Lưu ý khi chọn máy ảnh DSLR (1)
Khi quyết định mua một chiếc DSLR để chơi xuân, trước hết nên xác định nhu cầu của mình. Tiếp theo, bạn nên cân nhắc những yếu tố của máy hỗ trợ tối đa nhu cầu đó, như kích cỡ chip cảm quang, hệ thống chống rung, hay tốc độ.
Máy ảnh số ống kính rời sẽ đem lại cho bạn chất lượng hình vượt trội và tính linh động cao, thể hiện bằng các tùy chỉnh đa dạng, hàng loạt các ống kính chuyên biệt và phụ kiện phong phú. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều người cảm thấy khó lựa chọn một chiếc DSLR ưng ý.
Tuy nhiên, để việc lựa chọn trở nên đơn giản, trước hết, nên xác định rõ nhu cầu của mình là gì. Có phải bạn chỉ cần chiếc máy số ống kính rời sử dụng đơn giản như máy ngắm chụp, hay thực sự muốn “vắt kiệt” tất cả những tính năng của máy? Rất nhiều chiếc DSLR dòng khởi điểm cho phép sử dụng như máy point-and-shot thông qua các chế độ đặt sẵn, trong khi các model chuyên nghiệp thì phải tùy chỉnh nhiều hơn.
Sau đây là một số gợi ý để cân nhắc khi mua máy ảnh DSLR.
Kích cỡ chip cảm quang
Hiện tại máy số ống kính rời sử dụng hai loại cảm quang CCD và CMOS với 3 kích thước, xếp từ lớn tới nhỏ như sau: Full Frame (nguyên khung – bằng kích thước phim 35 mm: 36 × 24 mm), APS-C (dao động từ 20,7 × 13,8 mm tới 28,7 × 19,1 mm – với kích thước đường chéo nhỏ hơn Full Frame 1,5 đến 1,6 lần) và Four-Thirds (4/3 inch 18 × 13,5 mm).
Do phần lớn các máy DSLR đều xây dựng trên chuẩn máy phim 35 mm, nên những cảm quang kích thước nhỏ hơn sẽ chịu một hiệu ứng gọi là “crop factor” (yếu tố thu nhỏ). Như hình trên, cảm quang nhỏ sẽ bắt khung hình nhỏ hơn tạo cảm giác hình được chụp bằng ống kính có tiêu cự lớn hơn tiêu cự công bố khi so sánh với khổ 35 mm (lớn hơn khoảng 1,5 tới 1,6 lần ở khổ APS-C, và 2 lần ở khổ Four-Thirds). Lưu ý – tiêu cự càng lớn thì góc nhìn càng nhỏ và càng kéo gần lại được vật thể ở xa.
Nếu đã quen với tiêu cự ở máy phim 35 mm và đang sở hữu cả đống ống kính, khi chuyển qua các máy “crop” với cảm biến nhỏ, bạn sẽ cảm thấy không quen vì góc nhìn sẽ giảm đi đáng kể. Còn nếu sử dụng DSLR Full Frame (nguyên khung) thì sẽ càm thấy “thân thuộc” hơn.
Người hay chụp xa (tele) sẽ thấy dùng máy có cảm quang nhỏ hay hơn vì nó vươn được xa hơn. Trái lại, người chụp cảnh rộng nếu dùng loại đó sẽ bị thiệt thòi bởi khung hình đã bị thu hẹp lại. Dĩ nhiên, hiện nay có rất nhiều ống kính góc rộng được thiết kế “chỉ cho máy số” cảm quang nhỏ.
Vậy kích thước cảm quang nào là phù hợp với bạn?
Máy sử dụng cảm quang Full Frame bao giờ cũng lớn nhất và đắt nhất. Đây thường là lựa chọn của các nhiếp ảnh gia nâng cấp lên từ máy phim bởi họ đã có hàng đống các ống kính đắt tiền. Cảm quang kích thước lớn cũng đồng nghĩa với khả năng chụp thiếu sáng tốt. Nhược điểm của hệ thống này là kích thước lớn, đắt tiền; hơn nữa phải dùng những ống kính thực sự tốt và đắt thì mới cho ảnh đẹp trên toàn khung hình; và cũng chỉ có vài model mà lựa chọn. Ngoài ra máy Full Frame cũng không có lợi thế khi chụp xa.
APS-C mới là định dạng được áp dụng phổ biến nhất trên các máy DSLR với hầu hết các model của Canon, Nikon, Pentax và Sony. Với hệ số cúp 1,5 hoặc 1,6 lần, bạn sẽ phải cần ống kính góc rộng hơn để có góc bằng khổ 35 mm. Máy loại này thường rẻ hơn rất nhiều so với hệ thống Full Frame và ống kính cho nó giá cũng chấp nhận được. Các ống kính bán kèm theo máy (kit lens) cũng là những khởi đầu tốt cho phép chụp từ góc rộng tới tele tầm ngắn.
Four Third (bốn phần ba) là hệ “số hóa hoàn toàn” phát triển bởi Olympus và hiện đang được áp dụng cho các máy Olympus và Panasonic. Khác với các hệ thống khác trên thị trường, hệ Four Third không phát triển trên máy phim có sẵn và dùng ngàm ống kính hoàn toàn khác, do vậy tất cả các ống kính của hệ thống này được thiết kế cho máy ảnh số và do đó không áp dụng hệ số cúp. Với kích thước cảm quang nhỏ nhất, hệ Four Third sẽ có thân máy và ống kính gọn hơn một chút. Cho dù về nguyên tắc, cảm biến nhỏ hơn sẽ cho hình ảnh hơi nhiễu (hạt) so với khi chụp ở độ nhạy cao và thiếu sáng. Tuy nhiên, thực thế sử dụng cho thấy khác biệt này cũng không ghê gớm lắm.
(Còn tiếp)
(Theo Số hoá)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.