Công nghệ có phải là tất cả không ?

“Đâu là bí quyết thành công của những sản phẩm như Facebook, Instagram, Iphone,…? Họ thành công vì sản phẩm của họ phù hợp với xu thế social, có thể giải quyết nhu cầu của số đông người, chứ không đơn thuần chỉ là tính năng của sản phẩm…”
Đó là những chia sẻ của anh Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MV Corp trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Product development – Phát triển sản phẩm”.
cong nghe khong
Đây là chủ đề thứ ba trong chuỗi 6 chủ đề của Khóa học trực tuyến miễn phí “Khởi nghiệp cùng các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam” do Topica Founder Institute cùng InfoDev (Worldbank) và Savvi tổ chức dành cho những cá nhân đang mong muốn và có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Giai đoạn tìm hiểu: Hiểu người và hiểu ta
Theo lý thuyết trước khi phát triển sản phẩm cần nghiên cứu rất nhiều thứ: nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu xu thế mới,…Đối với những công ty lớn có nguồn lực, cần và nên nghiên cứu xu thế, quan tâm đến các chính sách vĩ mô. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, tính quá xa chưa chắc đã ổn. Điều quan trọng là giải quyết tốt nhu cầu trước mắt, sản phẩm đưa ra là phải dùng được. Theo anh Công, noi.vn hay nhacso.net là những minh chứng rõ nét cho quan điểm này. Nhacso.net đã tiến hành thu phí từ năm 2005 nhưng đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi hệ sinh thái kinh doanh xung quanh chưa hoàn toàn phát triển, các dịch vụ thanh toán ít, phức tạp. Cho đến nay, việc thu phí mới có thể triển khai.
Vậy, với startup thì sao? Việc nghiên cứu sẽ là một khó khăn rất lớn. Bởi lẽ, các sản phẩm công nghệ thay đổi rất nhanh và khó đoán. Anh Công tư vấn các startup có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm với 3 cách: (1) Nghiên cứu các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, bởi vì những sản phẩm đó ra mắt thì các doanh nghiệp đã có sự nghiên cứu khá kỹ về mô hình sản phẩm, chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian nghiên cứu: (2) Nghiên cứu hành vi người dùng: Có sự khác biệt khi nghiên cứu cách tiếp nhận của người tiêu dùng Việt và phương Tây. Khi nghiên cứu không cần số lượng lớn, có thể nhờ người thân. Đừng giải thích gì khi nghiên cứu, hãy để họ sử dụng và cảm nhận. Theo dõi sự cảm nhận đó của họ, liệu sự cảm nhận đó có đúng như những gì người phát triển mong muốn. Bởi khi sản phẩm được đưa ra thị trường, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội để giải thích với người dùng; (3) Nghiên cứu sự dịch chuyển, thay đổi về nhu cầu của xã hội. Hiện nay, trên thị trường, các doanh nghiệp công nghệ tập trung phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ trên smartphone trong khi lượng người dùng sản phẩm này lại không lớn. Điều này khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, khiến cho sản phẩm không đạt được như mong muốn.
Giai đoạn định hình: Công nghệ không phải là tất cả
Đặc tính của một sản phẩm thành công là sản phẩm đó phù hợp với xu thế. Khi xu thế về social phát triển thì những sản phẩm như Facebook, Instagram,… trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội, mọi độ tuổi. Sự thành công của Facebook không phải vì đó là một sản phẩm quá đặc biệt, nhưng trong quá trình phát triển, nó đã tích hợp nhiều ứng dụng, có khả năng giải quyết tốt nhu cầu của người sử dụng. Và điều đặc biệt là rất dễ dàng sử dụng, thao tác trên giao diện. Anh Công khuyên các startups trẻ không nên sa đà vào công nghệ, có thể sản phẩm của bạn mới, hiện đại nhưng nếu không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thì con đường thành công sẽ ở rất xa.
Rất khó có thể nói là một sản phẩm thành công cần và có những yếu tố gì cụ thể. Nhưng trước hết, startup cần trả lời được câu hỏi: Sản phẩm của bạn là gì? Nó có thể giải được những mục tiêu cụ thể nào? Có thể giải quyết được điều gì cho xã hội.
Trước đây, anh Công thường tập trung vào mảng thiết kế, công nghệ của sản phẩm nhưng sau này anh thường tập trụng vào triết lý, đích đến của sản phẩm. Đối với riêng anh, noi.vn là sản phẩm khiến anh cảm thấy tự hào nhất với những kết quả đã đạt được. Đến thời điểm này, noi.vn đã có gần 1 triệu thành viên với gần 1000 đám cưới.
Anh Công cũng lưu ý các bạn trẻ: Trong giai đoạn này, các bạn sẽ nhận được rất nhiều ý kiến, tư vấn khác nhau đặc biệt là các nhà đầu tư (VC). Nhiều bạn thường lo lắng làm sao giữ được chất sản phẩm mà không bị VC yêu cầu thay đổi. Nhưng các bạn có thể yên tâm VC không can thiệp quá nhiều vào quá trình phát triển sản phẩm. Điều họ thực sự quan tâm là con người, vào team phát triển chứ không phải là sản phẩm. Khi họ thực sự khuyên thì các bạn nên ngồi lại và lắng nghe. Bởi các nhà đầu tư khi đã khuyên thì họ đã có sự nghiên cữu kỹ về thị trường, về các sản phẩm tương tự khác.
Giai đoạn hình thành: Trước ngày “ra trận”
Trước khi các sản phẩm ra đời, tất cả các khâu chuẩn bị (marketing, quản lý,…) đều phải sẵn sàng và phải chạy beta. Quá trình test cần được làm kỹ càng bởi lẽ có sự khác biệt rất lớn khi nghiên cứu và đưa ra thị trường.
Thường có 2 cách launch sản phẩm:
Cách 1: Sau giai đoạn beta là đưa trực tiếp ra thị trường như cách làm của Iphone. Cách này có thể thành công nhưng nhiều rủi ro. Ở VN cách này thường được các đơn vị sử dụng trong lĩnh vực game.
Cách 2: Vừa làm vừa sửa, tức là test và quảng bá ở một quy mô nhỏ trước khi đưa ra thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay sử dụng khác nhiều cách này, kể cả các doanh nghiệp lớn như FPT, VTC,… Các founder còn trẻ, chưa có kinh nghiệm thì nên làm theo cách này để có sự chắc chắn.
Trong giai đoạn này, khi thay đổi sản phẩm thì các startup không nên đi xa so với mục đích ban đầu, cần thống nhất một triết lý từ khi hình thành đến phát triển. Các chức năng giao diện cần đi theo mục đích đã định sẵn.
Anh Công cũng chia sẻ, trước đây, nhacso.net đã làm theo cách 1. Sau hai ngày chạy thử nghiệm, trang web đã bị treo vì số lượng truy cập lớn. Các sản phẩm sau này, anh Công đã áp dụng cách 2 để có sự chuẩn bị chu đáo và dịch vụ ổn định.
Lời khuyên của anh Công dành cho các bạn trẻ: Hãy cứ làm và trải nghiệm. Thất bại là điều đương nhiên nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm cực kỳ quý giá.
Khóa học “Khởi nghiệp cùng các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam” được xây dựng với mục đích đào tạo, phát triển các kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp mới và giúp các bạn kết nối với mạng lưới các nhà đầu tư và những nhà khởi nghiệp trẻ khác.

Trả lời