Lách luật để huy động vàng?

kinhtevangjpg
Sau thời điểm ngày 25/11, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải chấm dứt hoàn toàn việc huy động, cho vay vàng, thị trường kỳ vọng nguồn cung vàng sẽ tăng khi người dân rút vàng gửi ở ngân hàng rồi bán ra lấy tiền đồng. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, thị trường chẳng có thay đổi nào đáng kể. Người dân vẫn nắm giữ vàng, thậm chí là vẫn gửi lại mà không cần lãi suất.
kinhtevangjpg
Theo khảo sát, một số ngân hàng như Techcombank, Eximbank đang nhận giữ hộ vàng cho khách hàng, không có lãi suất nhưng cũng không mất phí. Một số ngân hàng triển khai việc thu phí giữ hộ vàng, mức thấp nhất khoảng 0,05% và cao nhất khoảng 2%.
 
Thay đổi cách huy động
 
Theo đại diện NHNN tại Tp.HCM, chính sách này đã không thu hút được người dân tiếp tục gửi vàng nên nhiều đã đem ra bán. Một khối lượng vàng đã được rút ra để đem bán lấy VND về gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Tp.HCM chỉ chiếm khoảng 10 – 15% lượng khách hàng đến rút vàng. Từ việc được hưởng lãi suất gửi vàng 3 – 3,5% một năm, nay phải chịu phí giữ hộ vàng khiến khách hàng chờ đợi, nghe ngóng làm thị trường kém sôi động.
 
Dù vậy, dư luận cho rằng một số đơn vị vẫn tìm cách lách luật để tiếp tục huy động vàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh (NHNN Chi nhánh Tp.HCM) khẳng định diễn biến của thị trường vàng luôn được cập nhật hằng ngày và cho đến nay chưa thấy có tình trạng lách luật ở các ngân hàng. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, cho rằng rất có thể các ngân hàng thương mại đã chấm dứt huy động vàng đúng quy định, nhưng có thể trước thời điểm ngưng huy động, nhiều khách hàng lại muốn tận dụng cơ hội hưởng lãi suất vàng nên đã đi đáo hạn để được kéo dài thời hạn đến ngày 30/6/2013.
 
Như vậy, theo Thông tư 12, các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động vàng nhưng các DN vẫn được phát hành trái phiếu, tín phiếu. Nghĩa là DN cũng có thể phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng. “Vậy thì vấn đề tiếp tục được đặt ra là sẽ như thế nào nếu những DN này là sân sau của một số ngân hàng? Rõ ràng việc có DN phát hành tín phiếu vàng là điều khó tránh khỏi”, ông Hải chia sẻ.
 
Một chuyên gia ngành vàng nhận xét: vàng là tài sản lớn trong khi nhu cầu về vốn vẫn còn quá lớn đối với rất nhiều DN hiện nay. Thế nên bằng cách này, DN có thể tận dụng việc huy động vàng để đổi lấy VND. Mặc dù cách làm này rất rủi ro nếu giá vàng biến động mạnh, họ vẫn làm. Mặt khác, trong tình hình các cánh cửa vàng dường như đóng lại thì khi phát hiện được có một cơ hội khác mở ra, nhiều người sẽ sẵn sàng gửi để tận dụng hưởng lãi suất.
 
Chưa có chuyển biến về vàng
 
Mặc dù các NHTM huy động vàng chỉ được trả một mức lãi suất rất ít, thậm chí là chỉ giữ hộ và thu phí dịch vụ thì người dân vẫn đang nắm giữ và gửi vàng cho ngân hàng. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng việc huy động giá rẻ, bán ra lấy đồng nội tệ cho vay với lãi suất cao, một dạng kinh doanh siêu lợi, nên rất nhiều đơn vị tìm cách lách luật để huy động. Ngân hàng vừa không phải trả lãi suất nhưng có thể thu phí và vẫn sử dụng được số tài sản này khi đã thỏa thuận với người gửi vàng muốn rút ra thì phải báo trước.
 
Như vậy, trái ngược với mong muốn của NHNN là khi cấm ngân hàng huy động vàng thì người dân bán vàng để gửi tiết kiệm, trên thực tế, người dân vẫn đang tiếp tục giữ vàng. Đại diện của SJC cho biết, chỉ có một số khách hàng nhỏ lẻ đến bán vài ba lượng vàng, chứ không phải hàng chục, hàng trăm lượng như trước đây.
 
Theo một chuyên gia về vàng, giá vàng trong nước khó rút ngắn cách biệt khi vàng đang độc quyền, nên vàng không lập tức giảm sâu được và người dân vẫn nắm giữ. Lực mua vàng từ các NHTM vẫn tiếp tục với 20 tấn vàng còn thiếu để hoàn tất đóng trạng thái, còn người dân lại không bán vàng ra như dự đoán. Nếu không có biện pháp đột phá giải quyết tận gốc nguồn cung, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục cách biệt với thế giới. Chưa kể, nhu cầu mua vàng từ người dân theo tính toán của vị chuyên gia này khoảng 25 – 30 tấn mỗi năm. Cộng thêm kinh tế vĩ mô chưa ổn định, người dân chưa yên tâm nắm giữ tiền đồng… vàng sẽ vẫn là kênh bảo toàn vốn quan trọng.
 
Như vậy, việc huy động hay ngừng huy động vàng sẽ không có tác động nhiều tới thị trường vàng. Đặc biệt, điều đó chẳng có ý nghĩa giải quyết được những xáo trộn từ thay đổi chính sách và quản lý đã diễn ra trước đó trên thị trường. Giới kinh doanh vàng cho rằng thị trường vàng trong nước thời gian tới vẫn là một ẩn số khiến nhiều người tạm thời đứng ngoài để theo dõi tình hình. “Có thể thị trường sẽ biến động rõ nét hơn vào đầu tháng 1/2013 khi các DN kinh doanh vàng không đủ điều kiện mua bán vàng miếng phải chấm dứt hoạt động”, đại diện một công ty vàng nhận xét.
 
Theo thoibaokinhdoanh

Để lại một bình luận