Từ xa xưa, con người đã biết những tác động của thời tiết đến sức khỏe. Thai nghén là một tình trạng sinh lý đặc biệt, càng khó tránh khỏi những tác động của môi trường tự nhiên và vì thế một số bệnh dễ phát sinh phải kể đến là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh chuyển hóa (tiểu đường)…
Bệnh cúm: Là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do virut gây ra. Ở điều kiện khí hậu nóng ẩm, bệnh cúm rất dễ lây qua các hạt bụi nước có chứa virut khi người bệnh ho, hắt hơi hay do tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và thường nặng hơn do giảm sút khả năng miễn dịch, vì thế, cúm nguy hiểm hơn với phụ nữ mang thai: tỷ lệ tử vong tăng lên nhiều lần, diễn biến cũng có thể lâu hơn. Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu ôxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch lại yếu đi nên viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều.
Nguy cơ với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non trong những tháng cuối. Ngoài ra, cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh nhẹ ở thai nhi như hở hàm ếch. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị cúm thì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương. Tiêm vaccin phòng cúm khi mùa đông và giữ ấm là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Bệnh tim mạch: Nóng lạnh quá gây tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim một cách đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mỗi khi mùa đông tới thì suy tim tăng cao hơn vào mùa hè tới 50%. Khi trời lạnh thì huyết áp nhích lên cao, có khi từ 12 – 18mmHg. Giảm nhiệt độ cũng làm máu đặc hơn vì các thành phần của máu như tiểu cầu, hồng huyết cầu, fibrinogen, cholesterol tăng lên. Do đó, sự đóng cục của máu dễ xảy ra và tăng nguy cơ nghẽn mạch máu ở tim, não bộ và phổi.
Tăng huyết áp (THA): Huyết áp có thể thay đổi trong ngày, nhất là khi có biến đổi về thời tiết. Nếu huyết áp bằng hoặc trên 140/90mmHg được gọi là THA – có thể đã sẵn có từ trước khi mang thai hoặc do thai nghén gây ra. Bệnh thường gặp và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng, thậm chí cả tử vong cho mẹ và thai nhi. Có tới 15% phụ nữ mang thai bị THA và 25% trường hợp đẻ non là do THA.
Nếu THA nặng kèm với phù và có protein trong nước tiểu thì tạo nên một bệnh cảnh đặc biệt gọi là hội chứng tiền sản giật, biến chứng nguy hiểm nhất của THA và rất nguy hiểm cho thai phụ khi xảy ra sản giật. Cơn co giật có thể diễn ra một lần hay nhiều lần liên tục nếu chưa kiểm soát được huyết áp. Càng co giật nhiều lần thì càng nguy hiểm cho mẹ và con.
Hen: Là bệnh có tiềm năng thường xảy ra nhất khi có thai. Trong thực tế, có khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen, nhất là khi thời tiết đổi lạnh. Lạnh làm co hẹp khí quản, sự lưu thông của không khí bị trở ngại và cơn hen nặng hơn. Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho mẹ hoặc thai.
Những trường hợp hen không được điều trị hiếm khi gây tử vong nhưng cũng có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng như THA, nhiễm độc thai nghén và sinh non. Với thai, những biến chứng có thể gặp khi hen không được điều trị tốt có thể gây chậm phát triển trong tử cung, sinh non; con nhẹ cân…
Tiểu đường thai kỳ: Nguy hiểm cho cả mẹ và con. Khi mang thai, nhau thai sản xuất ra những loại hormon gây khó khăn cho việc vận hành chất insulin trong máu. Tình trạng này gọi là hiện tượng cơ thể kháng insulin. Khoảng 10% đã bị bệnh từ trước khi mang thai và đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ rất cao. Tử vong cho mẹ có thể xảy ra do toan chuyển hóa hay do các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ.
Bệnh hay kèm với THA, bệnh tim mạch, chuyển hóa… và làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành. Các trường hợp không điều trị ổn định thì tần suất thai nhi chết lưu hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.
Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần.
Suy tĩnh mạch (TM) và thuyên tắc TM sâu (còn gọi là viêm TM hay viêm tắc TM): 2 sự cố này đều dễ xảy ra khi có thai, nhất là với tác động của thời tiết. Khi các TM cẳng chân không thể đẩy hết máu trở về tim thì gọi là suy TM. Suy TM do tăng áp lực kéo dài ở bên trong lòng các TM cẳng chân, do huyết khối TM sâu và viêm TM (cả hai bên đều gây tăng áp lực bên trong TM do cản trở dòng chảy của máu đi qua TM). Huyết khối TM xảy ra khi có cục máu trong lòng TM làm cho máu không chảy ra khỏi TM sâu hay các TM kết nối. Dòng máu càng cố vượt qua các TM bị cản trở thì càng làm cho các van quá tải, giãn ra, không còn hoạt động có hiệu quả và góp phần gây suy TM.
BS. Đào Xuân Dũng
Theo tinsuckhoe
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.