Việc chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh

nhung-viec-nen-lam-truoc-khi-co-thai
1. Loại bỏ thuốc tránh thai
Trước khi quyết định có bầu, các mẹ nên cân nhắc về các loại thuốc mà hai vợ chồng đang sử dụng. Và tốt nhất là nên dừng sử dụng nếu như không thật sự quan trọng trong thời điểm này. Với thuốc tránh thai, bạn nên bỏ ít nhất 3 tháng trước khi quyết định có bầu.
Việc ngừng sử dụng thuốc tránh thai sẽ giúp chị em phụ nữ theo dõi được tốt hơn chu kỳ kinh nguyệt của mình diễn ra như thế nào? Qua đó sẽ giúp các mẹ xác định được thời điểm trứng rụng cũng như thời điểm có khả năng thụ thai tốt nhất.
nhung-viec-nen-lam-truoc-khi-co-thai
2. Cai thuốc lá và rượu
Việc uống rượu và hút thuốc lá sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của các cặp vợ chồng. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến chất lượng trứng ở người vợ và số lượng tinh trùng ở người chồng.
Những phụ nữ hút thuốc lá trước và trong thời gian mang thai thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sẩy thai,hoặc sinh non rất lớn. Ước tính có đến 13% các tai biến sản khoa có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
Trong thực tế, cho thấy rằng ngay cả những phụ nữ thường xuyên ngửi khói thuốc lá cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro thai sản hơn so với những người không phải tiếp xúc với khói thuốc.
Có nhiều ông bố, bà mẹ đã từng lên kế hoạch cai rượu hay thuốc lá nhưng không thành công thì việc mong chờ đứa con thân yêu ra đời chính là động lực to lớn để họ từ bỏ thói quen xấu này.
3. Hạn chế sử dụng chất caffeine
Nhiều chị em phụ nữ có thói quen uống cà phê trong ngày làm việc. Thậm chí có nhiều mẹ sẽ thấy khó khăn để hoàn thành đống công việc bộn bề mà không có một tách cà phê sáng.
Các bác sĩ khuyến cáo về hàm lượng caffeine để sử dụng an toàn là khoảng 100 mg/ngày. Bên cạnh đó cũng có những khuyến nghị về việc các mẹ bầu nên bỏ dùng cà phê khi đang mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần xem lại các loại đồ uống có chứa caffeine như soda, trà và cả một số loại thuốc giảm đau. Trước khi sử dụng các loại trên, mẹ bầu nên đọc kỹ hàm lượng trên bao bì. Một ly trà có thể có từ 30 đến 60 mg caffeine, hai viên thuốc Excedrin có tới 130 mg caffeine .
4. Chỉ số cân nặng
Trước khi quyết định có con, các cặp vợ chồng nên theo dõi chỉ số cân nặng của cả hai.Nếu như người vợ/chồng đang quá béo hoặc quá gầy thì cả hai nên luyện tập để giữ cho cơ thể được cân đối. Chỉ số khối cơ thể (BMI) phù hợp nằm trong khoảng giữa 19 và 24.
Một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai sẽ giúp các ông bố nâng cao được chất lượng tinh trùng. Còn mẹ bầu sẽ có một thai kỳ an toàn, ít phải đối mặt với những  biến chứng và rủi ro.
Cả hai vợ chồng nên tạo cho nhau thói quen tập thể dục hàng ngày. Đơn giản chỉ là việc 1 tuần đi bộ vài buổi hoặc đăng ký tham gia một khóa học rèn luyện sức khỏe. Và các mẹ cũng nên duy trì tập thể dục sau khi đã có bầu rồi nhé!
5. Đi xem phim
Nếu các mẹ là những người rất háo hức để đón chờ những bộ phim mới ngoài rạp thì đừng bỏ lỡ khoảng thời gian trước khi mang bầu để thực hiện thú vui yêu thích này.
Khi đã trở thành một mẹ bầu, việc phải ngồi yên một chỗ trong vài giờ đồng hồ quả thật sẽ rất khó chịu. Những phiền toái như liên tục chạy vào nhà vệ sinh hoặc ngủ gật lúc nào không biết trong khi bộ phim vẫn đang rất hấp dẫn sẽ khiến các mẹ thấy chán nản.
6. Chuẩn bị tài chính
Đây là một sự chuẩn bị vô cùng cần thiết với các cặp vợ chồng đang có ý định có con trong tương lai gần.
Việc có một khoản tiền tiết kiệm dành cho mục đích sinh con sẽ giúp người phụ nữ cảm thấy an tâm trong thời gian nghỉ sinh và chăm sóc em bé ở nhà.
