9 điều không nên nói trong cuộc phỏng vấn

56

Hỏi những câu hỏi bạn đã biết rõ câu trả lời; sử dụng tiếng lóng; nói xấu công
ty cũ… đó là những điều bạn không nên nói trong một cuộc phỏng vấn xin việc.

56

 

1. Công ty của ông/bà làm gì?

Hãy hỏi những câu hỏi thể hiện sự hiểu biết của bạn và sự háo hức muốn làm việc cho công ty. Đừng hỏi những câu hỏi bạn đã biết rõ câu trả lời hoặc dễ dàng tìm thấy trên trang web của công ty.

2. Yêu cầu mức lương linh động

Lương bổng luôn là một vấn đề nhạy cảm trong một cuộc phỏng vấn. Tất nhiên bạn rất muốn biết mình được trả bao nhiêu, công ty cũng muốn biết họ nên trả cho bạn bao nhiêu cho phù hợp với khả năng của bạn. Đây là một cuộc thương lượng, không phải trò đùa. Khi buộc phải trả lời, ít nhất bạn nên đưa ra một mức nào đấy thoả đáng. Ví dụ, “Tôi muốn mức lương của mình từ 1.000-1500 USD”. Đừng bao giờ đánh giá bản thân quá thấp. Cũng đừng quá tự tin về bản thân. Tốt nhất, bạn nên tìm hiểu trước khi đưa ra yêu cầu mức lương cho mình.

3. Sử dụng tiếng lóng

Đây có thể là cách bạn nói chuyện với bạn bè hay có thể là thói quen của bạn, nhưng không phải là điều bạn nên nói trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Bạn có thể thể hiện khả năng ăn nói lưu loát, thông minh và tự tin, tuy nhiên không nên theo cách này.

4. “Bill Gates đề nghị trả cho tôi 100.000 USD tiền thưởng”

Đừng nói dối. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi bị phát hiện. Một lúc nào đó, một người đó sẽ phát hiện ra bạn nói dối, chắc chắn bạn không thể nói dối mãi. Tất nhiên, nhà tuyển dụng biết bạn có thể nói hơi quá về bản thân, nhưng những lời nói dối trắng trợn và quá xa thực tế là không nên.

5. “Năm năm tới, tôi nghĩ mình đang đi nghỉ tại Vịnh Caribe”

Khi nhà phỏng vấn hỏi bạn về mục tiêu 5 năm tới, bạn nên trả lời liên quan đến công ty. Hãy nói cho họ biết mong muốn được gắn bó với công ty, và đóng góp công sức cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công ty. Bạn có thể nói dối. Ai mà biết được bạn sẽ làm việc cho một công ty trong vòng 5 năm, đúng không?

6. “Xin lỗi, tôi không biết làm việc này như thế nào”

Điều này có nghĩa là bạn thú nhận mình không có kỹ năng trong lĩnh vực này. Thay vì đó, hãy nhấn mạnh bạn học tập nhanh như thế nào, khả năng tiếp thu những kỹ năng mới của bạn. Hầu hết các công ty đều muốn tuyển dụng những người lạc quan, thông minh, nhanh nhẹn và mong muốn học tập những cái mới hơn là những người đã có kỹ năng và không háo hức học những kỹ năng mới.

7. “Tôi đã trải qua một cuộc ly dị vô cùng đau đớn…”

Thậm chí khi nhà tuyển dụng bắt đầu đề cập đến những vấn đề cá nhân, bạn cũng không nên nói theo cách này. Bạn có thể cố gắng thể hiện bạn là người cởi mở và trung thực, tuy nhiên đừng bao giờ tỏ ra không chuyên nghiệp, không tập trung và không tôn trọng. Hãy thể hiện bạn lịch sự và chuyên nghiệp.

8. “Công ty có thể làm được gì cho tôi?”

Các nhà tuyển dụng cực kỳ ghét tính cách ngạo mạn và ích kỷ. Họ chỉ muốn biết lý do họ muốn thuê bạn. Hãy nhấn mạnh những đóng góp của bạn cho công ty, bạn nỗ lực như thế nào cho sự phát triển của công ty. Đừng bao giờ đề cập ngay đến vấn đề lương lậu, thăng chức, chế độ thưởng. Bạn nên nhớ, bạn là người đi phỏng vấn, bạn nên tận dụng cơ hội trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng, cho họ thấy bạn muốn làm việc cho họ. Không nên tỏ ra bạn là một ứng cử viên tuyệt vời và công ty phải thuê bạn.

9. “Tôi chuyển việc vì sếp cũ của tôi là một tên ngốc”

Nói xấu công ty cũ cũng là một điều tối kỵ trong một cuộc phỏng vấn. Dù rằng công ty cũ của bạn rất lộn xộn, sếp cực kì khó chịu, đồng nghiệp thì thật kinh hoàng, đồng lương ít ỏi, bạn cũng không nên nói ra. Thay vào đó, hãy nên nói lên mong muốn được thử thách, tìm kiếm cơ hội lớn hơn. Chắc chắn, các nhà tuyển dụng sẽ rất thích những câu trả lời như vậy.

VŨ TRANG (Theo MSN)

Trả lời