Khi hàng “nhái” lên đời

cn34

Để sản xuất điện thoại, các công ty phải đầu tư rất nhiều công sức từ khâu đưa ra ý tưởng, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và phát hành ra thị trường. Đó là sự kết hợp chặt chẽ của các bộ phận, từ phần cứng đến phần mềm, từ nhà sản xuất đến nhà mạng.

Thế nhưng trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và giá linh kiện OEM ngày càng thấp, việc đặt hàng hay mua các lô điện thoại từ các nhà sản xuất không tên tuổi từ Trung Quốc khá dễ dàng. Đối với những lô hàng này thì nhái các sản phẩm đang đình đám trên thị trường của các tên tuổi lớn là cách nhanh nhất để người dùng để ý và mua hàng. Nhưng cách làm đó chưa nói đến việc vi phạm pháp luật, gây thất thu cho các nhà sản xuất chính hãng thì cũng gây hại cho người dùng “dễ tin”.
Từ “nhái” là “nhái”

Năm 2004, điện thoại nhái bắt đầu phổ biến với một loạt các mẫu giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với thiết kế na ná các mẫu của các hãng lớn như Nokia, Samsung những mẫu điện thoại nhái này có giá rẻ hơn nhiều lần, chỉ từ vài trăm đến dưới 1 triệu đồng và đi kèm với những tính năng “khủng” như màn hình cảm ứng lớn, thu sóng TV, 2 sim 2 sóng và loa to.

Đặc biệt khi iPhone ra đời, mẫu điện thoại đình đám này nhanh chóng trở thành tâm điểm của hàng nhái với đủ thể loại và mức giá khác nhau. Với giai đoạn đầu này các mẫu điện thoại nhái thường không có thương hiệu rõ ràng (gắn chung chung như MP4 hay Music Phone) hay ăn theo thương hiệu của các hãng nổi tiếng như Nokia thành Nokir, Nokie; Sony Ericson bị đổi thành Sany Ericssan hay iPhone lại thành Hiphone. Quá trình lắp ráp dù có nhái kiểu dáng thì vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết như vỏ không khít, màn hình bị hở sáng, chất liệu vỏ thấp, in kí tự bị mờ…

Về tính năng chúng không thể cài được ứng dụng ngoài kể cả Java, giao diện người dùng cũng bắt chước nhưng phông chữ hay biểu tượng bị nhòe, cảm ứng (chủ yếu là điện trở) kém nhạy. Các lô sản phẩm thường được nhập tiểu ngạch và bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, không rõ nơi sản xuất và phân phối. Việc “chết” cảm ứng, điên thoại bỗng nhiên mất sóng hay phụ kiện hỏng là chuyện bình thường đối với các mẫu điện thoại nhái này. Thời gian bảo hành cũng ngắn và do sản xuất theo từng đợt nên khi hỏng hóc, việc khắc phục cũng rất khó khăn và mất thời gian. Thế nên mới có quan niệm mua điện thoại nhái nếu may thì chọn được cái tốt, không vớ phải cái hỏng thì chỉ có bỏ vì giá mua còn không bằng công đi sửa.
Đến lên đời “thương hiệu”

Trước sự sự bùng nổ của điện thoại thông minh, các nhà sản xuất điện thoại nhái đang có những bước chuyển dịch. Và thế là những chiếc điện thoại “siêu nhái” ra đời với thương hiệu, hệ thống phân phối riêng- ngang nhiên cạnh tranh với hàng chính hãng.

Nếu không nhìn kĩ, chắc hẳn nhiều người sẽ khó phân biệt được đâu là hàng nhái khi đặt bên cạnh hàng thật. Các mẫu điện thoại đầu bảng của các hãng đang trở thành mục tiêu tiếp theo điện thoại nhái bởi lợi nhuận do chúng đem lại lớn hơn nhiều. Dạo qua các trang mua bán và các cửa hàng, người ta không chỉ thấy những mẫu nhái điện thoại Symbian của Nokia (như N8, N97, C7, E7, …) hay iPhone mà còn thấy những cặp song sinh của Xperia Arc mang một tên khác là HKphone X12 hay HTC HD7 – HKphone H7 bằng cái nhìn trực quan. Mức giá của những mẫu điện thoại này cũng không hề rẻ, từ 3 đến 4 triệu đồng. Đổi lại chúng cũng được cài đặt HĐH (chủ yếu là Android), có vi xử lí, RAM, ROM hỗ trợ Wi-Fi hay GPS. Các sản phẩm nhái cũng “sửa đổi” trên thiết kế của sản phẩm góc như thay đổi camera, lắp thêm 1 (hoặc 2, 3) khe sim, vật liệu không sắc nét, lược bỏ kết nối 3G. Các thành phần bên trong trừ bộ VXL tốc độ rất thấp (460 MHz của HKphone H7 so với 1 GHz của HTC HD7) thường có mác MediaTek thì phần còn lại đều không rõ nguồn gốc. Điều đó dẫn đến sản phẩm hoạt động hay gặp lỗi, xử lí chậm, màn hình không đẹp…

cn34

Những chiêu quảng cáo và tiếp thị bài bản của điện thoại nhái đã được tung ra trên các phương tiên thông tin đại chúng như báo điện tử, diễn đàn…. Các sản phẩm nhái cũng đã có trang web riêng, sử dụng những hình ảnh của các mẫu điện thoại chính hãng để quảng cáo như lấy hình E71, E72 của Nokia cho E71 mini hay E72K hoặc HKphone X8 có cả Ovi Store!. Thậm chí có sản phẩm nhái được quảng cáo là đẹp như iPhone 4 và thông minh với Android mà không có lấy một hình ảnh hay video để chứng minh. Những tuyên bố như “6 tháng cuối năm 2011 sẽ chiếm lĩnh các sản phẩm điện thoại giá rẻ toàn quốc” và chọn Nokia là mục tiêu… xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như thể các hãng điện thoại lớn và các dòng điện thoại thương hiệu Việt sắp bị “đè bẹp” đến nơi.
Mong một thị trường lành mạnh

Không mất hàng đống tiền cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, việc bắt chước của điện thoại nhái đã tiết kiệm rất nhiều chi phí cho các nhà sản xuất. Từ đó mức giá sẽ được giảm xuống ở mức khá thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường kinh doanh điện thoại ở nước ta, không chỉ gây đau đầu cho các hãng lớn mà còn khiến những hãng điện thoại Việt gặp rất nhiều khó khăn. Đứng giữa một rừng “siêu phẩm nhái” thì những sản phẩm có đầu tư kiểu dáng, chất liệu và ứng dụng riêng như Q-Mobile S10 hay FPT F5 nên giá tiền không thể rẻ hơn sẽ khó cạnh tranh. Giá trị thương hiệu, công sức phát triển, doanh số của điện thoại chính hãng sẽ bị ảnh hưởng. Những trường hợp gặp lỗi, hỏng tai nạn do điện thoại nhái nếu không được làm rõ sẽ gây mất niềm tin của người dùng vào hàng chính hãng. Nhiều trường hợp còn bị lừa đảo khi người bán quảng cáo đây là hãng xách tay “chính hãng”.

Ngoài việc các hãng điện thoại chính phải phối hợp cùng cơ quan chức năng để có các biện pháp hợp lí thì người dùng cũng cần “tỉnh táo” để bảo vệ quyền lợi cho mình cũng như nâng cao ý thức bản quyền. Có như thế một thị trường điện thoại lành mạnh và công bằng mới có khả năng được xác lập.

Trả lời