Không khéo lại… đuổi khách!

khongkheolaiduoikhach
Mùa mua sắm cuối năm, một số nơi bỗng dưng… đắt hàng và vì thế, họ không kịp chuẩn bị tinh thần đối xử với mọi khách hàng như Thượng đế!
Đi mua sắm tại những nơi này, người viết bài có cảm giác người bán hàng đang vui mừng vì trút được gánh nặng… hàng tồn kho khỏi mình. Họ có biết đâu làm thế là đã chuyển… âu lo, bực dọc sang phía người mua hàng.
Giá cả tạo đẳng cấp?
khongkheolaiduoikhach
Ghé vào một cửa hàng gần khu chợ Thiếc (chợ Phó Cơ Điều, Q.11) để mua ghế dựa, người bán hàng đưa ra hai sản phẩm cách biệt giá đến 100.000 đồng và tư vấn cho tôi rằng “tiền nào của nấy”. Tôi quan sát, hai chiếc ghế này đều có thân khung làm bằng sắt với kích cỡ như nhau, được bọc bởi lớp vải bố giống hệt nhau. Nói chung là sản phẩm không có sự khác biệt nào về kiểu dáng, chất liệu… ngoại trừ khác biệt về giá. Người bán hàng không tư vấn gì thêm cho tôi, vì bận tiếp những người khách khác. Nhưng tôi cảm thấy anh ta làm thế vì muốn tôi… “thiếu thông tin” về sản phẩm, từ đó dễ dàng mua hàng chỉ bằng mỗi sự lựa chọn về giá.
Hiển nhiên, anh ta còn ngầm bảo với tôi rằng, giá cao sẽ tương xứng với chất lượng hàng cao và cả… sự sành điệu trong mua sắm của khách hàng.
Có lẽ, người bán hàng ở đây đang vận dụng chiêu thức “sản phẩm không cần (nhiều) sự khác biệt, vì sự khác biệt về giá đã đủ chứng tỏ chất lượng” để thúc đẩy bán hàng. Vẫn biết, “của rẻ là của ôi” nhưng lẽ nào hàng chất lượng tốt lại chẳng tỏ rõ một ưu điểm nào ngoài khác biệt duy nhất là… “giá không rẻ”. Lẽ ra, người bán hàng nên “quy hoạch” hàng hóa thành từng khu vực riêng biệt. Hàng bán đại trà, giá rẻ, chất lượng tạm ổn… thì có thể đổ đống bán xôn trước cửa hàng. Hàng có chất lượng nên xếp trên quầy kệ trong cửa hàng. Hàng đắt tiền thì cần có bao bì bảo vệ, có nhân viên phụ trách riêng để tư vấn cho khách hàng, có dịch vụ giao hàng miễn phí… Như thế thì phương châm bán hàng “tiền nào của nấy” mới rõ, tránh cho khách cảm giác bị khuyến dụ, lừa lọc… khi mua hàng.
Nguồn doanh nhân cuối tuần

Trả lời