Xu hướng mua bán, sáp nhập tại VN vẫn tiếp tục sôi động. Không chỉ có doanh nghiệp (DN) trong nước mua lại công ty nước ngoài ở VN, mà còn ra nước ngoài mua lại DN nước khác.
Thông điệp này được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn mua bán, sáp nhập VN năm 2010 do Bộ Kế hoạch – đầu tư, báo Đầu Tư và Công ty Avalue VN phối hợp tổ chức ngày 25/5.
Lớn mua bé
Theo thống kê của Công ty Avalue, năm ngoái đã có 230 thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra ở VN, tăng ổn định về số lượng nhưng về giá trị lại giảm nhẹ so với mức 1,1 tỉ USD của năm 2008. Quy mô các thương vụ này cũng được đánh giá là nhỏ.
Đồng ý với quan điểm này, ông Andy Ho, giám đốc đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho rằng các vụ mua bán, sáp nhập ở VN thực tế xảy ra không như dự báo. Đa số thương vụ được thống kê cũng chưa phải là mua bán, sáp nhập đúng nghĩa, thực chất chỉ là những khoản đầu tư vào các DN chưa niêm yết. Cũng rất ít trường hợp mua cổ phần để nắm quyền chi phối công ty. Một số vụ sáp nhập điển hình lại mang hơi hướng “sắp xếp nội bộ” trong một tập đoàn như của Tập đoàn Kinh Đô hay Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn…
Số vụ công ty nước ngoài mua cổ phần của DN VN chiếm 40% số giao dịch và cũng tương đương số vụ DN trong nước mua lại nhau.
Xu hướng DN nước ngoài mua trọn phần góp vốn của đối tác trong nước trong công ty liên doanh để chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài vẫn đáng lưu ý. Chẳng hạn Unilever trở thành công ty 100% vốn nước ngoài sau khi mua lại 33,33% cổ phần của Tập đoàn Sản xuất hóa chất VN (Vinachem) trong liên doanh. Hay Tập đoàn Motul (Pháp) mua 70% cổ phần còn lại tại Công ty cổ phần Hóa chất và dầu nhờn (Vilube).
Năm vừa qua, các hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành dầu khí cũng được xem là điển hình. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Sự, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (Petrovietnam), cho biết để phát triển mạng lưới xăng dầu, sau khi sáp nhập Công ty Petec về tập đoàn, Petrovietnam sẽ mua thêm một số công ty xăng dầu khác.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng sau hai năm chịu đựng tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều DN sẽ suy yếu đến mức phải đi đến quyết định bán hoặc sáp nhập DN khiến hoạt động này trong năm 2010 sẽ sôi động hơn.
Vươn ra nước ngoài
Tiến ra thị trường nước ngoài bằng cách mua lại công ty sở tại là chuyện khá mới mẻ nhưng đang trở thành xu hướng. Petrovietnam mua Công ty Shell ở Lào, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) mua cổ phần để nắm quyền chi phối Công ty viễn thông Haiti (Natcom), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển IDCC (do Ngân hàng BIDV và Công ty Phương Nam góp vốn) mua lại một ngân hàng tư nhân ở Campuchia… là những ví dụ được đề cập trong xu hướng này.
Ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ là một biện pháp được tập đoàn này sử dụng tích cực để nhanh chóng đưa Petrovietnam thành một tập đoàn lớn tại khu vực và trên thế giới. “Sau thương vụ mua Shell thành công ở Lào, Petrovietnam đang tiếp tục đàm phán để tăng cường sự hiện diện ở những thị trường trước nay tập đoàn đã “cắm” được như Malaysia, Nga và các nước châu Phi” – ông Sự nói.
Tiến sĩ Christopher Kummer, chủ tịch Viện Nghiên cứu mua bán, sáp nhập và liên kết, cho rằng các DN trong nước nên tăng cường hoạt động mua bán, sáp nhập ra nước ngoài, đặc biệt là trong ngành công nghiệp có lợi thế phát triển.
Nhưng ông Christopher Kummer khuyên: “Để mua bán, sáp nhập thành công, việc đầu tiên phải làm là xây dựng chiến lược và chỉ thực hiện khi đối tượng phù hợp với chiến lược của mình. Tuy mua bán, sáp nhập không phải là cỗ máy in tiền nhưng là phương cách hay để phát triển công ty”.
LÊ NGUYÊN MINH – TTO
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.