Dân công sở làm thêm thời khủng hoảng kinh tế

Khủng hoảng kinh tế khiến làm thêm nơi công sở trong giờ hành chính đã trở nên phổ biến đến mức báo động. Người trong cuộc biện minh đó là cách để tăng thu nhập mà quên rằng mình đang vào vai… “kẻ cắp”.
Phần 1: Các cách kinh doanh và làm thêm của dân công sở thời khủng hoảng kinh tế
Thương mại điện tử phát triển trong thời khủng hoảng kinh tế là lí do nhu cầu mua hàng qua mạng, đặc biệt là các loại hàng may mặc thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ gia đình, sim card điện thoại, sách… đang ngày càng được các bà, các chị quan tâm. Có cầu ắt có cung, những địa chỉ bán hàng qua mạng ra đời. Chủ nhân của các “cửa hàng” trên mạng ấy phần lớn lại là các cô giới công chức, nhân viên văn phòng.
 Rằng hay thì thật là hay…
Tốt nghiệp ngành tiếng Anh thương mại, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM đã gần một năm nhưng cô gái gốc Quảng Ngãi Trương Thị Thùy Linh vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Trong thời gian chờ việc, Thùy Linh xin vào làm nhân viên văn phòng của Công ty Phần mềm Sao Việt, trụ sở tại Q.5 với mức lương tập sự 2,5 triệu đồng. Trước đó, Thùy Linh đã là bà chủ nhỏ của trang web bán hàng mỹ phẩm, thời trang Hàn Quốc ăn nên làm ra. Là hàng hiệu được lấy từ nguồn giá rẻ, bán với giá cao nhưng vẫn thấp hơn so với thị trường nên chẳng bao lâu, Thùy Linh đã tích lũy được ít vốn. Chiếc xe máy Piaggio, máy tính bảng, điện thoại Iphone… mà Linh đang sở hữu cũng nhờ công việc này. Không ngại lời ra tiếng vào, Thùy Linh sử dụng điện thoại cơ quan, địa chỉ công ty để giao dịch. Thấy cô gái trẻ năng động, giỏi giang, các anh chị ở cơ quan ai nấy cũng động viên. Khách hàng tuổi mới lớn tìm đến mua ngày một đông. Riết phòng làm việc trở thành phòng trang điểm thử sản phẩm, nhà vệ sinh của cơ quan trở thành phòng thử đồ. Chị bạn của tôi, người làm cùng cơ quan với Thùy Linh nói: “Khi thấy Thùy Linh tự nhiên một cách quá đáng, các chị cùng cơ quan góp ý, chẳng những không nghe mà cô ta còn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi cóc cần làm việc ở đây. Sếp có đuổi thì nghỉ”.
 
Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ làm thêm kiểu này nhưng khá kín đáo, thể hiện sự tôn trọng người sử dụng lao động. Như Diễm Thúy, hiện là kế toán của một trường THPT đóng trên địa bàn Q.Bình Tân, người có hơn hai năm làm thêm nghề bán sim card và vỏ bao điện thoại. Thu nhập từ nghề tay trái chỉ dao động trong khoảng 1,2 đến 2 triệu đồng/ tháng nhưng cũng đủ hỗ trợ Thúy chu toàn lo cho hai đứa con đang đi học. Thúy tâm sự: “Mình làm việc có hợp đồng lao động, được hưởng chế độ, bảo hiểm theo đúng Luật Lao động. Làm thêm một công việc khác để tăng thu nhập trong giờ hành chính đồng nghĩa với việc “ăn cắp” giờ làm. Nếu có ý định làm thêm, tốt hơn hết nên chọn một việc đơn giản, vừa sức, có thể làm vào buổi tối”.
 
Bài học đắt giá
 
Chị Thanh Hằng hiện công tác tại phòng hành chính và nhân sự của một công ty phát hành văn hóa phẩm. Khủng hoảng kinh tế mà lương lại chỉ có ba cọc ba đồng, thời gian nhàn rỗi, nghe người thân mách nước, chị Hằng tập tành làm thêm công việc bán sách. Ban đầu, mỗi sáng đi làm chị chở theo một bao sách phía sau. Dần dà, chị chẳng cần quan tâm đến những lời nói bóng gió của đồng nghiệp, góc làm việc của chị đâu đâu cũng có sách. Cứ một ngày chị mang đến vài cuốn, chẳng lâu sau trở thành một núi… sách. Phòng làm việc chật chội, cộng thêm cái oi bức, chị em trong phòng trách phiền ra mặt. Những ngày đầu được bạn bè mê sách ủng hộ, sách bán đắt như tôm tươi. Sau đó buôn bán ế ẩm, cạnh tranh, chị Hằng chiều khách bằng cách giao hàng tận nơi. Từ đó công việc cơ quan bê trễ, chị đi trễ về sớm nên trong các cuộc họp đều bị cấp trên phê bình.
 Là con gái thường thích may vá thêu thùa, gần đây lại rộ lên phong trào thêu tranh chữ thập không quá khó mà lại kiếm được tiền nhờ bán tranh. Dung – một bà mẹ trẻ đã quá ham mê thêu tranh suốt đêm mà bỏ bê việc chăm con, phó mặc quá nhiều cho bà nội. Hậu quả là cô thường xuyên ngáp ngủ trong giờ làm việc ban ngày mà con cái thì bỏ bê không chăm sóc chu đáo như trước.
 
Là tiếp tân một công ty in ấn và tổ chức sự kiện, cô gái trẻ Quỳnh Anh còn có một nghề khác mà theo cô “nghề phụ nhưng thu nhập chính”  là bán hàng qua mạng. Có mối quen lấy hàng hiệu từ Thái Lan, Quỳnh Anh nhờ người thân thiết kế một trang web bán hàng qua mạng. Ban đầu cô chỉ làm công việc này vào ban đêm, sau lấn luôn sang ngày. Chẳng lâu sau, công ty nơi Quỳnh Anh làm việc lại trở thành địa chỉ giao, nhận hàng khiến không ít lời ra tiếng vào. Chuyện cũng chẳng có gì phải ầm ĩ nếu như Quỳnh Anh tập trung cho công việc của công ty. Đằng này, điện thoại bàn của công ty đặt tại nơi Quỳnh Anh làm việc luôn trong tình trạng bận. Trong một bữa tiệc, một vị khách, cũng là bạn hàng khá thân của giám đốc mách: “Lần nào tôi gọi đến máy cũng bận, có khi cả nửa giờ đồng hồ”. Khi bị mời lên làm việc, Quỳnh Anh thú thật với sếp: “Làm thêm để tăng thu nhập”. Hiểu hoàn cảnh gia đình của cấp dưới, giám đốc tạo điều kiện cho làm thêm nhưng nhiều lần, Quỳnh Anh lại tiếp tục “ăn cắp” giờ làm của công ty để làm việc riêng, ảnh hưởng lớn đến công việc chung. Lời giải thích hợp lý nhưng chẳng hợp tình chút nào của Quỳnh Anh được lặp lại, lãnh đạo cơ quan buộc phải đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
 
Thiết nghĩ làm thêm trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang thì làm thêm là nhu cầu chính đáng của người lao động. Nhưng cũng cần cân bằng giữa việc chính và việc làm thêm, tránh làm ảnh hưởng đến mức đồng nghiệp và sếp phải để ý nhắc nhở thậm chí là đuổi việc bạn.
Nguồn st

Trả lời