5 lời khuyên cho các CEO

xaydungthuonghieu
Xây dựng thương hiệu | CEO là hình ảnh đại diện cho công ty, đó là điều tuyệt vời nhất. Tuy nhiên để thành công trong mọi lĩnh vực họ cũng phải có những triết lý riêng của mình
 Trao đổi với tờ Forbes, ông Dan Schawbel, một chuyên gia uy tín về lĩnh vực thương hiệu cá nhân ở Mỹ, đã đưa ra 5 lời khuyên cho các CEO để giải quyết thách thức này.
xaydungthuonghieu
 
1. Tạo ra và sở hữu một thương hiệu của riêng mình.
 
Những CEO giỏi nhất có khả năng dùng phẩm chất cá nhân thực thụ để thu hút sự chú ý của công chúng cho doanh nghiệp của họ.
 
Chẳng hạn, Steve Jobs của Apple được biết đến như một CEO cứng rắn đối với nhân viên, có những bài thuyết trình đầy năng lượng và là một người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Đó là những phẩm chất cho biết Jobs là ai, và Jobs cũng không hề cố tỏ ra là mình có những phẩm chất đó. Một thương hiệu cá nhân của CEO giúp tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng và khiến họ quan tâm hơn tới sản phẩm và dịch vụ của công ty.
 
2. Tạo ra quyền năng cho cấp dưới.
 
Nếu CEO cho phép nhân viên chia sẻ cởi mở thông điệp của CEO với công chúng, CEO có thể sẽ mất dần đi quyền kiểm soát, nhưng cái đạt được lại là một lực lượng đại sứ thương hiệu hùng hậu.
 
Tony Hsieh, CEO của hãng bán lẻ trực tuyến Zappos, là một ví dụ điển hình về việc khuyến khích mọi nhân viên có tài khoản Twitter và kết nối với khách hàng. Hsieh muốn khách hàng trải nghiệp thương hiệu Zappos thông qua chính những con người làm việc cho Zappos. Mỗi nhân viên đều có quyền lợi trong thành công của CEO, bởi thế tốt hơn hết là CEO nên tạo ra quyền năng cho nhân viên, thay vì kìm hãm họ.
 
3. Tận dụng tối đa chức danh của bản thân.
 
Giới truyền thông muốn trò chuyện với CEO của các công ty hơn bất kỳ ai khác trong các công ty đó. Bởi vậy, CEO được khuyến nghị là nên sử dụng chức danh của mình để quảng bá doanh nghiệp ở mức nhiều nhất có thể.
 
Một ví dụ về CEO biết tận dụng chức danh và thương hiệu uy tín của bản thân là CEO Howard Schultz của hãng cà phê Starbucks. Schultz đã viết nhiều cuốn sách và bài báo nói về mọi vấn đề, từ nền kinh tế, tới chính trị, và công việc làm ăn của ông. Cách làm này khiến công chúng luôn quan tâm tới những gì ông nói.
 
4. Xây dựng một đội ngũ nhân viên mạnh.
 
Lãnh đạo doanh nghiệp khó có thể thành công nếu không có một hệ thống hỗ trợ mạnh. Việc cách tuyển dụng và đào tạo những ngôi sao sáng trong lĩnh vực hoạt động của công ty sẽ tạo ra sự khác biệt.
 
Trong thời gian đảm nhiệm chức CEO của Google, Eric Schmidt đã phát triển nhiều nhân tài trong “đế chế” tìm kiếm này, bao gồm Marissa Mayer, người hiện đang đứng đầu các dịch vụ định vị. Giờ thì Schmidt có thể “rảnh tay” tập trung vào nhiệm vụ thúc đẩy công ty tiến lên phía trước, vì những cấp dưới tài năng thừa sức giúp ông có một hình ảnh tốt trong mắt công chúng.
 
5. Trở thành một người đi đầu về các ý tưởng (thought leader).
 
Càng giới thiệu rộng rãi được các ý tưởng của mình bao nhiêu, một vị CEO càng chuẩn bị được tư thế sẵn sàng để thu được lợi ích từ các ý tưởng đó bấy nhiêu.
 
Tỷ phú Anh quốc Richard Branson là một trường hợp tiêu biểu về một vị CEO biết sử dụng công cụ truyền thông cho hoạt động của công ty mình. Branson có nhiều bài viết đăng trên tạp chí doanh nhân Entrepreneur Magazine và thường xuyên được báo này phỏng vấn. Nhờ đó, ông truyền tải được các thông điệp của mình và khiến thị trường phải “lên dây cót” cho những gì sắp xảy ra.
 
Biên tập : Le Tien | Theo Vneconomy

Trả lời