Trung tâm Thông tin Kinh tế (BIZIC) – VCCI phối hợp Infolink vừa có báo cáo về giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo báo cáo, hiện nay, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với hàng hóa ngày càng diễn ra tinh vi, muôn hình, vạn trạng, đe dọa nghiêm trọng tới uy tín và doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng sâu sắc tới quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Mất bò mới lo làm chuồng
Có thể nói, hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam hiện nay đã được xây dựng tương đối đầy đủ. Các quy định về SHTT được đánh giá là phù hợp với các quy định về SHTT của các quốc gia và Hiệp định TRIPS. Khung pháp lý cho việc bảo vệ quyền SHTT cũng đã được nỗ lực hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và tăng chế tài xử phạt. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm SHTT cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều chương trình thiết thực. Ý thức bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp cũng đã được cải thiện đáng kể sau một số vụ mất thương hiệu đình đám như cà phê Trung Nguyên, Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tích cực và chủ động tìm hiểu các công cụ pháp lý để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với việc bảo vệ quyền STHH của chính mình. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” và khi ấy thì việc bảo vệ quyền STHH đã trở nên vô cùng khó khăn. Tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012, nhiều con số gây “sốc” về thực trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã công bố. Theo đó, trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu, hàng cấm với giá trị lên tới 287,3 tỷ đồng, tăng tới 20% so với năm 2010; xử lý 1.561 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hàng với tiền phạt thu trên 9 tỷ đồng… Bên cạnh đó, vi phạm SHTT với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng rất phổ biến nhưng do hiệu quả ngăn chặn vi phạm quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao nên cả năm 2011, hải quan mới phát hiện, thu giữ được 56 vụ vi phạm SHTT với trị giá hàng hoá vi phạm ước đạt khoảng 5,6 tỷ đồng. Con số này được đánh giá là không tương xứng với thực tiễn vi phạm quyền SHTT hiện nay. Trước thực tế đó, một số đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Mỹ và Australia đã lên tiếng tỏ thái độ quan ngại về hiệu quả thực thi pháp luật về SHTT tại Việt Nam. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Giải pháp bảo vệ quyền SHTT
Về phía doanh nghiệp: Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT và phải nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến SHTT để tự bảo vệ mình và chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có hành vi xâm phạm. Mỗi doanh nghiệp nên có bộ phận hoặc cá nhân phụ trách về vấn đề này hoặc nên hợp tác với một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.Thứ hai, doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược bảo hộ quyền SHTT riêng bao gồm các chính sách xác lập, khai thác và giám sát quyền SHTT. Một chính sách hoàn thiện sẽ giúp doanh nghiệp có thể chủ động bảo vệ và phát triển giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình và giảm thiểu tối đa các thiệt hại cũng như chi phí.Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Phương án lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi thông tin cho người tiêu dùng, treo giải thưởng phát hiện vi phạm…Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng và cập nhật các giải pháp công nghệ chống hàng giả, hàng nhái như các loại tem chống giả, dấu bảo an, mã vạch…
Đối với nhà nước: Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao mức xử phạt, Nhà nước cần chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong hoạt động chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền SHTT tại thị trường trong nước cũng như tăng cường hợp tác quốc tế….
Ở khía cạnh khác, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, Nhà nước cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hậu quả của việc sử dụng hàng hóa vi phạm SHTT, đồng thời tổ chức các cuộc vận động người tiêu dùng tẩy chay hàng giả, hàng nhái.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây cho biết, mức độ tôn trọng về bản quyền và bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam là rất thấp, chỉ xếp hạng lần lượt là 113 và 123 trên tổng số 144 nền kinh tế được khảo sát và đã khiến xếp hạng tổng thể của Việt Nam tụt 10 bậc so với năm 2011. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho thấy thực trạng đáng báo động khi có tới 62% người tiêu dùng được khảo sát đã từng mua phải hàng giả, hàng nhái. Trước tình hình đó, việc tăng cường bảo vệ quyền SHTT đối với hàng hóa trở nên thực sự cấp thiết đối với nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp.
Theo Misa
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.