Cha mẹ không cần tránh hoàn toàn cơn giận dữ ở bé bởi đó là sự phát triển tự nhiên trong cảm xúc của bé. Tuy nhiên để ít phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực này, bạn cần dạy cho con cách kiểm soát hành vi.
Patricia Prince – nhà tâm lý trẻ em của Trường Đại học Boston (Mỹ) cho biết: “Trên thực tế, có tới 60-80% các bé 2-3 tuổi có ít nhất một cơn giận hàng tuần và khoảng 20% số bé ở độ tuổi này hờn giận hàng ngày. Hành vi này còn có thể kéo dài đến 4 tuổi ở một số bé”.
Việc bé nổi giận xảy ra liên tục như vậy thì cha mẹ phải tìm cách nào để đối phó? Nhà tâm lý Patricia Prince khuyên cha mẹ không cần tránh hoàn toàn cơn giận dữ ở bé bởi đó là sự phát triển tự nhiên trong cảm xúc của bé. Tuy nhiên để ít phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực này, bạn cần dạy cho con cách kiểm soát hành vi.
Dưới đây là 3 gợi ý giúp bé lấy lại bình tĩnh nhanh nhất:
1. Chiến thuật làm bé mất tập trung
Đây là một trong những cách hiệu quả nhất bởi theo Patricia Prince thì trẻ con quên rất nhanh, vì vậy khi bé nổi giận, cha mẹ hãy nhanh trí tìm ra thứ gì đó xung quanh có thể gây được sự chú ý của bé là con sẽ quên ngay việc mình đang tức giận.
Nếu bạn và bé đang ở ngoài đường thì có rất nhiều thứ có thể khiến bé phân tâm, nhưng nếu đang ở nhà thì cách làm bé ngay lập tức bình tĩnh là mẹ hãy cùng ngồi xuống, chỉ cho bé hình ảnh thú vị trong sách hay trên tivi…
“Các bé rất dễ bị phân tán tư tưởng bởi những thứ xung quanh và cũng nhanh chóng quên đi nguyên nhân tức giận vừa xảy tới. Đây là cách dễ dàng mà hiệu quả để làm bé hết cáu giận”, Patricia Prince cho biết.
2. Chiến thuật rèn luyện: hãy để bé ở lại một mình
Đây là cách mà bố mẹ có thể áp dụng khi bé nổi giận một cách vô lý như bé làm gì đó không được phép nhưng lại nổi đóa lên. Cha mẹ hãy nói với con bằng giọng nói nghiêm nghị rằng bạn không đồng ý với việc làm đó của bé, và nếu con còn tức giận và khóc lóc thì cha mẹ sẽ để con lại một mình trong phòng. Ban đầu, bạn có thể nói với con rằng: “Mẹ đi ra ngoài và sau 10 phút nữa sẽ quay trở lại, nếu con còn khóc thì mẹ sẽ cho con ở một mình trong phòng cho tới khi nào hết khóc thì thôi”.
Patricia Prince khuyên cha mẹ nên làm đúng như những gì mình đã nói ra để trẻ biết sợ, nếu không những lời dọa nạt lần sau sẽ vô hiệu với bé. Hãy để bé một mình cho dù bé đang gào khóc. Khi bé muốn lại gần mẹ hoặc làm gì đó thì bạn nên nhấn mạnh rằng, bé phải hết gào khóc thì mới được tiếp tục chơi cùng mẹ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt bé vào “góc phạt” – một chỗ nào đó trong nhà, không nhất thiết là xó tường, nơi bé chỉ được phép bước ra khi nào đã hết khóc.
3. Và cuối cùng là cha mẹ hãy hiểu con
Đôi khi việc bé tức giận xảy ra lúc trẻ bị mệt hoặc đói. Với nhiều bé, ngủ không đủ khiến bé trở nên bẳn tính. Bởi thế, giấc ngủ trưa là rất quan trọng với bé trong độ tuổi chập chững biết đi tới tuổi mẫu giáo vì nó làm tinh thần bé dịu lại, bớt nổi cáu.
Ngoài ra, cha mẹ hãy chú ý đến lịch ăn hàng ngày của bé, bởi khi bị đói bụng bé cũng rất hay nổi cáu. Những bé ở độ tuổi chập chững biết đi chưa nói được nhiều nên không thể diễn tả cảm xúc của mình, bé chỉ biết thể hiện sự khó chịu bằng cách cáu giận để được mọi người chú ý.
Nhà tâm lý Patricia Prince khuyên các mẹ nên chú ý: “Nếu bé có nhiều hơn 3 cơn khóc lóc giận dữ mỗi ngày hoặc nếu cơn giận ở bé kéo dài hơn 15 phút thì bạn có thể kiểm tra những yếu tố khác như lịch ăn, ngủ của bé. Còn nếu bạn không chắc nguyên nhân tính khí thất thường của bé là gì, bạn có thể hỏi bác sĩ tâm lý trẻ em”.
Theo ttvn
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.