Quy trình xây dựng và thực hiện chiến lược

quy-trinh-xay-dung-va-quan-ly-chien-luoc
Trong doanh nghiệp (DN) bạn, ai là người đảm bảo chiến lược được xây dựng và thực hiện tốt? Câu trả lời không khó – ban lãnh đạo và tất cả nhân viên.
Tuy nhiên, ai là người chỉ huy không chỉ đảm bảo chiến lược được xây dựng tốt, mà còn được thực hiện hiệu quả? Dường như không dễ trả lời câu hỏi này.
quy-trinh-xay-dung-va-quan-ly-chien-luoc
Phòng Quản trị chiến lược
Ngày càng nhiều doanh nghiệp lập bộ phận phụ trách quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược. Các bậc thầy về quản trị là Kaplan và Norton gọi đây là Phòng Quản trị chiến lược (OSM). Có thể gọi tên khác nhau cho bộ phận OSM, như bộ phận chiến lược, bộ phận tích hợp hoặc bộ phận chuyển đổi, nhưng chức năng của chúng là đảm bảo chiến lược đã xây dựng trở thành chương trình nghị sự thật sự trong các cuộc họp ban lãnh đạo, chứ không phải chỉ để cho có.
Lý do DN thành lập bộ phận OSM là hơn 70% DN thất bại trong thực hiện chiến lược. Thiếu sự chủ trì và thiếu hướng dẫn và định hướng là nguyên nhân chính.
Bộ phận OSM có bốn trách nhiệm chính như sau: (1) Quy trình xây dựng chiến lược; (2) Quy trình thực hiện chiến lược; (3) Điều chỉnh chiến lược trong toàn bộ DN và (4) Quản trị và giám sát cơ cấu chiến lược của DN.
Quy trình xây dựng chiến lược
OSM là kiến trúc sư của cơ cấu chiến lược của DN, là người chỉ huy điều phối giai điệu từ các nghệ sĩ. Có nghĩa là, họ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phê chuẩn chiến lược theo định kỳ. Chiến lược là một quá trình được xây dựng dần trên các chiến lược được đề ra trước đó chứ không phải là hoạt động đơn nhất, tái diễn cứ mỗi 3-5 năm một lần.
Bộ phận OSM sẽ: hỗ trợ ban lãnh đạo xây dựng chiến lược trên cơ sở thấu hiểu và phân tích thị trường; xác định các lỗ hổng chiến lược chính và đưa ra sáng kiến; tư vấn định hướng mới cho chiến lược và các mô hình kinh doanh; định kỳ phê chuẩn chiến lược của DN.
Quy trình thực hiện chiến lược
Việc thực hiện chiến lược của DN là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong DN. Bộ phận OSM hỗ trợ thực hiện chiến lược hiệu quả hơn, bằng cách đảm bảo nhân viên đều có cùng trọng tâm chiến lược trong DN. Điều này thực hiện thông qua sử dụng bản đồ chiến lược – sự thể hiện bằng hình ảnh chiến lược, các mục tiêu và nhân tố giá trị then chốt để thực hiện chiến lược của DN.
Bản đồ chiến lược được sử dụng để phổ biến chiến lược; làm mục lục cho kế hoạch kinh doanh và việc hoạch định và lập ngân sách (thường niên); phê chuẩn sáng kiến dựa trên giá trị gia tăng của sáng kiến cho chiến lược; xác định thứ tự ưu tiên các đề xuất đầu tư; làm định hướng xác định thông tin cần thiết và là khởi điểm để báo cáo; làm cơ chế đánh giá và lương thưởng cho nhân viên.
Điều chỉnh chiến lược trong toàn doanh nghiệp
DN chỉ có thể tận dụng hết tiềm năng khi mỗi nhân viên biết góp phần tạo nên giá trị cho chiến lược của DN. Bắt đầu từ điều chỉnh đến lập bản đồ chiến lược cấp DN, từ đó phân tầng xuống các đơn vị kinh doanh, phòng ban và cá nhân. Điều này không có nghĩa đẩy chiến lược xuống cấp dưới mà là cho cá nhân tham gia để nâng cao trách nhiệm và đem niềm đam mê cho họ.
Ngoài ra, cần phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức, quy trình kinh doanh, công nghệ và dữ liệu cho phù hợp với chiến lược. Giả sư,û DN thay đổi chiến lược từ dẫn đầu về quản lý chi phí trong ngành ngân hàng tại Việt Nam sang ngân hàng có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất trong toàn khu vực, chứ không chỉ ở Việt Nam. Có nghĩa là mô hình hoạt động của DN sẽ thay đổi lớn, từ theo dõi lợi nhuận biên của sản phẩm sang chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng đối với các sản phẩm khác nhau tại các địa bàn khác nhau trong khu vực hoạt động của DN.
DN cần: điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với chiến lược; điều chỉnh quy trình kinh doanh cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới; sử dụng công nghệ để hỗ trợ các quy trình kinh doanh; quản lý chất lượng dữ liệu để có thể ra quyết định về chiến lược và hoạt động.
Quản trị cơ cấu chiến lược
Cần xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng và đảm bảo chiến lược được xây dựng và thực hiện hiệu quả. Kaplan và Norton xác định các trách nhiệm chính (chủ trì và hỗ trợ) đối với bộ phận OSM: (1) Xác định cơ cấu chiến lược; (2) Thiết kế quy trình xây dựng và thực hiện chiến lược; (3) Lập kế hoạch và xây dựng chiến lược; (4) Điều chỉnh tổ chức; (5) Soát xét và áp dụng chiến lược; (6) Kết nối với việc hoạch định hoạt động/lập ngân sách; (7) Kết nối với các quy trình hoạt động chính như nhân sự, CNTT và các bộ phận hỗ trợ khác trong DN; (8) Phổ biến chiến lược trong DN; (9) Quản lý các sáng kiến chiến lược; và (10) Chia sẻ các thông lệ thực hành tốt.
Rõ ràng, chiến lược có ảnh hưởng sâu rộng và cần được quản lý hợp lý và theo dõi sâu sát. Bộ phận OSM hoặc người chỉ huy của toàn bộ quy trình xây dựng và thực hiện chiến lược, phải đảm bảo sự hòa âm phối khí tốt trong bản nhạc được chơi.
Nguồn the sun

Trả lời