Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh nước ta hiện nay là khoảng 3.000 – 3.200g, nặng hơn so với những năm chiến tranh trước đây (cân nặng các cháu chỉ từ 2.800 – 3.000g). Đối với các nước phương Tây, trẻ sơ sinh từ 4.000g trở lên mới gọi là thai to hay thai thừa cân. Ở nước ta, các thầy thuốc sản khoa cho rằng cơ thể phụ nữ Việt Nam nhỏ bé nên con trên 3.500g đã được đánh giá là to.
Trên thế giới đã có nhiều thông tin về các trẻ sơ sinh cực lớn như ở Italia năm 1955 đã có một sơ sinh nặng tới 10,2kg; tại Brasil năm 2005 đã có một trẻ sơ sinh nặng 7,73kg. Ở Việt Nam, năm 2007 tại Khoa sản Bệnh viện Đà Nẵng đã có một bé sinh ra (mổ đẻ) nặng tới 6,5kg.
Quan niệm dân gian thường cho rằng con to là do bà mẹ ăn nhiều chất bổ dưỡng, vì thế điều đơn giản là muốn tránh thai to để không đẻ khó khiến phải mổ đẻ thì nên hạn chế ăn uống đối với bà mẹ. Vậy sự thật là nên như thế nào?
Đúng là trọng lượng của thai nhi phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của bà mẹ. Nếu bà mẹ khi mang thai đói ăn, dinh dưỡng kém thì kết quả tất nhiên thai sẽ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Nhưng liệu khi bà mẹ ăn no, đủ chất con có phát triển to quá mức bình thường hay không. Thực tế cho thấy không phải như vậy và số liệu thống kê nghiên cứu của các khoa sản trong nước cũng như ngoài nước cũng cho thấy không phải như thế. Cân nặng của trẻ sơ sinh trong điều kiện người mẹ dinh dưỡng đầy đủ sẽ phụ thuộc vào tính di truyền của nòi giống, ví dụ như với người Việt Nam ta, con đẻ ra cân nặng mức trung bình là trên dưới 3.200g, ngoài ra có thể còn phụ thuộc vào những yếu tố chính sau đây:
– Sức khỏe và thể lực bà mẹ: Hai bà mẹ có chế độ dinh dưỡng như nhau nhưng bà mẹ nào cao lớn, mạnh khỏe hơn thì con cũng thường to khỏe hơn.
– Con đẻ lần sau (con rạ) thường có cân nặng lớn hơn lần trước.
– Bệnh tật của bà mẹ: nếu bà mẹ béo phì, đặc biệt nếu bị bệnh tiểu đường thì cân nặng của con chắc chắn sẽ vượt quá mức bình thường; vì thế khi có trẻ sơ sinh nặng cân bao giờ thầy thuốc cũng phải kiểm tra lại bà mẹ xem có bỏ sót bệnh tiểu đường của họ hay không. Trẻ sơ sinh của bà mẹ tiểu đường tuy nặng cân nhưng lại rất yếu, rất dễ bị hạ đường huyết ngay sau đẻ và có tỷ lệ tử vong cao; người ta gọi các bé này bằng cái tên người khổng lồ, chân đất sét.
Như vậy nếu một người không có bệnh lý gì đặc biệt và sinh lần 2 có nên hạn chế ăn uống để hy vọng thai nhi sẽ nhẹ cân để dễ sinh nở hay không. Xin thưa rằng chớ nên làm như vậy. Ăn uống của thai phụ là để nuôi cả hai người vì thế bà mẹ đương nhiên phải ăn với số lượng nhiều hơn, nhất là vào những tháng cuối khi thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ. Thai phụ thường được khuyên ăn nhiều hơn ¼ (tức tăng thêm 25%) số lượng lương thực và thực phẩm so với lúc bình thường. Thức ăn cần đa dạng có cả cơm, thịt, dầu ăn, trứng, sữa, cá, tôm, rau quả, không nên kiêng khem bất cứ loại thực phẩm nào nếu thích ăn. Nếu chị em hạn chế ăn uống thì cái hại trước hết là sức khỏe của thai phụ không bảo đảm, khi sinh đẻ sẽ khó khăn, sau đẻ sẽ không đủ sữa nuôi con; về phía con, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay trong tử cung và đừng tưởng là như thế thì bà mẹ sẽ đẻ dễ vì thai yếu nên dễ bị suy trong chuyển dạ; bà mẹ cũng không đủ sức để “vượt cạn” và hậu quả là thầy thuốc phải can thiệp để tránh tai biến cho cả mẹ và con, kể cả việc phải mổ để cứu thai nhi. Tóm lại điều muốn tránh cũng không tránh được mà còn nguy hại hơn cho sức khỏe của cả con lẫn mẹ.
Theo – suckhoedoisong.vn
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.