Mặc dù nhiều gia đình đã tính toán kĩ lưỡng nhưng trên thực tế việc chi tiêu cho em bé vẫn tốn kém hơn dự tính rất nhiều. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay một kế hoạch tài chính cho tương lai chào đón thành viên mới càng cụ thể và chi tiết càng tốt.
7. Bổ sung dinh dưỡng
Bất kỳ người phụ nữ nào đang nghĩ về chuyện mang thai thì từ 3 đến 6 tháng trước khi có bầu nên bổ sung vitamin hàng ngày. Viatamin quan trọng để bổ sung là axit  folic với hàm lượng 400mcg/ngày.
Thai nhi được nhận đủ vitamin nhóm B này trước và sớm trong thai kỳ có thể giảm các khuyết tật bẩm sinh ở não và cột sống lên đến 70%.
Ngoài việc cung cấp các loại vitamin tổng hợp, mẹ bầu còn cần bổ sung nguyên tố sắt để ngăn ngừa bệnh thiếu máu, canxi hỗ trợ cho hệ răng và xương.
8. Ngủ đủ giấc
Khi mang thai, mẹ bầu thường trằn trọc mất ngủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra như những cơn đau hông liên tục kéo đến, phải dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu hay ợ nóng…
Nhưng thời điểm này các mẹ vẫn chưa phải là một bà bầu đâu nhé! Hãy ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe ổn định. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ ngủ quá ít 8 giờ/ngày thường có bị rối loạn kinh nguyệt nhiều hơn những người ngủ đủ giấc.
9. Vứt bỏ những căng thẳng
Tâm lý căng thẳng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của các cặp vợ chồng. Chu kỳ rụng trứng của người phụ nữ bị thay đổi phần nhiều do các rối loạn tâm sinh lý.
Các chị em cần nên thả lỏng cơ thể và cân nhắc hướng giải quyết hạn chế thấp nhất những tiêu cực. Đâu phải chuyện gì cũng là hoàn hảo!
Các chuyên gia tâm lý cho rằng không có toa thuốc nào để con người ta hết stress nhưng các mẹ có thể áp dụng những liệu pháp đơn giản có thể giúp bạn cảm thấy lạc quan và ít lo lắng như:
–   Dành 15 phút trước khi đi ngủ để suy nghĩ về mọi chuyện đã xảy ra trong ngày hôm nay.
–    Đọc một vài trang sách trước khi ngủ.
–    Viết nhật ký thường xuyên
10. Chụp ảnh
Lần cuối hai vợ chồng bạn chụp ảnh cùng nhau là khi nào? Đây là thời điểm vô cùng thích hợp để bố và mẹ chụp những bức ảnh cùng nhau trước khi em bé chào đời. Các mẹ có thể chụp bất kì thứ gì mình thích: những nơi hai người thường lui tới, căn nhà ấm áp của cả hai, những món đồ yêu thích…
Những bức hình này sẽ trở thành những trang nhật ký ảnh sống động dành cho cả gia đình. Sẽ rất thú vị khi người mẹ đưa cho con những cuốn album để bé biết về cuộc sống của cha mẹ trước khi bé ra đời.
11. Thưởng thức nhiều món ăn khác nhau
Các mẹ hãy trổ tài để đa dạng hóa các món ăn trong gia đình vào giai đoạn này. Khi mang thai việc ăn uống của các mẹ sẽ trở nên khó khăn hơn và không được ăn uống thoải mái như lúc son rỗi này đâu.
Nếu có điều kiện, đừng ngại ngần khi hai vợ chồng cùng hẹn hò đi ăn nhà hàng vào một buổi tối cuối tuần lãng mạn.
12. Sắp xếp lại nơi ở
Có một không gian ở thoáng đãng, vị trí tiện lợi cho sinh hoạt gia đình khiến người phụ nữ thấy an tâm khi chuẩn bị mang thai. Và tốt nhất là cố định nơi ở trong suốt thời gian trước và sau khi sinh nở.
Mặt khác, hai vợ chồng bạn cũng nên sắp xếp lại không gian trong căn nhà để dành những khu vực đặt đồ của em bé một cách hợp lý. Việc để một căn phòng riêng cho trẻ trong thời gian đầu chưa thực sự cần thiết vì trẻ sơ sinh nên nằm cùng bố mẹ.
