Cứ đến bữa là chị dâu tôi lăm lăm cây doi trong tay, còn bé Bông thì nước mắt ngắn nước mắt dài ngồi trước bát cơm đã gần vữa.
Anh chị tôi có hai nhóc, đứa lớn gần 4 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 8 tháng. Vẫn biết nuôi con nhỏ là vất vả đủ đường, nhưng đối với anh chị tôi, chỉ riêng chuyện cho hai đứa con ăn đã là một “cực hình” đúng nghĩa.
Bông – tên bé gái – khi đi học luôn được các cô khen là năng động, thông minh, kể cả ăn uống cũng gọn gàng, không cần phải dỗ dành nhiều như một số bạn khác. Ấy vậy mà không hiểu sao về nhà bé rất lười ăn, nhiều bữa đến nhà chơi, mẹ tôi cũng xót xa khi thấy chị dâu tôi lăm lăm cây roi trong tay, còn bé thì ngồi trước bát cơm đã gần vữa ra, nước mắt ngắn nước mắt dài. Còn cậu nhóc Su 8 tháng tuổi thì tới mỗi bữa ăn, cũng phải huy động cả nhà làm đủ mọi trò mới chịu ăn bột. Mẹ tôi xót cháu, chịu khó để ý quan sát một thời gian thì phát hiện ra nguyên nhân: các món chị tôi làm quá đơn điệu nên lâu dần, bé cảm thấy ngán và không sao ăn được nữa.
Những quan niệm sai lầm
Với Bông, chị tôi áp dụng một chế độ ăn mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy… ngán: chỉ có trứng, thịt heo, và thường chỉ có các món: xương hầm rau củ, thịt heo ram, kho… Nguyên nhân của chế độ ăn này là do cách đây hơn nửa năm, có một lần bé bị nôn dữ dội sau khi ăn và liên tiếp vài ngày không ăn uống được. Mang bé đi khám ở bệnh viện nhi, các bác sĩ khoa tiêu hóa kết luận bé bị viêm đường ruột cấp. Sau đợt điều trị, bé ăn uống bình thường trở lại, nhưng chị dâu tôi vẫn rất lo lắng về đường ruột của cháu nên kiên quyết không cho ăn các món được chế biến theo kiểu lạ mà nhất định chỉ ăn các món nấu thật kỹ. Bé hay bị ho đêm nên chị cũng loại thịt bò, cá và tôm cua ra khỏi danh sách các thực phẩm an toàn bởi cho rằng chúng sẽ khiến bé bị ho nhiều hơn. Các loại kẹo, bánh bông lan, bánh ngọt… chị tôi đều cấm cháu ăn vì sợ có các loại hóa chất làm ảnh hưởng xấu đến đường ruột đã bị tổn thương của bé. Nếu cháu lén ăn bánh, kẹo mà mẹ phát hiện thì sẽ bị phạt đánh đòn rất đau. Lâu dần, Bông trở nên biếng và sợ ăn, đến bữa ôm bát cơm là lập tức tái diễn cảnh mẹ la hét, con nước mắt vòng quanh.
Còn với Su, dù bé đã hơn 8 tháng tuổi nhưng chị tôi vẫn dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn tất cả các loại thức ăn. Chưa kể những hôm bận công việc nhiều, chị thường mua loại bột tổng hợp đóng gói sẵn, về chỉ cần pha với nước nóng là có bột cho con. Khi hầm xương lấy nước nấu bột, chị thường dùng một túi vải nhỏ để lọc sạch tất cả cái (xương, thịt vụn), chỉ để lại nước. Chị bảo, làm thế để bé ăn khỏi bị hóc, rất nguy hiểm vì bé còn nhỏ quá, chưa biết tự bảo vệ hoặc xử lý trong tình huống đó. “Rút kinh nghiệm” từ bé lớn, với Su, chị tôi cũng chỉ cho ăn các loại rau xanh cùng thịt heo, lâu lắm mới đổi bữa với loại thịt khác.
Để trẻ hết biếng ăn, chán ăn
Mẹ tôi xót cháu nên kiên quyết gạt bỏ công việc để tới trông cháu. Với Bông, mẹ tôi dần dần đổi món cho bé, có hôm cả nhà nướng thịt heo rừng thơm phức, bé cứ rối rít chạy xung quanh xem mọi người làm. Nướng xong, mẹ tôi làm sạch kỹ xiên thịt và đưa cho bé. Thật bất ngờ, cô cháu gái đáng yêu của tôi “chén” bay cả một xiên thịt lớn, vẻ mặt rạng rỡ và rất ngon miệng. Bé còn ăn thêm một chén cơm cùng với thịt mà chẳng cần ép buộc hay quát mắng gì cả. Mẹ tôi nói, bé đã quá chán những món chiên, xào, luộc… hàng ngày nên chỉ cần đổi món là bé sẽ ăn ngon miệng trở lại ngay. Tất nhiên, vẫn phải chú ý giữ an toàn vệ sinh thực phẩm thật kỹ lưỡng, vì hệ tiêu hóa của bé không tốt như người lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là bắt bé ăn một thực đơn quá “ảm đạm”.
Mẹ tôi tăng cường sữa chua ăn và sữa chua uống lợi khuẩn cho bé, cho bé ăn thêm nhiều loại trái cây và rau xanh khác. Sau khi kiểm tra chắc chắn bé không dị ứng tôm, cua và bị ho do nguyên nhân khác, mẹ tôi lại cho các loại thực phẩm này vào bữa ăn. Theo dân gian thì khi bị ho không nên ăn cua, tôm, thịt gà… Tuy nhiên, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh những thực phẩm này gây ho cho trẻ. Vì vậy, cần làm đa dạng bữa ăn để trẻ được thay đổi khẩu vị, ăn được nhiều hơn và mau khỏe hơn. Chỉ sau một tuần, bé đã hồng hào, khỏe mạnh lên trông thấy và tăng cân vùn vụt. Quan trọng nhất là tinh thần của bé cũng phấn chấn hơn vì không còn cảnh bị ép ăn những món mình không thích.
Còn với Su, mẹ tôi tự tay nấu bột mặn cho bé theo tư vấn của các bác sỹ: tất cả các thực phẩm dùng trong bữa của bé phải được băm nhỏ, ăn cả xác (tập cho bé ăn lợn cợn càng sớm càng tốt, không dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn thức ăn). Các chất dinh dưỡng không thể tan vào các loại nước hầm xương, nước hầm thịt cá… như nhiều người vẫn nghĩ. Mẹ tôi còn chịu khó mua cua, tôm, lươn… về chế biến, và chịu khó gỡ thịt ở xương hầm nhừ và dằm thật nhỏ, cùng các loại rau củ băm nhỏ khác. Rất nhanh, Su đã không còn chán và sợ bột như trước nữa.
Khi chăm con, chúng ta dễ bị chi phối bởi các nỗi lo về sức khỏe của bé một cách thái quá, chính điều này sẽ dẫn đến những quan niệm và cách làm không đúng, có ảnh hưởng xấu tới con yêu. Đừng để mình trở thành một bà mẹ “thiếu hiểu biết” và các bé phải sợ hãi khi đến giờ ăn, các mẹ nhé!
Nguồn st
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.