Bài viết sau sẽ gửi đến những “bí kíp” để bạn chọn được một chiếc thớt đúng chức năng và mục đích sử dụng trong căn bếp của mình…
Chọn hình dáng thớt theo mục đích sử dụng
Chiếc thớt cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bữa ăn ngon, hợp vệ sinh cho gia đình bạn. Tuy nhiên, để chọn một chiếc thớt để sử dụng đúng chức năng và mục đích thì không phải dễ dàng. Mỗi loại thớt thường được thiết kế chuyên dụng cho mục đích cụ thể mà bà nội trợ thông minh cần nắm rõ.
Đầu tiên: Kích cỡ của thớt phải phù hợp với gian bếp
Để chọn được kích cỡ chiếc thớt phù hợp cho bếp nhà mình, bạn cần quan tâm đến hai vấn đề đó là: Kích thước của căn bếp và kích thước bồn rửa.
Nếu gian bếp không được rộng rãi thì chẳng có lý do gì bạn lại lựa chọn một chiếc thớt kích thước lớn. Nó vừa gây khó khăn cho việc lưu trữ do chiếm nhiều diện tích, lại vừa bất tiện khi sử dụng (vì phải tìm mặt phẳng phù hợp để đặt nó). Vì thế, điều đầu tiên là bạn nên tính đến diện tích bếp nhà mình khi chọn mua thớt.
Một yếu tố khác cần phải xem xét là kích thước bồn rửa. Làm sạch thớt là việc làm thường xuyên, cần thiết và quan trọng để đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên một chiếc thớt quá khổ không vừa với bồn rửa sẽ làm khó bạn đúng không nào? Chắc chắn là không ai muốn bị mang bệnh vì một chiếc thớt bẩn rồi! Lời khuyên dành cho bạn là nên chọn một chiếc thớt bằng ½ kích thước của bồn rửa là hợp lý nhất.
Ngoài ra, bạn nên sắm thêm hai chiếc thớt nhỏ hơn (khoảng 15 cm2) để cắt miếng trái cây cho bữa sáng hay các nguyên liệu bổ sung cho đồ uống.
Thứ hai: Độ dày của thớt tuỳ vào khối lượng thực phẩm
Một chiếc thớt dày trông sẽ tuyệt vời và khi thao tác cũng tạo nên cảm giác chắc chắn đúng không? Sức nặng của thớt cũng khiến nó không bị trơn trượt khi sử dụng, giúp bạn sơ chế hay băm chặt tốt hơn. Tuy nhiên, bất tiện ở chỗ là nó rất nặng, gây bất tiện khi lấy ra, rửa sạch và cất đi, đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ…
Chính vì vậy, nếu không phải thường xuyên xử lý một khối lượng thực phẩm lớn như các đầu bếp chuyên nghiệp thì bạn nên lựa chọn loại thớt mỏng nhẹ. Không chỉ dễ dàng vệ sinh mà nó còn giúp bạn linh hoạt hơn khi sử dụng. Việc nhấc thớt lên để trút thực phẩm đã băm hay thái vào nồi chảo cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều đúng không?
Thứ ba: Chọn hình dáng thớt theo mục đích sử dụng
Hình dáng của một chiếc thớt phụ thuộc vào việc bạn sẽ sử dụng nó vào mục đích gì. Một chiếc thớt vuông sẽ có không gian chứa tốt hơn cho nhiều loại nguyên vật liệu đã được xử lý. Còn một chiếc thớt tròn lại có ích khi bạn phải băm cắt nhiều nguyên vật liệu cùng một lúc… Do đó, bạn nên chú ý đến quy trình nấu nướng cụ thể để chọn chiếc thớt cho phù hợp nhé!
Thứ tư: Tìm hiểu ưu nhược điểm của chất liệu thớt
Hiện nay, thớt có nhiều chất liệu phong phú. Ngoài tre và gỗ truyền thống, thớt ở thị trường hiện nay được tạo thành từ nhiều loại hợp chất như: Thủy tinh, đá, đá cẩm thạch, nhựa… Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng:
Thớt gỗ
Thớt gỗ là loại thớt đã được sử dụng trong một thời gian dài và khá thông dụng. Hầu như gia đình nào cũng sở hữu một chiếc thớt loại này. Thớt gỗ có màu tự nhiên rất đẹp, lại khá bền. Một chiếc thớt có thể dùng được nhiều năm với việc chăm sóc và bảo quản thích hợp. Cắt trên bề mặt gỗ cũng cảm thấy rất dễ dàng. Màu sắc của nó lại thích hợp với nhiều kiểu nội thất nhà bếp, làm hài lòng cả những gia chủ khó tính nhất.
