Vượt qua nỗi sợ thuyết trình

18

Ai trong chúng ta cũng có lúc phải trình bày, thuyết trình về một vấn đề nào đó. Kỹ năng thuyết trình tốt sẽ giúp bạn tăng khả năng truyền tải ý tưởng, suy nghĩ của mình đối với những người xung quanh. Kỹ năng thuyết trình dần trở thành một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, phải làm sao nếu như ta sợ thuyết trình?

18

 

Sự hồi hộp trước mỗi buổi thuyết trình là tâm trạng chung của hầu hết mọi người chứ không riêng gì mình bạn. Tuy nhiên có một sự khác biệt lớn, có người dễ dàng vượt qua sự hồi hộp đó bước ra sân khấu và hoàn thành bài thuyết trình của mình một cách tự tin và tràn đầy cảm hứng nhưng có người lại để nỗi sợ chói chặt họ, khiến họ sợ hãi không dám bước ra. Tôi xin đưa ra một số bước những người thuyết trình giỏi hay sử dụng để vượt qua nỗi sợ hãi của mình trước khi thuyết trình.

Đầu tiên, hãy thừa nhận rằng bạn đang hồi hộp, một số người cố gắng bắt mình nghĩ rằng mình đang không hồi hộp nhưng đó đôi khi không phải là cách hay. Hãy thừa nhận cảm xúc thật của mình, rằng bạn đang hồi hộp nhưng bạn hãy lái suy nghĩ của mình theo một nhận thức đó là mình hoàn toàn có thể vượt qua được điều này. Hãy nghĩ về khán giả của bạn, nghĩ về những điều ý nghĩa mình sắp chia sẻ và những ấn tượng bạn tạo ra cho khán giả. Diễn giả Trần Đức Hưng có chia sẻ về cách vận dụng NLP để chế ngự nỗi sợ hãi trước khi thuyết trình rất hiệu quả. Trước một buổi thuyết trình, hãy dành cho mình một khoảng thời gian yên tĩnh. Dùng trí tưởng tượng của mình hình dung ra lúc bạn đang đứng trên bục thuyết trình như thế nào. Hãy xóa hết hình ảnh của bạn hiện tại mà hãy hình dung bạn bước ra tự tin như thế nào. Hãy hình dung về bài thuyết trình của mình, bạn nói với một tâm trạng hồ hởi như thế nào, bạn nhấn mạnh khéo léo ra sao và bạn tạo ra sự hài hước với khán giả dễ dàng như thế nào. Sau đó hãy tập trung vào khán giả của bạn, hình dung ra họ đang chăm chú lắng nghe bạn, họ hưởng ứng tất cả những gì bạn nói, họ vỗ tay tán thưởng bạn. Khi tưởng tượng hãy cố gắng sao cho hình ảnh trở nên thật nhất đến nỗi cảm xúc của bạn trong sự tưởng tượng đó lan sang cả bản thân bạn hiện tại. Nếu chưa có được cảm xúc mạnh như mong muốn, hãy cố gắng điều chỉnh âm thanh bạn nghe thấy, liệu nó đã đủ lớn chưa, nếu những tiếng vỗ tay, tiếng cười của khán giả còn nhỏ hãy chủ động điều chỉnh nó to hơn. Hãy chú ý đến màu sắc, nếu hình ảnh bạn tưởng tượng ra đang ở dạng đen trắng thì hãy chuyển nó sang bức tranh màu. Góc nhìn cũng quan trọng, nếu bạn đang nhìn ở góc của người thứ 3 hãy chuyển nó sang góc nhìn thứ nhất tức là góc nhìn như bạn đang trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh đó qua con mắt của mình. Bạn tiếp tục tận hưởng cảm giác tuyệt vời đó đến khi nào bạn muốn.

Đã đến giờ bạn phải bước vào sân khấu, một điều bạn nên biết rằng khởi đầu của bài thuyết trình là rất quan trọng, một khởi đầu tốt sẽ tạo cảm hứng và tăng sự tự tin của bạn khiến cho những phần sau trở nên dễ dàng với bạn hơn. Hãy dành thời gian chuẩn bị phần khởi đầu của mình thật tốt và khi bước ra hãy dồn nhiều năng lượng của mình cho sự khởi đầu, chắc chắn bạn sẽ gây được sự chú ý của khán giả.

Trên đây là một số bước để bạn kiểm soát và vượt qua nỗi sợ hãi trước mỗi buổi thuyết trình. Cách tốt nhất mà các diễn giả thường hay khuyên để tăng kỹ năng thuyết trình của bạn lên là: Tập! Tập! và TẬP!

Chúc các bạn thành công!

Trả lời