“Lối thoát” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

loithoatdoanhnghiep
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn do phải chịu những tổn thương của thị trường cũng như các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là các chính sách tín dụng. Làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ vững là câu hỏi không dễ trả lời.
loithoatdoanhnghiep
Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 7/2012 cả nước đã có 658,6 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đăng ký thành lập, trong đó có 468 ngàn DN đang hoạt động. Một trong những con số không mấy tích cực là từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 ngàn DN phá sản, giải thể, dự kiến cả năm 2012 sẽ có khoảng 50 ngàn DN rời khỏi thị trường…
 
“Thoát hiểm” bằng thị trường ngách
Mục tiêu đặt ra cho cả năm 2012 sẽ đạt doanh thu khoảng hơn 1 triệu USD, tuy nhiên đến thời điểm tháng 11/2012, Cty cổ phần cơ điện Toàn Cầu (DNVVN với 60 nhân công – PV) mới chỉ đạt khoảng 500 ngàn USD. Chia sẻ với DĐDN về lý do chính khiến doanh thu giảm 50% so với mục tiêu đề ra, ông Lê Quý Khải – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần cơ điện Toàn Cầu cho biết, do khó khăn thị trường, Tập đoàn GE – một khách hàng lớn của DN đã cắt giảm 50% lượng hàng đã khiến cho sản phẩm quạt công nghiệp và thiết bị xử lý môi trường của DN gặp khó khăn trong tiêu thụ. Để giảm thiểu khó khăn, ngay từ khi có dấu hiệu khó khăn của các thị trường chính, DN này đã chủ động tìm các thị trường ngách mới, thị trường nội địa… để “gỡ gạc” phần mà GE và các thị trường chính đã cắt giảm. Kết quả là DN này đã tìm được một số hợp đồng mới bù vào các thị trường chính cắt giảm, đặc biệt đã có một số hợp đồng trị giá khoảng 200.000 USD cho quý I/2013. Tuy số lượng doanh thu sụt giảm nhiều nhưng theo ông Khải ông vẫn còn may mắn bởi vẫn trụ vững trong khi nhiều DN đã phải phá sản.
 
Ông Khải phân tích, có 5 hạn chế hiện nay đang khiến DNVVN như DN ông gặp khó khăn, đó là: Thiếu trình độ và kinh nghiệm quản lý; đầu tư không đúng hướng, kém hiệu quả, không quản lý được rủi ro; lãi suất tín dụng quá cao, không ổn định; Thiếu sự liên kết và phân công cùng lĩnh vực ngành nghề; Lực lượng lao động bất cập về trình độ và nhu cầu thu nhập, thiếu gắn bó với công nghệ đã đầu tư. Nắm chắc được các điểm yếu này mà ngay từ đầu DN này đã tìm các giải pháp khác để phát triển nên tránh được những tác động chung của thị trường.
 
Một vấn đề khác cũng được ông Khải chia sẻ là DN ông không vay vốn nhiều, tổng vốn vay ngân hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% nên DN tự chủ được vốn. “Không phải chúng tôi không muốn hoặc không tiếp cận được nguồn vốn mà do lãi suất quá cao và không ổn định nên DN không dám vay. Hơn nữa, DN rất “ngại” tiếp xúc với ngân hàng do thủ tục quá nhiêu khê” – ông Khải nói.
 
Trên thực tế, số lượng DNVVN có thể trụ vững được như Cty CP cơ điện Toàn Cầu là không nhiều. Một khảo sát mới đây của Hiệp hội DNVVN VN cho thấy, trước áp lực khó khăn của thị trường, nhiều DN đã phải chọn phương án giải thể, ngừng kinh doanh bởi càng kinh doanh càng lỗ. Phần lớn trong số này đều là những DN có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ. Và, trên thực tế cũng chưa ai nghe thông tin về một tập đoàn, TCty nhà nước nào phải tạm ngừng kinh doanh hoặc phá sản. Cho nên rõ ràng khó khăn chung của nền kinh tế đang dắt dây tác động rất lớn đến khối DNVVN, lực lượng đang chiếm tới 97% tổng số DN.
Thành lập quỹ phát triển DNVVN
 
Trước mục tiêu đến năm 2015 sẽ thành lập mới 350.000 DNVVN theo Quyết định 1231/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 của Chính phủ, Bộ KH – ĐT đã đề ra 8 nhóm giải pháp cơ bản: Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN; Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNVVN; Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNVVN; Phát triển nguồn nhân lực cho các DNVVN; Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNVVN; Cung cấp thông tin hỗ trợ DN; Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DN; Quản lý thực hiện kết hoạch phát triển DNVVN.
 
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN – Bộ KHĐT cho biết, trước mắt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ KHĐT đang khẩn trương thực hiện một số giải pháp trọng tâm và sẽ ưu tiên thực hiện ngay, trong đó sẽ thành lập Quỹ phát triển DNVVN nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của nhà nước. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình đổi mới, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại…
 
Vấn đề xây dựng các vườn ươm DN trong một số lĩnh vực ưu tiên sẽ được đẩy mạnh hỗ trợ, trong đó tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm có hàm lượng giá trị tăng, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường, liên khết kinh tế, cụm liên kết ngành…
 
Cũng theo ông Hùng, trong các giải pháp đưa ra sẽ có phân công cụ thể cho từng Bộ, ngành… chứ không chung chung. Chẳng hạn, Bộ Tài chính tập trung sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế, hải quan; Bộ Công Thương hỗ trợ các chương trình XTTM, khuyến công, hỗ trợ DNVVN công nghiệp nông thôn; Bộ Tài nguyên môi trường sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DNVVN tiếp cận đất sạch trong sản xuất kinh doanh…
 
Các DNVVN cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các DNVVN hiện nay vẫn là tiếp cận tài chính, dẫn đến tình trạng nhiều DNVVN thiếu vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động của DN. Do đó, bên cạnh các giải pháp dài hạn, việc sớm thành lập Quỹ Phát triển DNVVN là giải pháp cần thiết nhằm hình thành một định chế tài chính nhà nước với nguồn kinh phí tập trung dành riêng cho nhóm DNVVN là “phương thuốc” hữu hiệu nhất hiện nay.

Trả lời