Tuy nhiên, thớt gỗ có nhược điểm là sau một thời gian dài sử dụng, nó thường có mùn và bị nứt. Nước từ gia cầm hoặc thịt sống có thể thấm theo khe nứt này ngấm sâu vào bên trong rất khó làm sạch dẫn đến vi khuẩn bám tụ, sinh sôi, gây bệnh.
Thớt tre
Thớt tre là một sản phẩm của nguồn tài nguyên tái tạo. Nó cũng có nhiều ưu điểm như thớt gỗ: Kiểu dáng phong phú, màu sắc tự nhiên, khá bền và dễ dàng khi sử dụng, lại thích hợp cho băm, xắt nhỏ và thái mỏng. Tuy nhiên nó kém bền hơn so với thớt gỗ do đặc tính tự nhiên. Đồng thời cũng dễ bị nứt theo các khe rãnh tạo điều kiện cho vi khuẩn ẩn mình, gây bệnh rất nguy hiểm.
Thớt nhựa
Thớt nhựa nhẹ, không thấm nước, dễ thái thực phẩm, lại có nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú đẹp mắt rất hợp với căn bếp hiện đại. Độ dày của nó lại đáp ứng cho nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thớt mỏng thì linh hoạt, giúp nó dễ dàng băm nhỏ hoặc thái hạt lựu. Thớt dày khó khăn hơn nhưng rất bền.
Tuy nhiên, thớt nhựa lại khó băm chặt mạnh, khi thái mảnh nhựa có thể bị văng ra và lẫn vào thực phẩm. Các vết trầy, xước có thể là chỗ cư ngụ của các loại vi khuẩn có hại. Với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam nó lại dễ bị cong vênh. Do đó cần bảo quản thớt nhựa tốt để tránh bị oxy hóa. Thớt nhựa thích hợp cho đồ ăn chín, rau củ và trái cây.
Thớt thủy tinh
Thớt thủy tinh khắc phục được hoàn toàn nhược điểm của ba loại thớt trên: Không bị mùn, không nứt, không bị ô xy hóa lại dễ lau rửa sạch sẽ. Có thể dùng để cắt đồ ăn chín hay trái cây đều được mà không bị trầy xước…
Loại thớt này còn được thiết kế nhiều màu sắc và hình ảnh rất đẹp mắt cho phép thể hiện cá tính của riêng bạn. Khi không sử dụng, nó trở thành một phụ kiện trang trí rất thu hút cho nhà bếp. Tuy nhiên, thớt thủy tinh có bề mặt cứng nên dao dễ bị cùn. Thớt dễ vỡ nên nó không thể dùng băm chặt những loại thực phẩm cứng.
Thớt đá
Thớt đá đẹp, sang trọng nhưng bề mặt cứng có thể phá hủy lưỡi dao. Do đó nó không được khuyên dùng để cắt hàng ngày, băm hoặc cắt…
Bề mặt láng mịn, mát lạnh rất tốt cho việc làm kẹo hoặc chuẩn bị bột bánh ngọt. Bề mặt này cũng giúp nó dễ làm sạch bằng nước và xà phòng. Với chất liệu đá cẩm thạch nó cũng là một bổ sung tuyệt đẹp cho bất kỳ không gian nào. Nhược điểm của thớt đá cũng tương tự như thớt thủy tinh.
Cuối cùng: Chi phí cho việc chọn mua thớt
Một chiếc thớt không phải lúc nào cũng có mức giá cố định, đồng nhất. Thớt gỗ thì phụ thuộc vào chất lượng gỗ tạo nên. Thớt thủy tinh kiểu dáng phong phú, hiện đại thì có giá thành cao hơn. Thớt nhựa giá cả hợp lý. Thớt tre tái chế nên chi phí cũng mềm hơn cả…
Cuối cùng, chỉ có bạn mới có thể xác định điều bạn cần. Dựa vào những ưu nhược điểm của từng loại thớt mà bạn nên cân nhắc để lựa chọn một cách thông minh nhé!
Dù chọn loại thớt nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng khuyên bạn nên sắm 3 loại thớt (1 cho thức ăn sống, 1 cho thức ăn chín và 1 cho các loại trái cây) để đáp từng loại thực phẩm riêng biệt, tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Theo – MaskOnline
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.