Nghệ thuật thuyết phục trong quá trình tìm việc

40

Thuyết phục là một nghệ thuật tinh tế mang lại hiệu quả cao. Điều này đặc biệt hữu ích cho người tìm việc khi sử dụng CV và kỹ năng phỏng vấn để thuyết phục nhà tuyển dụng trong một cuộc cạnh tranh gay gắt với những ứng viên khác.

40

 

Dưới đây là một số mẹo thuyết phục giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng:
Bạn nên tránh những cụm từ chung chung, trừu tượng trong sơ yếu lý lịch. Ví dụ thay vì viết rằng mình là người luôn hướng tới kết quả cuối cùng, hãy giải thích ngắn gọn quá trình bạn đạt tới kết quả đó. Hơn nữa, hãy dùng con số để lượng hóa những thành tích của bạn.

Thể hiện sự yêu mến nhà tuyển dụng

Ai cũng muốn được yêu quý và nhà tuyển dụng cũng vậy. Chris St. Hilaire, tác giả cuốn sách 27 sức mạnh của thuyết phục: Những chiến lược đơn giản để lôi cuốn khán giả và chinh phục đối thủ, nói: “Chỉ cần nghĩ rằng “mình thích những con người này”, bạn sẽ thay đổi cảm nhận về họ theo hướng tích cực hơn. Điều này được thực hiện qua nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt bạn và dần dần mọi người cũng sẽ có cảm tình với bạn”.

Hãy tìm hiểu một chút về nhà tuyển dụng. Nếu gần đây, anh/cô ấy hoặc công ty đạt được một thành tích nào đó, bạn có thể khen ngợi, bày tỏ sự khâm phục với họ. Hãy khiến cho đối phương cảm thấy hài lòng và “phổng mũi” ngay từ khi mở đầu cuộc nói chuyện, bạn sẽ dễ thuyết phục họ hơn.

Bắt chước người phỏng vấn

Hãy chú ý tới cách hành động, nói chuyện của người phỏng vấn và làm theo. Chẳng hạn, nếu anh/cô ấy nói chậm, hãy nói với cùng tốc độ. Kể cả tư thế ngồi cũng tương tự. Những hành động này có thể khiến người phỏng vấn cảm thấy thoải mái, gần gũi với bạn. Nhưng lưu ý di chuyển chậm, tránh để anh/cô ấy cho rằng bạn đang “copy” lại họ.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng mẹo này với sơ yếu lý lịch của mình: sử dụng từ ngữ tương tự trong bản mô tả công việc hay trên website công ty.

Bắt tay chuyên nghiệp

Trong cuốn sách 10 khoảnh khắc xây dựng hoặc phá vỡ sự nghiệp: Điều chỉnh, thương lượng và giao tiếp để thành công, tác giả Casey Hawley cho rằng một cái bắt tay hoàn hảo gồm có bốn yêu cầu: khi bắt tay phần giữa ngón cái và ngón trỏ phải khớp với phần này của đối phương, bạn phải nắm tay chặt, lắc 2 – 3 lần và liên lạc qua ánh mắt. Hãy luyện tập cách bắt tay với bạn bè, người thân thật thành thạo để thể hiện sự chuyên nghiệp và tự tin của mình.

Tạo một vài điểm nhấn ấn tượng trong cuộc phỏng vấn

Khi nói chuyện với người phỏng vấn, hãy tạo điểm nhấn qua một số tuyên bố mạnh mẽ như “Tôi là nhân viên bán hàng xuất sắc nhất công ty trong ba tháng liền vào năm 2010”. Với 3 – 4 lời khẳng định hùng hồn như vậy, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ nhớ tới bạn như một ứng viên đầy tiềm năng.

Biết khi nào nên im lặng

Nhiều nhà tuyển dụng thường yên lặng vài giây sau khi bạn trả lời xong câu hỏi để chắc chắn bạn đã kết thúc. Hoặc khi ứng viên căng thẳng, sự im lặng của người phỏng vấn cho thấy anh/cô ấy không để ý tới chi tiết đó để ứng viên lấy lại sự tự tin. Bạn cũng nên hành động như họ, biết khi nào nên im lặng.

Im lặng sẽ tốt hơn những lời ậm ừ như “Hmmm, à, ummm”. Ngoài ra, St. Hilaire còn khuyên bạn: “Nếu cần suy nghĩ câu trả lời, bạn nên nhìn xuống dưới. Nhìn xuống thể hiện bạn đang cân nhắc, suy nghĩ thật sự, còn nhìn lên khiến bạn trông có vẻ không hiểu câu hỏi”.

Theo Kiem Viec.

Trả lời