Shakespear và những quy tắc đầu tư vàng

-shakespear-va-nhung-quy-tac-dau-tu-vang
Polonius, quân sư của Đức vua trong tác phẩm Hamlet, một nhân vật phản diện, nhưng không hiểu sao Shakespear lại ưu ái cho những lời răn dạy của tên đại thần này trở nên đáng nhớ và đáng suy ngẫm.
LTS: Jeremy Grantham, Chủ tịch quỹ đầu tư GMO (Mỹ), là một nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa. Ông được biết đến với vai trò “nhà tiên tri” của Phố Wall, người đã dự đoán chính xác nhiều cuộc khủng hoảng của thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Bài viết dưới đây được trích từ một bức thư ngỏ ra hàng quý mới đây nhất của ông gửi cho các khách hàng (phát hành ngày 24/2/2012). Nguyên bản của bức thư chia làm 3 phần, trong đó phần đầu (tựa đề Investment Advice From Your Uncle Polonius (Lời khuyên từ ông chú Polonius) là những triết lý đầu tư vàng mà Grantham mượn lời nhân vật Polonius của Shakespear để gửi gắm đến độc giả.
-shakespear-va-nhung-quy-tac-dau-tu-vang 
(Phần chú thích đề dưới bức thư có đoạn như sau: Polonius, quân sư của Đức vua trong tác phẩm Hamlet, một nhân vật phản diện rõ ràng với đủ các tính xấu như hay tâng bốc, xu nịnh, ngạo mạn, hống hách. Tuy nhiên, không hiểu sao Shakespear lại ưu ái cho những lời răn dạy của tên đại thần này trở nên đáng nhớ và đáng suy ngẫm. Danh sách quy tắc dưới đây gói gọn trong lời khuyên nhủ của Polonius dành cho cậu con trai Laertes trước khi lên tàu rời Đan Mạch đi Pháp.)
Do bức thư khá dài nên chúng tôi chỉ gom lại những ý chính và lược bớt những phần hơi lan man. Bạn có thể vào trang web của GMO để tìm đọc toàn bộ nội dung tiếng Anh.
 
1. Tin vào lịch sử phát triển
“Thị trường thường bất kham đến lạ kỳ, nó cứ lang thang ở đâu đó thật xa nhưng chán chê rồi cuối cùng vẫn lại quay về giá trị thực, sau một hồi làm tim ta tan nát và ý chí ta thui chột. Vì thế, việc ta phải làm là sống sót cho đến khi điều tất yếu xảy ra”.
 
2. Đừng cho ai vay mượn, cũng đừng vay mượn ai
“Nếu bạn vay tiền để đầu tư, nguy cơ chết yểu của bạn sẽ cao hơn bởi người cho vay có thể đòi tiền của họ bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đầu tư bằng cách đi vay sẽ làm tiêu hao một tài sản cực kỳ quan trọng của nhà đầu tư: sự kiên nhẫn”
 
3. Đừng cho hết vàng bạc lên một chuyến tàu
“Đầu tư nhiều chỗ khác nhau, càng nhiều càng tốt, sẽ giúp bạn chống chọi và vượt qua những cú sốc. Nếu bạn đặt cược tất cả vào một chỗ, bạn sẽ khó mà gượng dậy nổi nếu có tình huống xấu xảy ra.
 
4. Hãy kiên nhẫn và tập trung đầu tư cho dài hạn
“Nếu bạn chờ, chờ và chờ cho đến khi thị trường (cổ phiếu) xuống thật thấp thì hệ số an toàn của bạn sẽ là lý tưởng và khoản đầu tư của bạn sẽ thành công trên cả tuyệt vời. Các cổ phiếu riêng lẻ còn có ngoại lệ nhưng chung cả thị trường thì không thể không có lúc phục hồi. Vì vậy, nếu bạn theo đúng các nguyên tắc trước (đầu tư nhiều loại cổ phiếu, không vay mượn và tin vào lịch sử) thì dù có rắc rối xảy ra bạn cũng sẽ vẫn sống sót.”
 
