Nhiều người bỏ tiền cứ nghĩ đầu tư là phải mua chứng khoán, vàng, kinh doanh bất động sản, nhưng còn phân khúc thị trường khác ít người biết, mà thuật ngữ chuyên môn trong tiếng Anh gọi là “đầu tư say mê” (passion investment).
Đó là việc nhà đầu tư (NĐT) sưu tập, cất trữ rồi bán lại hàng “độc” như rượu vang cao cấp, tác phẩm mỹ thuật (TPMT) hay đồng hồ hàng hiệu. Theo khảo sát mới đây với các chuyên gia tư vấn tài chính, hãng tư vấn Knight Frank cho biết thị trường này đã tăng trưởng 7% trong năm ngoái. Rachel Pownall, PGS. Đại học Tilburg – tác giả của khảo sát này – cho biết lý do đầu tư say mê cũng dễ hiểu vì nó không quá biến động như chứng khoán và giá trị cũng tương đối bền vững.
Trong năm ngoái, rượu vang là khoản mục đầu tư say mê đáng kể nhất tại Singapore, Hồng Công và Trung Quốc.
Theo Geroge Wong, chuyên gia rượu vang người Singapore, rượu được ưa chuộng vì nó độc lập với thị trường tài chính, cơ động, dễ mang đi và nhất là không bị đánh thuế. Thí dụ, rượu vang Bordeaux Pháp Grand Cru Classe có thể tạo tỷ suất lợi nhuận 12-15%/năm.
Nhưng NĐT nên mua rượu vang ngay từ trong thùng trước khi đóng chai và việc thanh toán được thực hiện trong vòng 1 năm hay 18 tháng, sau khi trên chai rượu công bố mùa nho chính thức. Tuy nhiên, biết được loại rượu nào cần đầu tư lại không dễ dàng, bởi lẽ trên thực tế một số loại rượu mất giá trị cùng với thời gian. Cũng theo ông Wong, trên thế giới, không quá 1% rượu vang được xem là đầu tư hiệu quả.
TPMT cũng được NĐT ở Singapore quan tâm và nhiều người hiểu sai là đây chỉ là phân khúc đầu tư của người giàu. Theo ông Saaed Shah, giám đốc điều hành tập đoàn môi giới đầu tư nghệ thuật Art Futures Group (AFG), ai có khoảng 20.000 đô-la Singapore (tương đương 340 triệu VNĐ) trở lên đều có thể xem xét khả năng đầu tư vào thị trường này.
Ông Shah tiết lộ một NĐT người Singapore đã trở thành khách hàng của AFG với số tiền nói trên thay vì bỏ tiền nhàn rỗi của mình vào ngân hàng. Với số tiền này, NĐT sở hữu TPMT cùng với giấy tờ pháp lý liên quan.
Nhờ giá trị không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giảm của các thị trường tài chính, TPMT giúp NĐT an tâm trong việc đa dạng hóa các khoản mục đầu tư.
Theo ông Daniel Komala, Tổng giám đốc Hãng đấu giá Larasati Auctioneers, những TPMT tốt sẽ vượt qua thử thách của thời gian so với các loại hình tài sản khác. Ngoài ra, có thể vận chuyển chúng khắp thế giới để bán cho thị trường nào đạt hiệu ứng đầu tư tốt nhất. Rủi ro liên quan đến đầu tư TPMT cũng tương đối thấp, với điều kiện các bức tranh được bảo quản cẩn thận và cũng chẳng chịu thuế.
Tuy nhiên, ông Komala cảnh báo phải có cái nhìn trung và dài hạn vì NĐT phải nắm giữ TPMT trong thời gian ít nhất 5 năm trước khi bán lấy lời. Theo ông Shah, thị trường tranh đương đại Trung Quốc đang vượt trội so với các hình thức đầu tư say mê khác bởi đã có hơn 500.000 NĐT từ Trung Hoa lục địa tham gia.
Sau TPMT, đồng hồ cũng là một sản phẩm được NĐT lựa chọn dù hiệu quả không cao. Theo Knight Frank, trong vòng 10 năm giá trị đầu tư của đồng hồ chỉ tăng 76%. Trong khi đó, nếu sưu tập đồng tiền kẽm (coin), có vẻ như không hấp dẫn lắm, tỷ suất lợi nhuận là 248% trong cùng thời gian này. Theo ông Paul Maudsley, Trưởng phòng giao dịch đồng hồ của Hãng đấu giá Bonhams, số lượng thực tế các loại đồng hồ có giá tăng nói chung hạn chế, tùy thuộc năm sản xuất và kiểu dáng của các hãng đồng hồ như Rolex and Patek Philippe.
Vì thế, Knight Frank lưu ý rằng đầu tư say mê cũng chỉ nên là một lựa chọn bổ sung cho các loại hình đầu tư truyền thống như chứng khoán. Đặc biệt, cần tính đến chi phí mua sản phẩm đầu tư theo hình thức này và những vấn đề phát sinh khi “thoái vốn”.
Theo doanh nhân sài gòn
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.