Xưa, ông bà ta có câu cửa miệng khi làm ăn buôn bán là: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nay, chuyên gia kinh tế nước ngoài nhấn mạnh 4 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của doanh nghiệp là: sản phẩm, giá cả, địa điểm và cách quảng cáo.
Cho dù xưa hay nay thì địa điểm vẫn hết sức quan trọng. Ngoài ra, hợp đồng thuê đất có giá trị tối thiểu 5 năm. Nếu quyết định sai thì vừa mất tiền vừa mất thời gian vàng bạc. Vậy nên, doanh nhân phải nghiên cứu, khảo sát kỹ để chọn địa điểm thích hợp.
1. Đánh giá lại nhu cầu
Trường hợp công ty cần tiệm bán lẻ, kho chứa hàng và văn phòng:
Thông thường, do giá thuê đắt nên chủ doanh nghiệp có khuynh hướng thuê một vị trí đẹp, rồi dùng làm tiệm bán lẻ, kết hợp với kho trữ hàng và văn phòng. Tất cả quy về một mối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 80% không gian cửa tiệm phải dùng để trưng bày và bán hàng. Nên đặt kho và văn phòng riêng.
Trường hợp chỉ cần một văn phòng đại diện:
Có 3 cấp bậc văn phòng. Loại A là những cao ốc văn phòng mới xây và các tòa nhà chọc trời đắt tiền. Doanh nghiệp nhỏ không cần văn phòng loại A. Loại B cũ hơn, tiện nghi nội thất ít hơn, nhưng giá thuê hợp túi tiền. Nếu doanh nghiệp thường xuyên gặp gỡ khách hàng và nhà đầu tư thì loại B rất hợp. Loại C cũ hơn nữa, xa khu trung tâm thành phố, không có sẵn nội thất văn phòng. Nếu ít khách hàng ghé thăm doanh nghiệp thì thuê văn phòng loại C là kinh tế nhất.
Khi chọn văn phòng công ty, cần cân đối không gian và số lượng nhân viên. Không nhất thiết phải có phòng riêng cho giám đốc, nhưng cần có phòng riêng để nhân viên tiếp khách hàng, phòng riêng cho chuyên gia làm việc.
Bên cạnh đó, cần tính kế họach dài hạn 3 năm, 5 năm tới. Dự tính tốc độ phát triển của ngành và khả năng tăng trưởng của công ty để chọn văn phòng phù hợp, tránh chuyện dời văn phòng trong thời gian ngắn.
2. Chọn hàng xóm
Văn phòng công ty chuyên về sản xuất công nghiệp, hoặc công ty hiếm khi liên lạc và gặp gỡ khách hàng thì đơn giản. Chỉ cần tìm nơi phù hợp với túi tiền, thuận tiện cho chủ sở hữu và nhân viên. Đối với doanh nghiệp bán sản phẩm – dịch vụ, cần tương tác trực tiếp với khách hàng, thì phải chọn văn phòng ở nơi có nhiều khách hàng và khách hàng tiềm năng.
Để biết khách hàng ở đâu thì phải biết khách hàng là ai? Nếu mới lập nghiệp, đơn giản nhất là theo dõi công ty đối thủ. Ai thường ra vào tiệm của họ? Đàn ông hay phụ nữ? Già hay trẻ? Loại xe họ dùng?… Khách hàng của công ty đối thủ sẽ tương tự khách hàng của bạn. Bên cạnh đó, quan sát địa điểm đối thủ chọn đặt văn phòng. Những đặc điểm, những yếu tố dân cư, thị trường tại đó thế nào?
3. Giao thông thuận tiện
Khi chọn địa điểm cho doanh nghiệp, không chỉ đếm bao nhiêu chiếc xe lưu thông ngang qua mỗi ngày, mà còn phải tìm hiểu xem những chiếc xe đó hướng đến đâu. Ví dụ, mở tiệm bán đồ ăn sáng, thì phải ở hướng xe đi từ ngoại ô vào TP có thể dễ dàng tấp vào. Còn nếu mở nhà hàng ăn tối thì phải ở hướng đối diện của con đường.
Tuyệt đối tránh khu có rào chắn, hẻm cụt, đường một chiều, những nơi có dải phân cách khiến khó vòng xe ngược lại… Nói chung, có ra phải có vào, lưu thông tiện lợi mới có người mua kẻ bán, làm ăn phát đạt.
Tiện nhất là gần điểm thu hút khách như trung tâm giải trí, công viên, trường học… Gần tiệm bán khác mặt hàng nhưng có chung đối tượng khách hàng cũng tốt. Ví dụ như tiệm sách và tiệm photocopy luôn có thể cùng hòa hợp trước trường học. Việt Nam có quan điểm: buôn có bạn, bán có phường. Bên phương Tây cũng nghĩ doanh nghiệp nên chọn địa điểm có đối thủ cạnh tranh. Những đối thủ lớn mạnh đó vốn có chiến lược tiếp thị và đang thu hút khách hàng. Doanh nghiệp mới mở có thể tận dụng nguồn khách hàng và phát triển hơn họ nếu có sản phẩm và dịch vụ độc đáo, mới lạ, tốt vượt trội…
Thành phố đất chật người đông, mà ai cũng đi xe máy, rất khó tìm chỗ đậu xe. Văn phòng, công ty nên có chỗ đậu xe ngay trước cửa để tiện cho khách hàng đến giao dịch. Nhà hàng và nhà bán lẻ cần nhiều chỗ đậu xe hơn văn phòng.
(Doanh nhân Sài Gòn)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.