Một bộ đồ chơi xếp hình, tập vẽ hay bộ dụng cụ làm bác sĩ với âm thanh, màu sắc vui nhộn sẽ giúp bé nhận biết đồ vật, sắc màu và rèn ngôn ngữ, trí tuệ. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn băn khoăn, không biết chọn đồ chơi nào cho an toàn và phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Trong những năm tháng đầu đời, đồ chơi đóng vai trò quan trọng giúp bé phát triển kỹ năng và trí tuệ. Trẻ từ sơ sinh đến một tuổi rất cần phát triển các giác quan: thị giác, thính giác và cảm giác (sờ nắn, vận động chân tay). Đồ chơi giai đoạn này nên có sự chuyển động hay phát tiếng kêu để bé tập quan sát và lắng nghe âm thanh. Những chiếc lúc lắc cầm tay thường được thiết kế vừa tầm mắt bé (kích thước không quá nhỏ, không lớn quá) và chuyển động nhẹ nhàng để bé kịp theo dõi. Các đồ chơi phải làm bằng vật liệu an toàn, bé có thể ngậm mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, có tem kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Các loại lục lạc hình thú có âm thanh hay các vòng màu xếp hình phù hợp với bé dưới 12 tháng tuổi, kích thước vừa tầm tay cầm nắm của bé. Từ một-hai tuổi, bé nhận thức thế giới xung quanh rõ hơn, có thể ném, chụp hay đá nên sẽ thích thú các đồ chơi “động” như con rối, búp bê hay trái banh. Những bộ hình ghép, xếp hình đơn giản cũng tạo sự chú ý ở các bé giai đoạn này.
Từ hai tuổi trở lên, trẻ bước vào giai đoạn tập nói và vận động nhiều hơn. Tùy theo khả năng của trẻ, phụ huynh có thể cho bé chơi các bộ đồ chơi lắp ráp, các khối xếp hình để phát triển trí tuệ, luyện khả năng tư duy. Các nhà sản xuất đều ghi rõ độ tuổi phù hợp với mỗi loại đồ chơi trên nhãn sản phẩm, khi mua, phụ huynh cần lưu ý.
Ở tuổi này, bé có thể tập làm quen với đồ chơi dụng cụ gia đình, đồ chơi liên quan tới nghề nghiệp như công nhân, lính cứu hỏa, kỹ sư, bác sĩ… Các loại đồ chơi tăng khả năng vận động của trẻ như xe đẩy, ngựa gỗ rất hấp dẫn bé nhưng cần có sự hỗ trợ của người lớn hay đai bảo vệ an toàn. Các bộ đồ chơi xếp gạch, xây nhà, nấu ăn… cũng hữu ích cho trẻ lứa tuổi này. Những món đồ chơi có thể điều khiển như búp bê biết bò, biết đi, xe hơi, tàu hỏa chạy pin vừa giúp bé vui vừa cho bé những hiểu biết về sự chuyển động.
Hầu hết các loại đồ chơi trên thị trường được làm bằng nhựa an toàn, gỗ có màu tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc, chất lượng, thành phần nguyên liệu. Phụ huynh nên chọn các sản phẩm chính hãng, có chứng nhận của cơ quan chức năng, tuyệt đối không mua đồ chơi kém chất lượng, nhất là đồ chơi bày bán trên vỉa hè, không được chứng nhận an toàn.
Khi bé từ ba-sáu tuổi, khả năng ngôn ngữ từng bước được hoàn thiện khi bé thể hiện cá tính và giới tính nên sẽ biết phân biệt đồ chơi giữa bé trai và bé gái, có những nhận xét và sở thích riêng. Phụ huynh nên tham khảo ý bé hoặc để tự bé bước vào thế giới đồ chơi để chọn lựa món bé thích, sau đó cha mẹ hướng dẫn, giải thích, giúp bé chọn những món đồ phù hợp.
Các bậc cha mẹ cần chú ý, không nên cho bé chơi đồ chơi bạo lực (súng ống – dao kiếm) hay những hình thù ma quái khiến bé ám ảnh, có thể ngủ không ngon, hay giật mình. Đối với đồ chơi cần sự vận động nhiều, phụ huynh nên theo dõi bé chơi trong thời gian nhất định, khoảng 30 phút, để bé không mất sức, có thể gây mệt mỏi, dễ bị ho hay cảm lạnh. Phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra tủ đồ chơi hay những món đồ bé thích chơi nhất xem có dấu hiệu bị hư hỏng, bong tróc, cần bỏ đi hoặc thay mới không. Không nên chọn các loại đồ chơi quá nhiều chi tiết, góc cạnh hay các vật tháo ráp có khe hở nhiều, bởi trong quá trình bé chơi, có thể gây kẹp tay hay xây xước bàn tay mỏng manh của bé. Bé từ hai tuổi trở lên có thể hiểu được những cảnh báo nguy hiểm. Bạn nên giảng giải để bé biết việc gặm đồ chơi, nuốt pin… là rất nguy hại.
Theo – phunuonline
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.