“Chết vì hội họp”

chetvihoihop
Không phải cuộc họp nào cũng nêu được nhiều vấn đề sát thực như những buổi giám sát địa phương của HĐND. (ảnh: P.C)
Theo báo cáo sơ bộ tình hình hội họp của UBND TP. Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 1.000 cuộc họp, cả nước có 3.000 cuộc họp, tổng chi phí cho các cuộc họp này là 1,5 tỷ đồng (theo Tuổi Trẻ 19/01/2007).
Con số thật khủng khiếp, nhưng chắc còn ít hơn thực tế. Một lãnh đạo TP.HCM thống kê mỗi năm ông được mời dự 700 cuộc họp ở Trung ương và địa phương, thậm chí có ngày được mời dự 7 cuộc!
Theo Patrick Lencioni, tác giả quyển sách “Chết vì hội họp”, trong lời giới thiệu có nói, ông từng tiếp xúc với rất nhiều nhà lãnh đạo, một câu nói ông thường được nghe “Nếu tôi không phải dự hội họp, tôi sẽ làm được nhiều việc hơn”. Ở nước ta công bằng mà nói, hội họp nói chung là những cuộc họp bổ ích, không có nó là không xong.
chetvihoihop
Với cơ chế hiện hành, thực trạng của nền hành chính chỉ có họp mới giải quyết được công việc. Mọi ngành mọi cấp từ Trung ương đến địa phương điều hành công việc từ bàn hội nghị. Đó là còn chưa kể đến cả hệ thống chính trị thực chất đã bị tình trạng hành chính hóa các đoàn thể cũng lấy hội họp làm phương tiện hoạt động, kéo cả chính quyền vào cuộc.
Tổ chức họp vì không dám chịu trách nhiệm?
Đi tìm nguyên nhân lý giải cho chế độ hội họp lu bù gây áp lực cho công việc của lãnh đạo các địa phương có thể thấy do các nguyên nhân sau:
 
Thứ nhất, nguyên nhân đưa đến tình trạng họp hành triền miên (một ngày có khi dự 7 cuộc, cuộc nào cũng quan trọng – phát biểu của một đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố) do phân công phân cấp không rõ ràng. Chúng tôi biết rằng trong 7 cuộc họp đó sẽ được giảm thiểu nếu có sự giao quyền tự chủ cho các sở, phân cấp cho quận, huyện, nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. Dự 7 cuộc họp, 7 nội dung khác nhau, dứt khoát không thể có những chỉ đạo sâu sát được!
 
Thứ hai, việc phân định chức năng giữa các cơ quan chưa rõ ràng, còn chồng chéo, một việc không có người chịu trách nhiệm chính, có quá nhiều cơ quan tổ chức tham gia cùng một việc, cho nên phải họp bàn để thống nhất từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đòi hỏi có mặt đủ thành phần.
Thứ ba, cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ chưa được làm rõ, chưa được thể chế hoá. Có những việc phải tiến hành 5-6 cuộc họp như: họp thường vụ, họp ban cán sự, họp thường trực ủy ban, họp ủy ban, nhiều việc phải đưa ra HĐND, họp triển khai ra sở ngành, quận huyện… Đồng chí chủ tịch tất nhiên là phải dự đủ các cuộc họp này!
 
Thứ tư, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ.
Thứ năm, phân cấp Trung ương – địa phương chưa rõ, chưa được thể chế hoá, chế độ hoá và ngay giữa 3 cấp ở địa phương cũng tương tự như vậy.
Thứ sáu, chưa xoá bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì nhà nước cũng ôm, cái gì cũng đòi xin – cho, báo bẩm… Muốn giảm họp phải nhận diện cho rõ cái gì nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội… Tóm lại là muốn giảm họp phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý (theo xu thế cải cách hành chính).
Thứ bảy, có hay chăng vấn đề năng lực ở đây, hoặc thiếu tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm… nên kéo tập thể vào sinh ra họp hành?
 
Có ý kiến cho rằng, sử dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin để giảm họp. Chúng tôi thiết nghĩ rất cần thiết đưa công nghệ thông tin vào quản lý là cần thiết, nhưng công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, công cụ nên chỉ giải quyết được cái ngọn, không thể giải quyết được cái gốc đó là cơ chế.
Đã từng có những cố gắng giảm họp tại các địa phương bằng cách ban hành quy chế khi nào thì được tổ chức hội nghị. Tuy nhiên xem ra quy chế chỉ là mệnh lệnh hành chính không có cơ sở khoa học. Vì thế phải tích cực cải cách cơ chế mới mong giảm họp một cách căn cơ, khoa học.

Trả lời