Cơ chế tạm nhập tái xuất (TN-TX) đặc biệt với mặt hàng xăng dầu hiện đang tồn tại nhiều kẽ hở, có thể khiến DN lợi dụng trục lợi, trốn thuế nghiêm trọng.
Mới đây, tại vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nam Định và Thanh Hóa, các lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt quả tang một tàu buôn lậu xăng dầu số lượng lớn mang quốc tịch nước ngoài là Tàu Giang Châu (sử dụng hồ sơ 2 quốc tịch Campuchia và Trung Quốc) có trọng tải hơn 2.000 tấn có trị giá khoảng 40 tỉ đồng, lợi dụng hoạt động TN-TX, sang chiết xăng cho 3 tàu có trọng tải khoảng hơn 500 tấn bán vào nội địa. Ước tính, số tiền thuế mà lô hàng này phải nộp, nếu nhập khẩu theo đường chính ngạch, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, khoảng 11 tỉ đồng. Các đối tượng tham gia vụ buôn lậu này đã lợi dụng việc mua xăng tại VN dưới hình TN-TX, nhưng thay vì vận chuyển về Trung Quốc, bán lại cho các đối tác ngay tại VN để hưởng lợi.
Điểm mặt “lỗ hổng” cơ chế
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên là có một số “lỗ hổng” từ chính sách cơ bản, khiến cho TN-TX nói chung và xăng dầu nói riêng khó quản lý.
Thứ nhất, việc kinh doanh TN-TX không thực sự đúng bản chất (hàng hóa phải giữ nguyên trạng) do DN được chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển khi xuất, hoặc tiêu thụ nội địa làm cho công tác giám sát, quản lý XNK thêm khó khăn.
Thứ hai, quy định hàng hóa TN-TX xăng dầu được phép lưu kho 120 ngày và được gia hạn 2 lần, mỗi lần 30 ngày cộng với 15 ngày làm thủ tục, tổng là 195 ngày, là quá dài dễ phát sinh tiêu cực, cơ quan hải quan khó có thể kiểm soát được lượng hàng xăng dầu TN vào đã được TX. Hơn nữa, quy định cho phép thời gian thanh khoản dài (chậm nhất 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai TN), thời hạn nộp thuế của tờ khai TN lô hàng được phép lên tới 195 ngày, dễ dẫn tới trường hợp DN nhập lô hàng lớn, sau đó, tiêu thụ nội địa rồi bỏ trốn hoặc tự giải thể DN. Quy định hiện nay chỉ cần có một hợp đồng TN mà không có hợp đồng TX. Lợi dụng kẽ hở này, DN tìm cách thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Thứ ba, chính sách cho phép mặt hàng xăng dầu được tiêu thụ nội địa cũng nảy sinh bất cập, trong việc quản lý thuế. Theo quy định, thời hạn nộp thuế là 15 ngày từ ngày hết hạn TN, nếu tính từ ngày TN thì thời gian ân hạn thuế lên đến 195 ngày. Cụ thể, thời hạn nộp thuế là 15 ngày kể từ ngày hết hạn TN (như vậy tính từ ngày TN, thời gian ân hận thuế tối đa lên đến 195 ngày), hàng TN-TX không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế TTĐB, dễ dẫn tới trường hợp DN “lách luật”, khai báo TN-TX nhưng thực chất là tiêu thụ nội địa, sau đó khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian phải nộp thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, mặt hàng xăng dầu rất khó quản lý do có nhiều chủng loại (A92, A95, dầu DO)… Hơn nữa, với các mặt hàng khác là TN lô nào phải TX lô đó, nhưng mặt hàng xăng dầu lại cho phép đổ chung vào bồn chứa xăng TN và xăng kinh doanh. 13 DN đầu mối nhập khẩu không có khu chứa riêng xăng TN-TX, do vậy rất khó trong quản lý, không thể tách biệt đâu là xăng TN-TX và xăng nhập khẩu kinh doanh. Đây là sơ hở DN có thể “lách luật” cần có chính sách kịp thời ngăn chặn.
Cần giải pháp đồng bộ
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Chính phủ, đề xuất 4 nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, chính sách xử lý vi phạm hành chính, chính sách thuế và quản lý loại hàng này.
13 DN đầu mối nhập khẩu không có khu chứa riêng xăng TN-TX, do vậy không thể tách biệt đâu là xăng TN-TX và xăng nhập khẩu kinh doanh.
Theo đó, quy định hàng TN-TX chỉ được phép lưu lại ở VN không quá 30 ngày; trong đó quy định rõ tuyến đường vận chuyển, cửa khẩu được đi… DN kinh doanh TN-TX phải có điều kiện, quy định rõ thời gian, ràng buộc hồ sơ xuất – nhập, tuyến đường vận chuyển, thủ tục thanh toán. Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý hàng TN-TX. Quy định, DN đăng ký xăng dầu TN-TX phải để nguyên trạng, có kẹp chì, nhập vào hay xuất ra phải đúng trọng lượng, đơn hàng… Nếu không làm được việc này sẽ truy thu đủ số thuế GTGT dùng tiêu thụ nội địa và xử phạt hành chính. Còn lại tái xuất không đủ, tái xuất mà kiểm tra đầu vào và đầu ra không khớp nhau là có dấu hiệu phạm tội buôn lậu…
Trong khi đó, một số cục hải quan có lượng TN-TX lớn, trong đó có Hải quan TP HCM đã đề nghị một số biện pháp mạnh mẽ, nếu như hết 120 ngày thời hạn TN, các DN chưa TX xăng dầu hoặc chỉ TX chưa đến 50% lượng hàng sẽ không được gia hạn TN nữa. Không chỉ co lại thời gian gia hạn TN, cơ quan hải quan còn đề nghị phải khống chế đối tượng được mua xăng dầu TN – TX với các điều kiện thật cụ thể.
Ngoài ra, các DN trong khu chế xuất đang được hưởng ưu đãi mua xăng dầu TN-TX nay, trong hồ sơ mua xăng dầu, phải trình được giấy chứng nhận đầu tư trong khu chế xuất. Trường hợp như lượng xăng dầu ký trên hợp đồng tái xuất một đằng, nhưng khi bán cho các tàu biển, kho chứa của tàu lại không chứa hết, hoặc chứa ít hơn so với lượng tái xuất đã ký. Tình huống này sẽ dẫn tới tồn tại dư thừa một lượng xăng dầu vốn phải TX tồn tại ở kho nội địa…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản tạm ngừng TNTX xăng dầu qua đường biển từ 15/8/2012, trừ các trường hợp TN-TX sang Lào, Campuchia, tạm nhập để bán cho máy bay từ VN bay nước ngoài và từ nước ngoài đến VN, cho tàu biển từ VN đi nước ngoài và từ nước ngoài đến VN và TN-TX thông qua DN tại khu chế xuất tại VN.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.