13. Sắp xếp công việc đang làm
Trước khi có ý định mang bầu, các mẹ nên cân nhắc về công việc hiện tại mình đang làm. Cụ thể là hãy đặt những câu hỏi như: Nó có phù hợp với một mẹ bầu hay không? Nếu như phải nghỉ làm để chăm con ốm thì sếp có cằn nhằn không? …
Và điều quan trọng là các mẹ nên làm việc ở một nơi nào đó cố định ít nhất từ 12 tháng trở lên để được hưởng những quyền lợi về bảo hiểm thai sản.
14. Xin kinh nghiệm mang thai từ người thân
Bà ngoại, mẹ, các cô, dì sẽ là những người chỉ dẫn tận tâm vì họ là những người đi trước đã có kinh nghiệm trong việc sinh nở và chăm sóc em bé. Hãy hỏi họ về sức khỏe thai kỳ của những phụ nữ trong gia đình nội, ngoại vì yếu tố di truyền.
Hãy cung cấp cho bác sĩ những thông tin có liên quan đến tiền sử di truyền của gia đình nếu bạn nhận thấy có những trường hợp mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như: chất lượng trứng kém, tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung hoặc u nang buồng trứng
15. Khám sức khỏe định kỳ
Ít nhất 3 tháng trước khi có ý định mang thai, các cặp vợ chồng nên đi khám sức khỏe định kỳ. Việc theo dõi và làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tim mạch như huyết áp cao và cholesterol, bệnh tiểu đường, hen suyễn, hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
Thông thường nam giới lười đi khám bệnh hơn nhưng việc theo dõi sức khỏe trước khi mang thai sẽ giúp bác sĩ phát hiện những căn bệnh mãn tính, các loại thuốc đang dùng có ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng hoặc những trở ngại cho sức khỏe của thai nhi sau này.
Các chị em phụ nữ nên tiêm chủng một số bệnh như: cúm, thủy đậu, rubbela.. 3 tháng trước khi có bầu.
16. Đi khám nha sĩ
Khi nghe qua, nhiều phụ nữ cho rằng sức khỏe răng miệng đâu liên quan đến khả năng sinh sản. Nhưng trên thực tế đã chứng minh, việc chăm sóc răng miệng tốt trước và trong thời gian mang thai sẽ giúp các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.
Việc đánh răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa và đi khám răng đều đặn có thể giảm nguy cơ sẩy thai lên đến 70%. Ngược lại những mẹ bầu bị các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu nhưng không được theo dõi để điều trị dễ bị sẩy thai, sinh non, và tiền sản giật.
17. Đi nghỉ cùng bạn bè
Ngoài việc đi du lịch với ông xã tới những nơi mà bạn ao ước thì việc chia sẻ kỳ nghỉ với những người bạn gái thân cũng là lựa chọn tuyệt vời trước khi bạn trở thành một bà mẹ thực sự.
18. Tránh tiếp xúc với hóa chất
Lâu nay, các mẹ vẫn thường chọn những màu nhuộm thời trang để làm đẹp cho mái tóc của mình hay trang trí móng tay với những màu sơn nổi bật. Khi có ý định mang thai, tốt hơn hết hãy ngưng việc tiếp xúc với các hóa chất để làm đẹp.
Mặc dù, chưa có những nghiên cứu khoa học chứng minh được việc nhuộm tóc có ảnh hưởng đến thai nhi nhưng các chuyên gia đều khuyên phụ nữ nên giảm thiểu việc tiếp xúc với các hóa chất, đặc biệt là trong ba tháng đầu mang thai.
19. Hạn chế sắm quần áo mới
Những bộ váy bó sát và quần jean skinny sẽ không còn được sử dụng khi các mẹ có bầu. Vậy tại sao chúng ta lại phải tốn kém một khoản chi tiêu cho những thứ chúng ta sẽ không sử dụng được?
Khi bước sang tháng thứ 5, thứ 6 của thai kỳ, các mẹ sẽ thấy sự thay đổi kích thước cơ thể một cách nhanh chóng. Lúc này, các mẹ có thể sắm sửa quần áo, giầy dép phù hợp với từng giai đoạn mang bầu.
20. Cùng nhau thảo luận về việc chăm sóc con cái
Việc chia sẻ cùng chồng về các chủ đề chăm sóc, nuôi dạy con cái rất cần thiết trước khi vợ chồng bạn quyết định có thêm thành viên mới trong gia đình. Hãy chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ, mong muốn và cả những lo lắng mà người phụ nữ sẽ đối diện trong suốt 9 tháng mang bầu.
Những sắp xếp và thống nhất về việc chăm sóc em bé khi chào đời và cách nuôi dạy con trong những năm tháng đầu đời có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Nguồn st

Trả lời