4 tháng tuổi, bé còn nằm trong nôi, chỉ biết mút tay và nhìn mọi người. 6 tháng, bé đã ngồi dựa nhưng còn lắc la lắc lư. Đến 8 tháng, bé đã có thể ngồi vững, biết cầm, nắm các đồ chơi, chơi hàng giờ và chăm chú nhìn theo mọi hoạt động của người lớn xung quanh mình.
Khi 9-10 tháng, bé có thể bò nhanh. Một số bé vịn vào bàn, ghế tự đứng dậy và bắt đầu mon men lần đi. Nhưng bé cũng dễ bị vuột tay, ngã phịch xuống đất, vì thế làm bé sợ. Lúc này, người lớn nên giúp bé bằng cách đứng sau, xốc nách bé để bé giữ được thăng bằng và tập cho bé bước đi. Thông thường, đến thôi nôi, bé có thể đi chập chững có người dắt, hoặc tự đi được 2-3 bước.
Bạn cũng đừng quên rằng, bây giờ em bé của bạn đã biết “đi dạo” loanh quanh trong nhà, và thích khám phá mọi vật mới lạ. Vì vậy, bạn hãy dẹp bất cứ đồ vật nào bấp bênh, tránh để đồ sắc, nhọn ở ngoài. Các ổ điện nên được để xa và có miếng nhựa nút lỗ cắm để tránh bé có thể thò ngón tay nhỏ xíu vào đấy. Một cái cũi hay xe tập đi có thể là một chỗ an toàn khi bạn phải bỏ bé một mình trong chốc lát.
Bé bắt đầu mọc răng nên rất ngứa nướu và thường cho bất cứ thứ gì vào miệng. Vì vậy, bạn nên để ý, bỏ hết những thứ quá nhỏ trong đồ chơi của bé. Thông thường, từ 6 tháng bé mọc 2 răng cửa ở giữa hàm dưới, tiếp theo là 2 răng cửa giữa hàm trên, rồi đến 2 răng cửa bên hàm trên và 2 răng cửa bên hàm dưới. Các răng mọc theo thứ tự nhất định, nhưng thời gian mọc thì không cố định, có bé mới 6 tháng đã mọc 4 răng, nhưng cũng có bé 12 tháng mới có 2 răng, điều đó cũng là bình thường.
Phát triển nhận thức
Nếu đồ chơi rơi xuống đất hay bị người lớn giấu đi, bé biết tìm. Như vậy, trong trí óc của bé đã “ghi” được hình của vật và “nhớ” các hình đó. Thời gian này, bé rất thích được chơi trò trốn – tìm, khi nhận được mặt người thân, bé sẽ cười thích thú và quay đi trốn tiếp. Ngoài ra, bé có biểu hiện sợ khi đến chỗ lạ, hay không cho người lạ bế mình, nhất là khi không có mặt người thân. Đó là dấu hiệu tiến bộ, thể hiện sự khôn lớn, bé phân biệt được cảnh quen, người quen và cảnh lạ, người lạ. Ngay từ lúc 8 tháng, mọi đồ vật tạo ra âm thanh đều có thể là đồ chơi lý thú đối với bé, một chiếc đũa gõ lên bàn, một cái gáo gõ vào xô hay lấy tay đập nước khi tắm.
Đến 12 tháng, bé đã có khái niệm về hình khối, bé có thể chồng các khối gỗ lên nhau một cách chính xác. Khi có nhiều đồ chơi xung quanh, bé biết nhặt các đồ vật nhỏ cho vào hộp lớn. Bé biết chỉ tay đòi những vật mình thích, tuy nhiên, bé cũng rất “mau quên” đồ chơi của mình và thường ném đồ chơi xuống đất, đợi người lớn nhặt cho rồi lại ném tiếp. Không hẳn là bé “cả thèm chóng chán” đâu nhé, đó cũng là cách để bé xem xét sự chuyển động của đồ vật đấy. Đến hôm sau, tất cả những đồ chơi cũ lại vẫn là mới mẻ đối với bé. Vì vậy, không nhất thiết phải mua những đồ chơi mắc tiền. Những con vật hay mô hình bằng vật liệu dẻo, cao su… biết kêu khi bé bóp vào là thích hợp nhất đối với bé.
Bắt chước người lớn
Tạo nền tảng cho sự phát triển về ngôn ngữ: 9-10 tháng, bé phát được âm a, ba, bà… do bắt chước các âm ngữ tự nhiên. 12 tháng, bé có thể nhắc lại những âm theo người lớn dạy và có thể nói được 2 âm: bà ơi, mẹ về… Do vậy, việc bạn cho bé xem những quyển sách có nhiều tranh, ảnh; album gia đình, vừa chỉ vừa nói với bé sẽ rất tốt, giúp bé thu nhận thêm ngôn ngữ bằng lời. Ngoài ra, bé cũng đã phân biệt được lời khen và lời cấm đoán, biết vỗ tay hoan hô hoặc giơ tay vẫy chào tạm biệt.
Biếng ăn
Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà các bà mẹ thường than phiền con mình “lo ra”, không chịu tập trung vào việc ăn, cứ ngọ nguậy hay quay đầu đi khi thấy thìa bột được đưa tới. Vì độ tuổi này bé đang bận khám phá thế giới xung quanh, vận động nhiều hơn, nên bé thường có một giai đoạn biếng ăn sinh lý. Các bà mẹ đừng đè ép bé quá dễ dẫn đến biếng ăn thực sự về sau. Hãy kiên trì biến những bữa ăn thành những cuộc “khám phá” thú vị về màu sắc như: màu đỏ của cà rốt, màu xanh của đậu Hà Lan… Những thức ăn nấu mềm nhón được bằng tay là rất lý tưởng cho bé lúc này đấy.
Lúc này bé sẽ tăng cân ít hơn, khoảng 450g mỗi tháng từ 6-9 tháng và 300g mỗi tháng từ 9-12 tháng, chiều cao tăng trung bình từ 6-9 tháng là 2cm mỗi tháng và từ 9-12 tháng là 1-1,5cm mỗi tháng. Thông thường, khi thôi nôi, bé nặng gấp 3 lần lúc sinh (khoảng 9-10kg) và cao gấp rưỡi lúc sinh (khoảng 75cm). Giai đoạn này, bạn cũng có thể ước tính cân nặng của bé theo công thức: Cân nặng = [(Số tháng + 9)]/2. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng nếu bé của bạn xê xích so với chuẩn vài trăm gram. Cái chính là bạn kiên trì tập cho con ăn đa dạng thực phẩm, tạo một thói quen ăn uống tốt sau này.
Theo Sức Khỏe 360
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.