Ngày nay thật khó để tìm thấy một nhân viên gắn bó trọn đời được với một cơ quan hay một ông chủ nào. Tuy nhiên, cách ứng xử nơi công sở vẫn cần được chú ý đến.
Nhiều năm trở về trước, một người trẻ hoàn toàn có thể hy vọng ở một công việc ổn định để theo đuổi cho đến khi về hưu. Kinh nghiệm luôn được đánh giá cao. Nhân viên lớn tuổi được kính nể, trọng vọng. Lương hưu và các chế độ khác được đảm bảo. Người sử dụng lao động luôn luôn tỏ thái độ kính trọng với các bậc hưu trí.
Tuy nhiên, cái thời ấy đã lùi xa vào quá khứ. Ngày nay thật khó để tìm thấy một người gắn bó trọn đời với một cơ quan nào, một ông chủ nào. Mọi người đã quen với khái niệm “nhảy việc” và nhận thức được rằng đây cũng không hoàn toàn là một điều xấu. Từ mỗi công ty, mỗi vị sếp, chúng ta lại có cơ hội học được nhiều điều mới mẻ, gặp gỡ những con người mới để mở rộng quan hệ xã hội, và phát triển theo những hướng khác nhau. Nhân viên sẽ không ngần ngại “bước tiếp” khi có cơ hội tốt bày ra trước mắt họ. Những người quản lý thì sẵn sàng cắt giảm nhân sự khi cần thiết hoặc để tiết kiệm chi phí, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải sa thải một người đã làm việc, có đóng góp trong nhiều năm trời.
Nhưng chỉ vì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra không có nghĩa cả người làm thuê lẫn người chủ đều xem nhẹ và coi nó như chuyện đương nhiên. Ngược lại, cả hai bên đều cần phải hành xử theo những quy chuẩn cũ, như khi họ chắc chắn sẽ có với nhau một mối quan hệ hợp tác lâu dài. Dù điều đó có không xảy ra đi chăng nữa, lợi ích của thái độ tích cực, sự kiên định trong công việc là không thể chối cãi. Hành vi ứng xử nơi công sở vì thế cần phải được trau chuốt.
Về phía nhân viên:
Không một ai có thể nói trước được hướng đi trong sự nghiệp của mình ở thì tương lai, hay mình sẽ gặp gỡ những ai trên con đường ấy. Ngay cả khi bạn không có ý định gắn bó lâu dài với công việc hiện tại, đừng bao giờ tỏ thái độ như vậy trước mặt đồng nghiệp. Họ sẽ luôn theo sát bạn trong quá trình làm việc, và ấn tượng tốt đẹp bạn để lại trong lòng họ không bao giờ là thừa. Biết đâu trong tương lai họ sẽ có thể ở vị trí nhà tuyển dụng bạn cho những cơ hội công việc mới thì sao? Hơn hết, thư giới thiệu của những người đồng sự là hành trang quý giá trong tay bạn, nếu bạn muốn bước tiếp đến những vị trí cao hơn trong nghề. Đừng đặt mình vào vị trí kẻ bị đuổi việc, chỉ bởi bạn chẳng mấy mặn mà với vị trí hiện tại.
Đối với nhà quản lý:
Trong công việc, bạn là người trưởng nhóm, vì vậy chất lượng công việc của cả nhóm phản ánh năng lực của bạn. Mục tiêu bạn cần đạt tới là sự tin tưởng và lòng trung thành của các nhân viên. Giao trách nhiệm cho họ, cho họ có cơ hội làm việc hết mình và thể hiện bản thân. Bù lại, một hồ sơ đẹp từ tay bạn sẽ là phần thưởng cho họ, nếu lỡ trường hợp họ rời công ty có xảy ra. Hãy tỏ ra thoải mái nếu họ muốn chuyển chỗ làm. Trở thành một người “sếp” thoải mái, được lòng mọi người sẽ khiến nhân viên có cảm tình và khó rời bỏ bạn hơn. Trường hợp ngược lại, chính bạn mới là người muốn đi làm việc ở một nơi khác, các nhân viên tin cậy sẽ là những người bạn hoàn toàn có thể giao phó và thăng chức, từ đó cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi công tác.
Nếu bạn là chủ một doanh nghiệp nhỏ:
Bạn không muốn doanh nghiệp mình chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ? Vậy hãy đối xử thật tốt với nhân viên của mình – giống như một gia đình vậy. Nếu bạn chỉ nhằm tận dụng hết trí lực của cấp dưới khi còn có thể, họ sẽ không thể nào tận tụy phục vụ cho bạn. Như thế, việc làm ăn của bạn khó mà tới được nơi cần đến.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.