“Công xưởng trực tuyến” trong đời sống hiện nay

-qcong-xuong-truc-tuyenq-trong-doi-song-hien-nay
 Internet đang trở thành “công xưởng trực tuyến” đứng sau mọi ngõ ngách của nền kinh tế, từ đời sống tiêu dùng, trao đổi thông tin cho đến sản xuất kinh doanh, các hoạt động nghiên cứu, và thậm chí là cơ hội phát triển những ngành khoa học mới.
Những năm qua dịch vụ internet đã tạo được những thành tích bề rộng nhưng hiện cần nhiều nhân tố mới để phát triển bề sâu.
-qcong-xuong-truc-tuyenq-trong-doi-song-hien-nay 
Dịch vụ đa dạng hơn
Cuộc cạnh tranh nội dung trên internet thời gian đầu chủ yếu giữa các trang tin, thương mại điện tử, âm nhạc trực tuyến, diễn đàn, trò chơi và các dịch vụ giải trí… Sự cạnh tranh tăng lên vài năm gần đây khi những thị trường ngách tương đối được định hình. Với thế mạnh hạ tầng, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) vào mảng nội dung làm cho thị trường sôi động hơn.
 
Năm 2009, Viettel đột phá phủ internet miễn phí đến các trường học trong toàn quốc cùng với chiến lược phát triển nội dung cho giáo dục; phân khúc mà trước đó VDC dẫn đầu. Chiêu này khiến VDC “giật mình” tiếp tục đẩy mạnh internet vào ngành y tế và nhiều mảng khác. Năm 2008, thời điểm internet Việt Nam bùng nổ về số người dùng, FPT ra gói TriplePlay tích hợp internet – truyền hình – điện thoại với thông điệp “mọi dịch vụ trên một kết nối” và đa dạng hoá các gói sản phẩm iSee, iShare, iSmart. Những dịch vụ gia tăng tiếp tục được nâng cao như truyền hình tương tác, chia sẻ trực tuyến, truyền hình hội nghị và hợp tác với các doanh nghiệp khác tích hợp sản phẩm. VNG, VCCorp, VTC… hiện cung cấp nhiều dịch vụ trên nền web.
 
Ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT Telecom, cho biết đang chuẩn bị cho nhiều dịch vụ mới ra thị trường năm 2013. VDC cũng bắt đầu có chiến lược rõ ràng về hệ sinh thái dịch vụ như MegaTV, MegaMusic; dịch vụ học tập MegaE-learning, MegaE-School; dịch vụ doanh nghiệp MegaDoc, MegaShare; các công cụ thanh toán và bán hàng trực tuyến… Đại diện VDC cho biết, định hướng sắp tới là phát triển hạ tầng kết nối các loại thiết bị song song với kho ứng dụng trên nền tảng iOS, Android, Windows Phone để theo kịp xu hướng di động và tận dụng lợi điểm của điện toán đám mây để cắt giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành dịch vụ và gia tăng tiện ích cho người dùng.
 
Áp lực mới lên hạ tầng
Sự bùng nổ và đa dạng thiết bị truy cập làm cho nhu cầu băng thông tăng nhanh, gia tăng áp lực lên phát triển hạ tầng công nghệ. Theo ông Phan Thanh Sơn, giám đốc công nghệ Cisco Việt Nam, đầu tư băng thông rộng là quá trình phát triển liên tục vì thế phải luôn sẵn sàng. “Thách thức ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam cần quan tâm là việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước với các hoạch định và dự báo dài hạn; các phương án dự phòng cao để duy trì và ổn định trong mọi tình huống”, ông Sơn nói.
 
Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp, sự bất cập trong phát triển truyền dẫn và internet những năm qua là còn thiếu hoạch định và tự phát, khiến các mạng truyền dẫn chưa thể trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ các ngành khác phát triển chuyên sâu. Một trở ngại khác là sự phát triển không đồng bộ giữa viễn thông – internet và công nghệ thông tin (CNTT) khiến các nhóm CNTT luôn phải loay hoay mà không có những cơ hội đủ tốt để phát triển. Trong giai đoạn mới cần một quy hoạch tổng thể kiện toàn các hệ thống đang có; tạo nền tảng cho các giải pháp, ứng dụng phục vụ chính phủ, trường học, bệnh viện, xây dựng, giao thông…
 
Theo ông Diệp, với các xu hướng công nghệ tốc độ rất cao và bảo mật tốt, hội tụ giữa hữu tuyến và vô tuyến (3G, 4G, wifi…); hội tụ giữa viễn thông – internet, phát thanh, truyền hình… Sự thịnh hành của chính phủ điện tử, thương mại điện tử, giao thông điện tử, đào tạo từ xa, kỷ nguyên tương tác M2M đang làm thay đổi cấu trúc các ngành công nghiệp (M2M: mobile-to-machine; machine-to-mobile; machine-to-machine)… Việt Nam cần quy hoạch hội tụ giữa viễn thông với CNTT; kiện toàn và phát triển mạng truyền dẫn tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thế giới. “Một quy hoạch cho cả lĩnh vực ICT được thực hiện nghiêm túc, khoa học và minh bạch nhằm để cộng đồng CNTT trong nước có thể tham gia hiệu quả vào thị trường này”, ông Diệp nói.
 
Thách thức cho phát triển nội dung
Ông Phan Thanh Sơn cho rằng, việc phát triển ứng dụng nội dung hiện nay đòi hỏi tính đa dạng hơn, không chỉ đi sâu phục vụ công việc, đời sống giải trí và học tập mà còn theo chuyên ngành như giáo dục, y tế – chăm sóc sức khoẻ, giao thông vận tải, sản xuất… Doanh nghiệp cần các chính sách và hành lang pháp lý tốt để có thể phát triển ứng dụng, cung cấp dịch vụ đi sâu vào các ngành kinh tế. Ông Sơn nói: “Chính sách đầu tư cũng cần khuyến khích phát triển thiết bị và ứng dụng phù hợp. Ví dụ phát triển máy tính bảng có giá thành thấp cho giáo dục; phát triển thiết bị dễ dàng sử dụng để đến được các hộ gia đình, có thể truy xuất nội dung mà không cần kiến thức sâu về công nghệ”, ông Sơn nói.
 
Trong chuỗi giá trị, để các tổ chức và doanh nghiệp cùng phát triển cần đến các mô hình liên kết B2B2C (doanh nghiệp – doanh nghiệp – người dùng), G2B2C (chính phủ – doanh nghiệp – người dân)… Trong chiều hướng đó, theo ông Sơn, nếu không sớm chú trọng việc tuân thủ quốc tế về bản quyền nội dung và ứng dụng, đó sẽ là rào cản lớn cho thị trường nội dung internet.
 
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, tổng giám đốc EMC Vietnam, trước đây lượng dữ liệu ít và tập trung thì nay lượng dữ liệu lớn và tăng nhanh chóng, một phần nằm trên các đám mây điện toán, trên hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ khiến hàng loạt vấn đề nảy sinh. Thách thức của doanh nghiệp là làm sao quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu, biến chúng thành tài sản quý giá phục vụ kinh doanh; chịu được áp lực về sự chuyển dịch và thích ứng kịp thời với các mô hình mới như điện toán đám mây và ảo hoá. “Việc bùng nổ dữ liệu sẽ làm thay đổi quan niệm về an ninh – an toàn thông tin, nhiều hình thức bảo mật phải thay đổi để phù hợp với mô hình kinh doanh mới”, ông Toàn nhận định.
Theo Tuyết Ân

Trả lời