Lê Đình Hùng là cái tên khá nổi tiếng cả trong doanh giới lẫn showbiz Việt bởi những hoạt động của ông luôn gắn liền với hai lĩnh vực này. Gây dựng sự nghiệp khi kinh tế đang ở đỉnh cao và đối mặt với khó khăn trong suốt cuộc suy thoái kinh tế kéo dài từ 2009 đến nay, Lê Đình Hùng đã có những bước thăng trầm đủ để người trẻ tham khảo trong quá trình gây dựng doanh nghiệp.
Tôi khởi nghiệp với công việc của một phu đào đá sapphire ở Di Linh, sau đó đi học nghề và làm thợ bạc, gia công hàng chợ ở Vĩnh Long. Rồi một thân một mình lên Sài Gòn, không bằng cấp, xin việc không ai nhận…
Ngày đó, nhiều người gọi tôi là Hùng xe đạp vì thường thấy tôi đạp xe lang thang đi xin việc. Cũng may, trong những ngày lưu lạc ở Sài Gòn, tôi gặp một người bạn cũ. Cảm thông hoàn cảnh của tôi, anh ấy giới thiệu tôi vào làm thợ cho một công ty vàng bạc đá quý.
Từ một anh thợ là chân sai vặt, nhờ siêng năng, hay “đeo” thợ chính học nghề và tự nguyện nhận thêm việc nên tay nghề tôi ngày một nâng cao. Khi nhận được nhiều đơn đặt hàng, tôi huy động bạn bè làm cùng để có thời gian đầu tư vào những sản phẩm tinh xảo, sáng tạo hơn.
Dần dần, không chỉ khách hàng, nhiều doanh nghiệp lớn cũng tìm đến và đặt tôi gia công. Công việc tiến triển tốt, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm chủ và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Gom hết vốn liếng tích cóp được từ những ngày làm thuê, tôi thuê mặt bằng và mở cửa hàng kinh doanh nữ trang ở bên hông tòa nhà ITC, sau đó dời sang Đồng Khởi, con đường “vàng” ở trung tâm TP.HCM. Thương hiệu Cửu Long Jewelry chính thức ra đời, nhắm đến phục vụ khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu.
Bắt tay xây dựng doanh nghiệp, tôi cảm thấy rất tự tin vì luôn tin vào khả năng của mình. Nhờ có những thiết kế mới nên Cửu Long Jewelry nhanh chóng chinh phục thị trường. Đến năm 2007, tôi quyết định mở thêm 30 chi nhánh ở các tỉnh, thành vì nghĩ rằng vận hội đã đến với mình.
Thế nhưng, do phát triển với tốc độ quá nhanh, vượt khỏi tầm kiểm soát cộng với không có kinh nghiệm quản trị nên tôi đã thất bại đau đớn, phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, lâm vào cảnh nợ nần. Cũng may là tôi vẫn còn vốn liếng quý giá là đôi tay khéo léo của mình.
Nhìn nhận thất bại là điều không phải ai cũng làm được, nhất là với những người đã từng thành công. Tôi phải cố gắng nhận diện những khó khăn của doanh nghiệp và tìm hướng giải quyết để hạn chế rủi ro, rồi bắt tay vào sắp xếp lại doanh nghiệp.
May mắn là các chủ nợ thông cảm, cho tôi khất nợ vì tôi thật lòng trình bày với họ khó khăn của mình, không chút giấu giếm, nên doanh nghiệp mới không phá sản.
Để giúp các bạn trẻ tránh được việc chạy theo các giá trị ảo, hành động thận trọng để có thể tìm thấy con đường thích hợp với mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn về sự thật của cái gọi là thương trường khốc liệt. Tôi bắt đầu tập hợp những quan sát của mình để viết tập sách Mr. Thất Bại, gồm những bài học rút ra từ những thất bại và cả những điều đang tồn tại trên thương trường.
Đó là chuyện chung của Mr. Phở, Mr. Taxi hay Mr. Voucher… Tôi thấy mình và những người vừa hoặc sắp khởi nghiệp cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về thị trường, nơi chúng tôi gửi gắm ước mơ và hoài bão của mình.
Chia sẻ câu chuyện thất bại của bản thân, tôi hy vọng những người trẻ rút được bài học kinh nghiệm, biết thận trọng trong từng bước đi, đừng quá vội vàng khuếch trương, hãy cứ “chậm mà chắc” để thương hiệu có thể tồn tại lâu dài. Muốn thành công thì phải tìm ra con đường thích hợp với mình.
Tuy kinh tế đang rất khó khăn, những doanh nghiệp lớn, đã có tiếng tăm cũng không tránh khỏi lao đao, nhưng không phải vì vậy mà người trẻ không còn cơ hội. Hãy mạnh dạn đối mặt với thất bại để có thể vững vàng đi tới thành công trong tương lai.
Nguồn internet
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.