Làm sao biết con bị bệnh?

mgd951
Trẻ ăn ngủ, lên cân bình thường thì thỉnh thoảng nghẹt mũi, sụt sịt cũng không sao. Cần đưa đi bác sĩ khi bé quá nóng hoặc quá lạnh, có dấu xuất huyết dưới da, thóp phồng…Trẻ không biết nói, không biết diễn tả các triệu chứng của bệnh, hoặc nếu có biết thì cũng thường không chính xác. Lúc được khám bệnh, trẻ sợ không dám khai rõ bệnh tình, ngược lại có khi kể lung tung… Nhiều bé mới học được từ “nhức đầu”, “đau bụng” đã đem ra sử dụng liên tục khiến cho mẹ và thầy thuốc hết sức lúng túng.
mgd951
Thân nhân, cô nuôi dạy trẻ, người giúp việc… thường không nắm rõ bệnh sử bé, đôi khikhông trung thực vì quá lo âu hoặc quá lơ đễnh. Do vậy, phải có kinh nghiệm và một vài nguyên tắc để phân biệt trẻ khỏe, đứa mệt và bé bệnh.
 
Trẻ khỏe
Bé vui vẻ, hài lòng, tươi tỉnh, thích nhìn ngắm chung quanh, phá phách, chống cự mạnh mẽ khi không vừa ý. Ăn được (bú mạnh), ngủ được, lên cân đều.
Nếu một trẻ được như trên thì dù đi tiêu chảy ngày 5-7 lượt cũng không sao, dù nghẹt mũi, sụt sịt thường xuyên mẹ chẳng cần lo lắng.
 
Trẻ mệt
Thỉnh thoảng một đôi lúc nào đó trong ngày, ta có thể thấy bé mệt do đói, khát, thiếu tình thương. Lúc đó trẻ thường yên lặng, xụi lơ, không hoạt bát linh động nữa; hoặc ngược lại, khóc lóc, cằn nhằn, khó chịu, bứt rứt không yên… Nếu được âu yếm, cho ăn uống đầy đủ, bé sẽ ngủ say và tỉnh giấc sẽ vui vẻ, hoạt bát như cũ.
 
Trẻ bệnh
Trẻ mệt mỏi, lừ đừ, nằm vùi suốt ngày. Người mẹ dễ nhận biết con có vẻ gì khác thường, bỏ ăn, bỏ chơi, ngậm vú mà không nút hoặc khóc thét lên… Bé cũng có thể bứt rứt, dỗ không nín.
 
Trẻ bị bệnh nặng
Nếu trẻ nằm li bì, gọi không dậy hoặc sốt cao, lơ mơ nói nhảm là bệnh nặng.
Các dấu hiệu bệnh nặng phải đưa đến y tế gấp:
– Quá nóng hoặc quá lạnh.
– Thở khò khè, co kéo cơ lồng ngực.
– Tay chân lạnh, mạch nhanh, tím tái, rịn mồ hôi.
– Mắt lõm, thóp lõm, miệng khô, khát nước.
– Làm kinh (co giật).
– Mỏ ác (thóp) phồng.
– Có dấu xuất huyết dưới da, vết bầm ở da.
– Các tai nạn, thương tích…
Với trẻ sơ sinh (dưới một tháng tuổi) khi thấy các dấu hiệu sau đây là bệnh nặng phải đưa ngay đến bệnh viện:
– Da tím tái hay trắng bệch.
– Bú yếu, bỏ bú.
– Ói mửa.
– Co giật ( làm kinh) hoặc giật mình, chới với.
– Thịt (bắp cơ) nhão hoặc cứng ngắt.
– Thóp phồng căng.
– Khóc thét dỗ không nín.
– Thở nhanh hơn 60 lần/phút.
– Vỗ tay không giật mình, hoặc chỉ giật một bên ( trái hay phải).
 
