Ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên về khởi nghiệp. Những bạn trẻ mê kinh doanh thường tự học qua chính “cơ nghiệp đầu tay”, lẽ tất nhiên là rủi ro cao. Nắm bắt xu thế muốn học những kiến thức phục vụ trực tiếp việc kinh doanh, nước có nhiều người trẻ khởi nghiệp thành công như Mỹ đã chú trọng dạy về khởi nghiệp với chương trình thiết thực.
Học khởi nghiệp qua dự án kinh doanh
Nằm ở thành phố Wellesley, bang Massachusetts, cách trung tâm thành phố Boston khoảng 20 phút đi xe, Babson College cung cấp môi trường học tập mới mẻ và thực tế cho những bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp và các ngành thuộc kinh tế.
Chuyên ngành làm nên tên tuổi của Babson là Entrepreneurship (khởi nghiệp). Babson đã 19 năm liên tiếp được xếp hạng 1 nước Mỹ về chuyên ngành này, trên cả Harvard danh tiếng.
Điểm đặc biệt của chương trình khởi nghiệp ở Babson là suốt năm đầu đại học, sinh viên sẽ được học khóa học “Foundations of Management and Entrepreneurship” (FME). Đây là khóa học kéo dài suốt năm, học kỳ đầu sinh viên sẽ làm quen với các khái niệm cơ bản nhất về khởi nghiệp.
Sinh viên sẽ phải nhiều lần làm các bài thuyết trình về ý tưởng kinh doanh. Ban đầu, mỗi nhóm gồm ba sinh viên sẽ phải tìm ra những ý tưởng kinh doanh và trình bày trước các giáo sư và các sinh viên khác.
Thiel Bratt, giảng viên của Babson, hào hứng chia sẻ về FME: “Ý tưởng tốt sẽ được chọn vào những vòng tiếp theo. Những sinh viên thuộc các nhóm mà ý tưởng không được chọn sẽ được phân chia vào những nhóm ý tưởng được chọn. Cứ thế, cuối cùng chọn ra hai ý tưởng khả thi nhất cho mỗi lớp.
Trong cùng một khoảng thời gian, các sinh viên sẽ học những khái niệm cơ bản nhất về kế toán, tài chính, kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và cả quản trị nhân sự để có thể sẵn sàng mọi kỹ năng và kiến thức điều khiển doanh nghiệp”.
Vào học kỳ tiếp theo, hai nhóm có ý tưởng tốt nhất được gọi là hai công ty với đầy đủ CEO, CFO và các VP (Vice President). Họ điều hành “công ty” như những doanh nhân thật sự, dưới sự hướng dẫn và giám sát của các giáo sư.
Các “công ty” phải liên tiếp thực hiện các bài thuyết trình để thuyết phục các giáo sư về cách mình sẽ điều hành công ty, các khoản phải chi, thu, các chi phí phát sinh…
Nếu thuyết phục các giáo sư thành công, các “công ty” sẽ được cấp số tiền tương ứng để doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Lợi nhuận từ việc bán hàng sẽ được đóng góp vào các tổ chức từ thiện vào cuối học kỳ.
Cuối học kỳ, mỗi công ty sẽ có bảng báo cáo tổng kết nhằm đánh giá lại những gì đã học trong năm vừa qua cũng như định hướng phát triển các kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Phương Dung, sinh viên năm 2 Trường Babson, nói: “Môn học này giúp mình nhìn rõ hơn những công việc cụ thể sẽ phải đối mặt khi sở hữu một doanh nghiệp thực thụ.
Trải nghiệm rất quý, giống như đang kinh doanh thật vậy”. FME được đánh giá là chương trình học cải cách nhất bởi Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ. Mô hình dạy và học về khởi nghiệp này cũng đang dần được mở rộng ra hệ thống các trường ở Mỹ và châu Âu.
Học khởi nghiệp: “Lợi thì có lợi”
Điểm hấp dẫn ở các trường dạy khởi nghiệp là phần lớn giáo sư là những nhà kinh doanh hay chuyên gia phân tích tài chính có tiếng tại Mỹ. Quan trọng hơn, đa số họ đều sở hữu doanh nghiệp riêng có tên trong “Fortune 500” hoặc các bảng xếp hạng tương tự. Họ đem chính kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết từ quá trình thành lập và quản lý doanh nghiệp để truyền đạt cho sinh viên.
Các trường dạy về khởi nghiệp như Babson, Chicago… hiếm có hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế bởi chi phí mời giáo sư và chạy dự án khá tốn kém. Tuy nhiên, có rất nhiều suất học bổng hấp dẫn mà sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, có khả năng đạt được.
Có thể kể đến Weissman Scholarship (100%) hay Presidential Scholarship (50%). Những học bổng này dựa trên năng lực học tập của sinh viên và các hoạt động ngoại khóa.
Tuy vậy, việc dành cả ba, bốn năm cho việc học khởi nghiệp cần được cân nhắc kỹ. Bạn phải thực sự muốn khởi nghiệp và có đủ khả năng nhiều mặt thay vì chạy theo đám đông. Bởi chỉ khi được ứng dụng vào việc kinh doanh, những kiến thức về khởi nghiệp mới phát huy hết hiệu quả.
Hoàng Đạt, cựu sinh viên Đại học Chicago, chia sẻ: “Bạn phải thành thật với đam mê và lựa chọn của mình bởi không gì bi kịch hơn ảo tưởng mình thích khởi nghiệp, qua ba năm học mới vỡ lẽ không thích, phải bắt đầu lại”.
Xu thế các bạn trẻ tự học khởi nghiệp bằng chính dự án của mình ở Việt Nam vẫn phổ biến. Lê Khánh, một trong những ông chủ trẻ của chuỗi cà phê Urban Station tại TP.HCM, kể: “Khi mình có ý định khởi nghiệp, gia đình cũng gợi ý nên học về khởi nghiệp trước khi bắt đầu dự án thật để giảm rủi ro, nhưng mình nghĩ khác. Việc khởi nghiệp trong điều kiện kinh tế, xã hội nước ta khá đặc trưng, có thể những kiến thức học được ở nước ngoài bài bản nhưng khó áp dụng ở Việt Nam, chi bằng làm thật rồi học thật qua “đứa con tinh thần” của mình.
Nguồn internet
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.