Con tôi đang học lớp 1. Cháu rất hay dỗi và cáu giận, làm việc gì cũng không tập trung, từ ăn cơm hay học, đến đánh răng sáng và tối.
Tôi đã nhẹ nhàng khuyên bảo cháu nhưng không bao giờ cháu làm ngay, mà nếu có làm thì trong trạng thái tức giận, bẻ tay, bẻ chân. Nhiều lúc bực quá tôi cũng hay đánh cháu.
Tôi muốn chuyên gia tư vấn về cách giáo dục con như thế nào cho đúng, để con tôi ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác. Tôi xin cảm ơn -(Nguyen Thu Hien)
Về vấn đề của bé nhà chị, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và mục đích của những hành vi xấu ở con trẻ trước. Có những nguyên nhân thuộc về mặt sinh học tự nhiên ví dụ như sự khác nhau giữa đặc điểm của cha mẹ và con cái trên các mặt như:
– Mức độ hoạt động
– Khoảng chú ý
– Tính dễ nổi cáu
– Thói quen nề nếp
– Khả năng diễn đạt về ngôn ngữ
– Sự phối hợp trong hoạt động
Sự khác biệt giữa con trẻ và cha mẹ trên các mặt này có thể khiến cha mẹ có những kỳ vọng quá cao so với mức độ thực hiện của con. Chẳng hạn như cha mẹ thường có mức độ hoạt động ở nhà thấp, mức độ chú ý tập trung và thói quen nề nếp cao sẽ kỳ vọng con mình phải giữ im lặng, ít hoạt động, phải sinh hoạt ngăn nắp, theo thời gian biểu và phải biết thưa gửi khi cần.
Tuy nhiên con bạn có mức hoạt động quá cao, mức độ chú ý kém nên thường không chú ý hoặc không nhớ hết lời dặn dò của cha mẹ. Cháu lại không có thói quen nề nếp và khả năng phối hợp vận động chưa nhuần nhuyễn nên thường lóng ngóng làm hỏng việc. Sự khác biệt trong kỳ vọng giữa cha mẹ và con cái làm cho cả 2 bên đều cảm thấy khó chịu và ít chịu nhượng bộ nhau. Việc mẹ đánh con càng làm cho thái độ của trẻ trở nên chống đối và không có mong muốn làm theo lời mẹ.
Cũng có những nguyên nhân khiến hành vi sai của con cái được củng cố. Thường là trẻ ứng xử sai để có được điều cháu muốn (như ăn vạ để được mua đồ ăn hoặc đồ chơi mới) hoặc thoát khỏi những nhiệm vụ mệt mỏi, buồn chán (như không dọn đồ chơi thì cuối cùng mẹ sẽ dọn hộ, hoặc không đánh răng thì cuối cùng mẹ phải vào đánh răng hộ, nếu không chịu làm bài tập thì có thể sẽ không phải làm nữa…).
Thứ nữa, nếu quan hệ giữa bạn và con trở nên tiêu cực, trẻ cũng muốn “trả đũa” lại bạn bằng cách cố gắng tác động đến cảm xúc của bạn. Khi cha mẹ cảm thấy tức điên lên vì con thì đứa con sẽ cảm thấy rất khoái chí vì thấy mình có sức mạnh ảnh hưởng đến được cả bố, mẹ.
Và một nguyên nhân thường thấy nữa là khi đứa trẻ có hành vi đúng, thường bố mẹ không chú ý quan tâm hoặc khen thưởng cháu kịp thời. Ví dụ như đã có một buổi sáng cháu thức dậy sớm hơn và vào trong nhà tắm đánh răng nhưng bố mẹ cho rằng đó là việc cháu nên làm nên đã không củng cố hành vi này. Điều này làm cho trẻ từ bỏ cố gắng muốn thực hiện những hành vi tốt.
Các bước để bạn giúp con có những hành vi ngoan trở lại gồm:
+ Bước 1: Cải thiện lại mối quan hệ mẹ con bằng cách tập trung chú ý đến trẻ trong những hoạt động chung (vì khi quan hệ mẹ con tốt hơn, trẻ sẽ cảm thấy sẵn sàng làm tốt công việc cho mẹ).
+ Bước 2: Đưa ra một hệ thống các luật lệ trong gia đình một cách rõ ràng như (a) chơi thân thiện với em; (b) ngồi vào bàn học lúc 7 giờ tối; (c) sẵn sàng để đến trường lúc 7 giờ sáng; (d) thực hiện yêu cầu của mẹ trong vòng 5 giây…
+ Bước 3: Xây dựng một hệ thống điểm thưởng tương ứng với những hành động đã được nêu trên cũng như các phần thưởng mà cha mẹ có thể đáp ứng được trong từng ngày, từng tuần hoặc từng tháng.
+ Bước 4: Thay thế những hình phạt như đánh mắng bằng việc tước bỏ quyền lợi như xem TV, chơi ipad…
Mục tiêu của chiến lược trên là giúp cha mẹ và trẻ chú ý tăng cường hành vi tích cực để hành vi xấu tự động giảm. Giúp cha mẹ có hướng xử lý nhất quán và không bị mất bình tĩnh trong những tình huống con trẻ cố gắng muốn ảnh hưởng đến cảm xúc của họ.
Nguồn st
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.