Cần làm gì khi phải đi khám bác sĩ?
Cần biết trẻ nặng bao nhiêu kg: Nếu đã theo dõi cân nặng hàng tháng hoặc có biểu đồ tăng trưởng thì rất tốt. Trường hợp không biết, nên thỉnh thoảng cân bé để biết hoặc cân lúc khám bệnh, chủng ngừa.
Phải biết cân nặng của trẻ, bác sĩ mới cho thuốc đúng liều lượng, bệnh mới mau khỏi, đồng thời để đánh giá trẻ có lên cân đều không, có phát triển tốt không.
Cần biết rõ bệnh sử: Phải biết rõ bệnh khởi phát vào lúc nào (nhớ rõ ngày giờ càng tốt), triệu chứng gì xảy ra trước. Ví dụ nóng rồi mới ho, đau bụng hay đau bụng rồi mới nóng. Nếu cần, phải biết rõ chi tiết như ho kiểu nào, từng cơn dài hay ho khan, ho có đàm hay khạc có máu; ho ngày hay ho đêm. Tiêu chảy thì tiêu ngày mấy lần, phân loãng hay đàm máu, đi có rặn không, phân màu gì, mùi gì…  Tốt nhất là nên ghi ra giấy cho khỏi quên.
Tất cả những chi tiết đó đều rất cần thiết để chẩn đoán bệnh và điều trị đúng. Do đó, cần hết sức chú ý theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ để hợp tác tốt với thầy thuốc hoặc có các biện pháp xử trí đúng.
Cũng cần biết rõ tiền sử bản thân và gia đình, tiền sử sản khoa. Cần biết cân nặng lúc sinh, các bệnh cũ đã mắc phải từ trước, đã chủng ngừa những loại bệnh nào. Tiền sử rất quan trọng. Bé sinh non, sinh đôi, sinh ngộp, sinh mổ dĩ nhiên là có “vấn đề”. Gia đình có người bị suyễn, lao, dị ứng… bé cũng có thể mắc những bệnh đó.
Cần biết rõ về dinh dưỡng của trẻ. Nhiều thứ bệnh ở trẻ do ăn uống sai lầm mà ra, chỉ cần sửa chữa cho đúng là khỏi bệnh mà thuốc men không cần thiết. Suy dinh dưỡng hay béo phì đều là những vấn đề do sai dinh dưỡng, cần điều chỉnh và mất rất nhiều thời gian. Phải kiên nhẫn. Trong nhi khoa “phải chú ý đến bếp ăn hơn tủ thuốc” là vậy.
 
Lúc thăm khám:
Theo sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc, tùy trường hợp có thể có những cách khám khác nhau, nói chung thường trong nhi khoa
– Dưới 6 tháng: Nên khám nằm.
– Trên 6 tháng: Khám ngồi, đỡ sợ hơn, có thể ngồi trên gối mẹ.
– Trẻ lớn: Có thể đứng hay ngồi, tùy trường hợp, khi cần thiết lắm mới phải khám nằm.
Nên bỏ hết áo, tã, giầy, vớ, chăn mền, khăn lông trùm quấn quanh bé mới khám kỹ được. Nhiều bà mẹ sợ gió, chỉ dám mở hé hé thì không thể quan sát toàn diện được. Tuy nhiên lúc khám cũng không được để trẻ bị lạnh (quạt máy, máy lạnh).
Thường chú ý những dấu hiệu quan trọng trước, rồi mới lần lượt khám toàn diện sau.
Tiêu chảy thì chú ý dấu hiệu mất nước.
Làm kinh cần chú ý dấu hiệu màng não (có mê man không, thóp phồng không).
Sốt xuất huyết, chú ý khám mạch và vùng gan là những dấu hiệu cho biết giai đoạn tiền sốc để can thiệp kịp thời.
Ho nên đếm nhịp thở, nghe phổi…
 
Xét nghiệm
Đôi khi cần làm xét nghiệm để giúp cho việc chẩn đoán. Các xét nghiệm thông thường như thử máu, thử phân, thử nước tiểu, thử nhớt họng, chụp phim X-quang, siêu âm, nội soi… Cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm, không nên tự ý làm, cũng không nên đòi hỏi khi không có chỉ định của bác sĩ. Trái lại khi có chỉ định, thì cần hợp tác với thầy thuốc giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn. Thí dụ trong bệnh sốt xuất huyết, chưa đến lúc cần thử máu mà đòi thử sớm quá sẽ thấy máu bình thường rồi mất cảnh giác, trái lại khi bệnh diễn tiến xấu, có khi phải thử máu nhiều lần (đo Hematocrite) trong ngày…
 
Theo VnExpress

Trả lời