Tiềm năng sản xuất điện từ rác

dienvarac
80% nguyên liệu rác thải sẽ biến thành điện. Các chất xỉ, cặn và kim loại đã chảy lỏng có thể tạo ra những phụ phẩm có giá trị như: gạch, đá xây dựng, đá xốp. Đó là kỳ vọng mà chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải (khí hóa) bằng công nghệ Plasma sẽ mang lại.
dienvarac
Có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 400 triệu USD, dự án nhà máy xử lý rác thải đang được đề xuất này khi hình thành sẽ là nhà máy đầu tiên ứng dụng công nghệ khí hóa Plasma tại TP.HCM.
 Theo thông tin từ nhà đầu tư, Công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) và Công ty Trisun International Development Pty. Limited (TID, Úc), dự án nhà máy xử lý rác thải sẽ có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất ra 1,630 kWh điện/ngày ở dây chuyền thiết bị giai đoạn 1.
 
Trừ lượng điện tiêu tốn cho việc vận hành nhà máy (45%), còn cung cấp 55% sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như: gạch, đá xây dựng, đá xốp…
Hiện, Việt Nam tồn đọng khoảng 52 bãi rác nhưng quỹ đất dành cho chôn lấp rác gần như không còn. Với những ưu thế là xử lý được tất cả các loại rác, công nghệ khí hóa Plasma sẽ là một giải pháp tốt trong quá trình “hồi phục” môi trường.
 
Bởi, theo ông Gavin Holland, Giám đốc Công nghệ TID, ứng dụng công nghệ Plasma là thực hiện một quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (7.000 – 9.000oC) nhằm biến các loại chất thải thành khí tổng hợp, hơi nước, chất xỉ bằng các thiết bị đặc biệt, gọi là thiết bị chuyển đổi Plasma.
Theo ý kiến của các chuyên gia, phần lớn tán thành ưu thế của nhà máy khi ứng dụng công nghệ Plasma.
Song, vấn đề đáng lưu ý ở đây là giá thành xử lý rác, với mức giá đề xuất là 26,8USD tấn (áp dụng cho 5 năm đầu) là khá cao. Bởi vì, với công nghệ chôn lấp cổ điển, TP.HCM áp dụng mức giá chỉ 17 – 18 USD/tấn (đối với bãi rác Đa Phước).
 
Ngoài ra, theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, không phải 1 tấn rác thải nào cũng cho ra 0,815 kWh điện, vì còn tùy thuộc vào thành phần hữu cơ trong rác.
Ông Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoa học Công nghệ PETECH, đơn vị đang phối hợp cùng một đối tác thi công nhà máy xử lý rác theo công nghệ Plasma có công suất 300 tấn/ngày, cho biết, nếu nhà máy chỉ xử lý rác thải sinh hoạt thì vĩnh viễn lỗ.
 
Hiện tại, mức giá áp dụng xử lý rác theo công nghệ Plasma ở một số nước trên thế giới khoảng 10.000 USD/tấn (rác hóa chất cực hại), 1.000 USD/tấn (hóa chất nguy hại), 500 USD/tấn (đối với rác công nghiệp), 15 USD/tấn (rác thải sinh hoạt). Vì thế, lò Plasma muốn có lãi phải xử lý chất thải nguy hại hoặc chất thải công nghiệp.
Về cơ cấu xử lý rác, theo yêu cầu của Sở Tài nguyên Môi Trường, TID cũng đề xuất tỷ lệ xử lý khoảng 80% rác dân dụng; 20% rác nguy hại và rác công nghiệp. Nếu xét về tính kinh tế, thì đây quả là bài toán khó cho nhà đầu tư.
 
Còn nói về bài toán điện đầu ra, GS. Hoàng Dũng Quân, cho biết, nếu đầu tư công nghệ này tại Việt Nam, không thể không phân tích đến vấn đề sẽ bán điện cho ai? Nguồn điện dư sẽ như thế nào? Trong khi, cơ chế bán điện của Việt Nam chưa có.
Lý giải về vấn đề này, ông Gavin Holland, cho biết, với dự án như thế này, đòi hỏi vốn rất lớn, song sẽ không cho lợi nhuận trong giai đoạn đầu. Vì thế, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu hồi vốn sau khoảng 10 năm.
Với mức giá theo mặt bằng chung áp dụng cho năng lượng tái tạo là 7,8cent/kWh, TID không thể thực hiện được. Ngay cả Trung Quốc giá điện cũng ở mức 28 cent/kWh.
 
Theo doanh nhân sài gòn

Trả lời