không phải là một viên kẹo !
 
Thế nhưng, tình yêu tuổi thiếu niên vẫn là một điều có thật và có những ảnh hưởng lớn đến nhận thức và năng lực của trẻ. Chỉ có điều nó cần có được một sự nhìn nhận phù hợp với những đặc điểm của nó và nếu có được sự tôn trọng và dẫn dắt đúng hướng thì tình yêu tuổi mới lớn sẽ là một động lực có giá trị mạnh mẽ giúp trẻ trưởng thành.
 
4. Theo các phương tiện truyền thông, thì những hệ quả xấu xuất phát từ tuổi vị thành niên như bạo lực học đường, tự tử, nghiện game hay mang thai ngoài ý muốn… là do những thay đổi cảm xúc nhưng không kiềm chế được của lứa tuổi này. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
 
Nếu nói đó là sự thiếu kiềm chế của các em thiếu niên, thì có vẻ như đó là lỗi của các em trong khi các em chỉ là những nạn nhân của các hệ quả xấu này. Nhưng cũng không thể cho rằng các em vô trách nhiệm trong các vấn đề này bởi vì các em cũng cần phải có sự chọn lựa cho mình một lối sống như thế nào sau khi đã nhận được những biện pháp giáo dục phù hợp. Thế nhưng thế nào là những biện pháp giáo dục phù hợp thì lại đang là một thách thức lớn cho các gia đình và cho cả các hệ thống giáo dục hiện nay.
 
Hiện nay, chúng ta thường vô tình có những cái nhìn khá cực đoan về những biểu hiện hay giá trị bên ngoài của các em. Chúng ta dễ dàng phê phán các bạn trẻ sử dụng một loại ngôn ngữ kỳ dị trong thế giới ảo qua các tin nhắn, trên các diễn đàn .v.v. như một thảm họa cho tiếng Việt. Hay báo động về cách ăn mặc kỳ quái của một số bạn trẻ và thái độ tôn sùng các thần tượng âm nhạc quá đáng của những nhóm ái mộ cuồng nhiệt mà ta gọi là fan cuồng. Nói cách khác, đó là những nhận định mang tính mô tả chủ quan chỉ mang tính phê phán và chỉ có tác dụng đẩy các bạn trẻ vào thế đối đầu mà không đi sâu vào bản chất của sự kiện để tìm ra đâu là những giá trị và có những giải pháp tích cực.
 
Thực ra, sự thiếu khả năng kìm chế hay điều khiển cảm xúc của trẻ chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến trẻ bị tác động và có những phản ứng thái quá như bạo lực, tự tử hay không đủ sự tự chủ dẫn đến quan hệ tình dục sớm. Bên cạnh đó phải nói đến những yếu tố từ gia đình, từ môi trường giáo dục và xã hội cũng đã góp phần quan trọng vào việc sói mòn nhân cách và hủy hoại các cảm xúc tích cực nơi trẻ.
 
5. Cần phải làm gì để hướng những thay đổi cảm xúc của tuổi hoa niên theo chiều hướng tốt đẹp, hạn chế những nguy cơ xấu, đồng thời có ích cho cuộc sống của các bạn?
 
Nếu chúng ta nhìn nhận rằng gia đình và môi trường giáo dục có những tác động đáng kể đến việc hình thành các cảm xúc tích cực nơi các em thiếu niên, thì chính sự thay đổi của cha mẹ, thay đổi quan điểm giáo dục sẽ là những yếu tố cần thiết cho nhân cách của các em có được những thay đổi tích cực.
 
Ông cha ta có câu: “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà các bậc cha mẹ thường cho rằng đó chỉ là những ảnh hưởng của bạn bè, hễ cho trẻ chơi với đứa giỏi, đứa ngoan thì con mình cũng sẽ ngoan và giỏi. Ngược lại, nếu cứ đi theo cái đám “du thủ du thực” thì trước sau gì cũng hư thân, mất nết mà quên rằng chính bản thân bố mẹ và môi trường sống chung quanh cũng là mực và là đèn cho đứa trẻ.
 
Nếu bố mẹ quá coi trọng những giá trị vật chất, coi việc tìm kiếm và hưởng thụ những danh vọng trong cuộc sống là mục đích của đời mình thì làm sao có thể giúp con có những cảm xúc tích cực về những giá trị sống tinh thần! Nếu bố mẹ và các nhà giáo dục đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ là những tấm gương sáng cho các em noi theo thì đó mới là những tác động quan trọng cho việc phát triển nhân cách của trẻ. Còn làm thế nào để trở thành một tấm gương cho các em thì ai trong chúng ta đều biết cần phải làm gì !
Theo – tamlytreem.com

Trả lời