Người cao tuổi bị suy dinh dưỡng

nguy-co-dan-den-suy-dinh-duong-o-nguoi-cao-tuoi
Để phòng ngừa suy dinh dưỡng, người cao tuổi cần được những người thân trong gia đình chăm sóc tốt về chế độ ăn uống và cần có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, cần được khám và điều trị tốt nếu có bệnh.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho sức khỏe con người, mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, người cao tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, dẫn tới bệnh tật và tử vong.
 nguy-co-dan-den-suy-dinh-duong-o-nguoi-cao-tuoi
Những nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng
Do tuổi tác: Tuổi ngày càng cao, các chức năng sinh học suy yếu: chuyển động co bóp và sự hấp thụ thực phẩm của ruột và dạ dày giảm; bớt cảm giác về ăn uống như nếm, ngửi, nhìn thực phẩm; răng lung lay; ít khát nước, ít thấy đói,…
 
Sống đơn độc: Ăn ngon cần có người cùng ăn mới thấy có hứng thú. Người sống một mình thường ăn qua loa cho xong bữa, nên ăn ít, không ý thức sự quan trọng của dinh dưỡng, ăn gì cũng được, cốt sao cho no bụng thì thôi. Ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn.
Thiếu thốn vật chất, phụ thuộc vào người khác: Nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc phải sống phụ thuộc vào người khác không có tiền mua thực phẩm hoặc thường chọn thực phẩm rẻ tiền, quá hạn, hết chất dinh dưỡng khiến bữa ăn thường không đủ chất, thức ăn không ngon dẫn đến suy dinh dưỡng.
 
Bệnh tật: Các bệnh kinh niên như ung thư, bệnh phổi, bệnh tim, bệnh dạ dày,… đều đưa tới suy dinh dưỡng. Giảm dịch vị dạ dày khiến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, đường lactose bị trở ngại. Chức năng của gan giảm, khiến cho sự chuyển hóa thực phẩm chậm. Nhiều loại thuốc điều trị bệnh cũng làm giảm cảm giác ngon miệng và làm kém hấp thụ thức ăn.
Người bị bệnh, đau xương khớp, di chuyển khó khăn không đi mua và không nấu nướng được, không có người chăm sóc, giúp đỡ bón thức ăn; Các cụ bị suy yếu tâm thần có thể quên không ăn hoặc thấy ăn uống là không cần thiết.
 
Dấu hiệu suy dinh dưỡng
Người cao tuổi bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, với sự việc xảy ra xung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính; Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành; Tóc khô giòn, rụng nhiều; Móng tay khô, nứt; Ăn không ngon miệng, giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn, hay buồn nôn; Đại tiện bón, lỏng bất thường; Nhịp tim nhanh; hơi thở khó khăn; Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm. Các bệnh đang có trầm trọng thêm lên, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ bị tai nạn,…
Tóm lại, hầu hết những nguyên nhân đưa tới suy dinh dưỡng đều có thể điều trị và phòng ngừa được. Vấn đề ưu tiên là phát hiện và điều trị các nguyên nhân đưa tới suy sinh dưỡng như đã kể ở trên. Để phòng ngừa suy dinh dưỡng, người cao tuổi cần được những người thân trong gia đình chăm sóc tốt về chế độ ăn uống và cần có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, cần được khám và điều trị tốt nếu có bệnh.
BS Nguyễn Ý Đức
 (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Trả lời