5. Thấy được lợi thế của mình so với dân có nghề
“Với dân ‘máu mặt’ trong đầu tư, vấn đề lớn nhất của họ là làm sao giữ được nghề, tránh những rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp và công việc kinh doanh. Một điều bất hạnh nữa là họ lúc nào cũng phải ‘sôi sùng sục’ để người khác thấy mình bận rộn, giỏi giang đúng kiểu dân chuyên. Còn với tư cách là một người bình thường, bạn không việc gì phải nôn nóng, sốt ruột như dân nhà nghề. Hãy cứ thoải mái mà chờ thời cơ của mình và phớt lờ những gì mà người khác làm.
 
6. Cố gắng kìm nén sự lạc quan nhất thời
“…lạc quan cũng có mặt trái của nó, nhất là với những nhà đầu tư: những người lạc quan thì thường không muốn nghe tin bất lợi…Thêm nữa, người thường dễ giữ được sự bình thản hơn dân trong nghề bởi họ không phải tiếp nhận đủ loại thông tin mỗi ngày (đó là chưa kể những lời ‘khó nghe’ của một vị khách hàng nóng tính nào đó). Không dễ nhưng đỡ hơn”.
 
7. Hãy dũng cảm khi cần
“Bạn có thể đặt cược nhiều hơn dân chuyên khi cơ hội có một không hai đến với bạn bởi khi có chuyện xảy ra bạn không có nhiều thứ để mất như họ – khách hàng, công việc làm ăn. Vì thế khi số liệu cho thấy thị trường đang nằm dưới giá trị của nó, hãy nghiến răng và xông lên chớp thời cơ”
 
8. Chỉ tin vào con số chứ không chạy theo số đông
“Ngồi án binh bất động mà nhìn dân tình phất lên khi bong bóng thị trường sắp vỡ quả là một sự tra tấn. Cách tốt nhất để kìm chế mình là tự ngồi tính toán và tìm nguồn phân tích tin cậy để tra cứu thường xuyên. Hãy bỏ qua những thông tin ngắn hạn: sự thay đổi liên tục của những thông tin kinh tế, chính trị chẳng liên can đến bạn đâu.
Giá trị cổ tức trong tương lai mới quyết định giá trị cổ phiếu và phải mất vài chục năm lợi nhuận mới đổ về. Những cú tuột dốc ngắn hạn của nền kinh tế về lâu dài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến từng doanh nghiệp riêng lẻ chứ chưa nói đến những tài sản tài chính mà bạn phải tập trung vào. Hãy nhường những bài toán phức tạp lại cho dân chuyên, cứ để cho họ tốn tiền của và công sức giải mã chúng.
 
9. Rốt cục thì mọi thứ đều rất đơn giản. Thật đấy
“GMO dự báo các khoản đầu tư tài chính sẽ cứ thế mà phục hồi một cách mạnh mẽ: điều đơn giản và chắc chắn là biên lợi nhuận, hệ số P/E sẽ quay trở lại mức trung bình dài hạn trong 7 năm nữa kể từ bây giờ. Chúng tôi đã nghiên cứu điều này từ năm 1994 và đưa ra 40 dự báo quý (mới đầu là dự báo 10 năm và bây giờ là 7 năm). Tất cả 40 dự báo đó đều đã chính xác đến bất ngờ.”
 
10. Nhưng có điều này quan trọng hơn cả: phải thành thực với mình
“Để có thể đầu tư một cách hiệu quả về phương diện cá nhân, bạn nhất thiết phải nắm được mặt mạnh mặt yếu cũng như những hạn chế của mình. Nếu bạn kiên nhẫn và không bị đám đông chi phối, nhiều khả năng bạn sẽ thành công. Nhưng chưa thành công mà đã nghĩ mình sẽ thành công và chọn một hướng đi sai lầm do bị “đám đông hóa”, bạn chắc chắn sẽ rơi vào thảm họa. Bạn phải biết ngưỡng chịu đựng và sự kiên nhẫn của mình để không làm gì vượt quá khả năng. Nếu không cưỡng được cám dỗ, bạn tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC PHÉP quản lý tiền của mình mà phải giao người khác trông nom hộ”.
Theo kienthuckinhte

Trả lời