Những thương hiệu đang suy giảm

Dell
Các thương hiệu thuộc lĩnh vực công nghệ chiếm gần một nửa trong danh sách này.
Trong báo cáo xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới (Top 100 Global Brands) do hãng nghiên cứu Interbrand công bố mới đây, bên cạnh những thương hiệu có giá trị tăng trưởng trên 20% trong năm qua như Amazon.com, Samsung và Oracle, còn có những thương hiệu chứng kiến giá trị lao dốc, điển hình như ngân hàng Goldman Sachs hay nhà sản xuất điện thoại thông minh từng một thời lừng lẫy BlackBerry.
Dựa trên báo cáo của Interbrand, trang 24/7 Wall Street đã điểm qua 10 thương hiệu mất giá nhiều nhất trong số 100 thương hiệu lớn nhất thế giới trong thời gian từ 1/7/2011-30/6/2012:
10. Dell
Dell
Giá trị thương hiệu suy giảm: 9%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD (hạng 49)
Công ty sở hữu: Dell Inc.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -2,36%
Lĩnh vực: Công nghệ
Thương hiệu của Dell đã suy giảm giá trị liên tục trong 4 năm qua trong bối cảnh công ty này dịch chuyển trọng tâm từ máy tính cá nhân sang dịch vụ công nghệ thông tin. Thương hiệu Dell hiện đang có mức định giá thấp nhất trong 11 năm. Dell đang gặp khó trong việc tạo ra một sản phẩm điện thoại thông minh có khả năng cạnh tranh.
 
9. Thomson Reuters
Thomson Reuters
Giá trị thương hiệu suy giảm: 11%
Giá trị thương hiệu: 8,4 tỷ USD (hạng 44)
Công ty sở hữu: Thomson Reuters Corp.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: +1,5%
Lĩnh vực: Dịch vụ doanh nghiệp
Trên thị trường dịch vụ thông tin tài chính, Thomson Reuters đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của đối thủ Bloomberg. Hiện Reuters và Bloomberg đang nắm giữ mức thị phần khoảng 1/3 trên thị trường này.
 
8. Honda
Honda
Giá trị thương hiệu suy giảm: 11%
Giá trị thương hiệu: 17,3 tỷ USD (hạng 21)
Công ty sở hữu: Honda Motor Company Ltd.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: +4,6%
Lĩnh vực: Công nghiệp ôtô
Giá trị thương hiệu của Honda theo đánh giá của Interbrand đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2006. Năm qua, giá trị thương hiệu của Honda bị ảnh hưởng do những yếu tố ngoài tầm kiểm soát như thảm họa động đất ở Nhật và trận lụt ở Thái.
 
7. MTV
MTV
Giá trị thương hiệu suy giảm: 12%
Giá trị thương hiệu: 5,6 tỷ USD (hạng 67)
Công ty sở hữu: Viacom Inc.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: +9,7%
Lĩnh vực: Truyền thông
Interbrand cho rằng, MTV đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng nhận diện”. Thương hiệu này đang xa dần gốc gác âm nhạc của mình và tiếp tục thử nghiệm những nội dung giá rẻ.
 
6. Citi
Citi
Giá trị thương hiệu suy giảm: 12%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD (hạng 50)
Công ty sở hữu: Citigroup Inc.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -5.2%
Lĩnh vực: Dịch vụ tài chính
Sau 5 năm suy giảm liên tục, giá trị thương hiệu năm nay của Citi chỉ còn bằng 1/3 so với mức kỷ lục 23,4 tỷ USD. Trong mấy năm qua, Citi đã dính nhiều đơn kiện nhằm vào vai trò của ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ.
 
5. Yahoo!
 
Giá trị thương hiệu suy giảm: 13%
Giá trị thương hiệu: 3,9 tỷ USD (hạng 97)
Công ty sở hữu: Yahoo Inc.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -10,6%
Lĩnh vực: Dịch vụ Internet
Trong năm qua, những bài báo về Yahoo chủ yếu nói về các vụ sa thải CEO của công ty này. Dù Yahoo đã tìm được một vị CEO đáng tin cẩn hơn là bà Marissa Mayer, có lẽ công ty còn phải nỗ lực nhiều mới thoát khỏi những khó khăn hiện nay như liên tục để mất thị phần quảng cáo hiển thị vào tay Google và Facebook.
 
4. Moët & Chandon
Moët  Chandon
Giá trị thương hiệu suy giảm: 13%
Giá trị thương hiệu: 3,8 tỷ USD (hạng 98)
Công ty sở hữu: LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: +22,4%
Lĩnh vực: Đồ uống có cồn
Interbrand đánh giá rằng, giá trị thương hiệu giảm không đồng nghĩa là thương hiệu rượu Moët & Chandon đang yếu đi, mà là do khó khăn kinh tế trên thế giới khiến việc dùng rượu champagne cho các buổi tiệc tùng có giảm. Hiện Moët & Chandon vẫn là thương hiệu rượu champagne bán chạy nhất ở Mỹ.
 
3. Nokia
Nokia
Giá trị thương hiệu suy giảm: 16%
Giá trị thương hiệu: 21 tỷ USD (hạng 19)
Công ty sở hữu: Nokia Corp.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -20,5%
Lĩnh vực: Điện tử
Nokia đã có một năm đầy gian khó. Sau khi Nokia mất thị phần suốt mấy năm, Samsung cuối cùng đã soán ngôi nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới của đối thủ Phần Lan. Giá cổ phiếu của Nokia trong một năm qua đã giảm một nửa và hãng đang mạnh tay thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm sa thải 10.000 nhân viên.
 
2. Goldman Sachs
Giá trị thương hiệu suy giảm: 16%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD (hạng 48)
Công ty sở hữu: Goldman Sachs Group Inc.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -23,2%
Lĩnh vực: Dịch vụ tài chính
Thương hiệu Goldman Sachs đã chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ cuộc khủng hoảng tài chính do ngân hàng này có tham gia bán những nghĩa vụ nợ được chứng khoán hóa đầy phức tạp và cũng do Goldman có liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Goldman Sachs còn bị tố là ngày càng lơ là quyền lợi của khách hàng, nghĩ quá nhiều tới lợi nhuận, và các sếp của Goldman Sachs trong các cuộc trao đổi email thường gọi khách hàng là “những con rối”.
 
1. BlackBerry
blackberry
Giá trị thương hiệu suy giảm: 39%
Giá trị thương hiệu: 3,9 tỷ USD (hạng 93)
Công ty sở hữu: Research in Motion Ltd.
Mức thay đổi doanh thu trong 1 năm: -25,2%
Lĩnh vực: Điện tử
Từng một thời thống trị thị trường điện thoại di động thông minh, thương hiệu BlackBerry của Research In Motion (RIM) giờ cạnh tranh không nổi với iPhone và các thiết bị chạy phần mềm Android. Thị phần của BlackBerry trên thị trường phần mềm hệ điều hành di động thông minh tính đến tháng 7/2011 đã giảm còn 9,5% từ mức 21,7% cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu RIM đã giảm gần 90% trong 3 năm qua.
Theo doanh nhân 360

Trả lời