GS-TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm: Muốn tư duy chín chắn phải có khoảng lặng

An-Trua-4821
Nhiều người thắc mắc: Làm thế nào để một người có thể suy nghĩ các vấn đề lớn thuộc kinh tế – xã hội và nỗ lực đóng góp được trong nhiều lĩnh vực như vậy? Cuộc trò chuyện với ông đem lại nhiều bất ngờ từ những cách nhìn mang sắc thái riêng.
An-Trua-4821
Có người nhận xét ông là người đầu tiên đem khái niệm thương hiệu vào Việt Nam, có sách thuộc loại “gối đầu giường” về thương hiệu. Ông thấy từ đó đến nay, ở Việt Nam, vấn đề này đã phát triển đến đâu?
Thì cứ cho là “đầu tiên”, điều ấy đã mang đến hai chuyện, thứ nhất là các đầu sách của tôi được đón nhận khá tốt, có cuốn được tái bản đến lần thứ năm, cuốn tái bản ít nhất cũng là hai lần. Nhưng sau đó tôi lại gặp vài đố kỵ, đặt điều dèm pha. Tôi nhớ doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trong một trả lời phỏng vấn, có một câu tôi rất tâm đắc: “Người tiên phong thường bị nghi ngờ”. Nhưng biết làm sao được? Do vậy, phần hai của câu hỏi mới đáng để đào sâu: vấn đề thương hiệu tại Việt Nam đã có bước tiến khá dài. Đã có được nhận thức khá rõ về các chức năng cơ bản của thương hiệu. Và một số doanh nghiệp đã thực thi. Đó là sự khích lệ đối với tôi.
 
Vậy ông sẽ xuất bản tiếp các tập sau của cuốn sách thương hiệu chứ?
Lẽ ra có bảy cuốn, nhưng chỉ mới ra bốn thì tạm ngưng vì bận quá nhiều việc. Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ tiếp tục.
Ông đã nhận xét vào năm 2005 là các doanh nghiệp còn lẫn lộn giữa thương hiệu và nhãn hiệu. Nay điều này còn phổ biến không?
 
Nói vắn tắt thì thương hiệu gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp, không chỉ để bán hàng như vai trò của quảng cáo. Biết tôn trọng khách hàng, kết liên lòng người, nhắm đến sự dài hạn, nền tảng cơ bản đó được kiến tạo thông qua những trải nghiệm thực tế giữa doanh nghiệp và khách hàng. Cơ sở của nó là chiếm lĩnh một vị thế cao nhất và lâu dài nhất trong tâm trí của người tiêu dùng, bởi người thật, việc thật, hàng thật. Còn quảng cáo, như tạo ấn tượng từ việc phô trương nhãn hiệu, căn cốt là để bán hàng cho được, dù đấy là hàng dở, tồi, dỏm.
Vậy cụ thể phải dùng những kỹ thuật mới nào?
Đừng khởi đầu với việc đi tìm kỹ thuật. Nhìn ra bản chất vấn đề sẽ có kỹ thuật giải quyết.
 
Vấn đề phải nhìn ra là gì, thưa ông?
Là nhận chân những giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho khách hàng: sự tôn trọng khách hàng, hình ảnh về mình mà khách hàng muốn được tôn vinh, sự hãnh diện chung về bản thân, biến thành người thông minh trong lựa chọn. Bản chất của xây dựng thương hiệu là phải đem đến cho khách hàng niềm tự hào mình là người biết lựa chọn đúng đắn, vượt trội. Tâm của người khác chỉ thật sự rung động khi mình có tâm, quý trọng họ. Mỗi người tiêu dùng là một nhân cách cần được trân quý, không phải để lừa mị gạt gẫm. Suy từ bản thân thì rõ: Có ai muốn bị lừa không? Có muốn bị mất tiền oan không? Có muốn lợn lành thành lợn què không? Không! Đơn giản vậy thôi, có gì cao siêu đâu.
 
Theo ông, điều gì đã cản trở nhận thức trên?
Chạy theo doanh số trước mặt mà quên cái lợi lâu dài chính là vật cản cho việc đào sâu nhận thức trên. Chính xác là trong giao dịch phần lớn chỉ chú trọng đến bán và mua mà quên rằng đấy là những dịp để kết nối, củng cố và phát triển những quan hệ tin tưởng giữa doanh nghiệp với thị trường lẫn xã hội. Do không nhận ra đầy đủ giá trị của việc thắt chặt và mở rộng những quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng nên cũng không nhận ra ý nghĩa cơ bản của thương hiệu.
Các doanh nghiệp lớn nước ngoài chú trọng những giá trị vượt trội. Đó là gì vậy?
“Tôi là thật, đúng như tôi đã tuyên bố với thị trường và xã hội”. Mọi kỹ thuật xoay quanh nền tảng đó.
Theo doanh nhân cuối tuần

Trả lời