Cho con tiền tiêu: Nên hay không nên?
Những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi thường hay được bố mẹ cho tiền vì sợ những lúc đói, khát… con sẽ cần dùng đến. Nhưng có nhiều đứa trẻ lại dùng tiền này làm những việc khác, có khi là không tốt như chơi games, mua những thứ có hại… Vậy có nên cho con tiền để tiêu mà không kiểm soát?
1.Cho đúng cách, đúng thời điểm
Cô Quách Ngọc Oanh (Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Thủy, Thanh Hóa): Việc cho con tiền tiêu vặt phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết, khéo léo của cha mẹ, môi trường sống của trẻ và thậm chí là tính cách của từng đứa trẻ. Do vậy sẽ không thể có một công thức cố định nào mà các bậc phụ huynh cần linh hoạt căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể để có cách ứng xử khác nhau.
Tuy nhiên, cho con tiền vào thời điểm nào không quan trọng bằng việc hướng dẫn con cách sử dụng như thế nào cho đúng. Khi trẻ còn ở độ tuổi tiểu học thì chưa nên cho tiền vì như vậy là quá sớm, ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Có thể ban đầu khi có tiền, trẻ chỉ mua kẹo bánh hay những thứ lặt vặt nhưng dần dần sẽ tạo thành thói quen tiêu tiền. Sau đó, nếu muốn những thứ có giá trị hơn, cần nhiều tiền hơn mà bố mẹ không cho, trẻ sẽ nghĩ cách xoay sở lấy. Không thể đưa ra một cách rõ ràng, cứng nhắc là có hay không mà cần phải căn cứ vào từng trường hợp, tình huống cụ thể.
Nên rèn cho con có sự nhìn nhận về đồng tiền một cách tích cực và có thói quen chi tiêu một cách khoa học. Giải thích rõ cho con biết tiền này sẽ được dùng vào việc gì, không được dùng vào việc gì. Sau đó thì sẽ phải giám sát xem tiền đó đã được tiêu vào việc gì. Nếu tiêu không đúng mục đích thì phải giải thích đúng sai để con hiểu. Nếu con tiêu không hết thì khuyến khích con cái tiết kiệm để dành cho những việc có ích như mua quà cho người thân trong gia đình.
2.Dạy trẻ quản lý chi tiêu từ khi học lớp một
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (giảng viên trường Quản trị cuộc đời LIMA, TPHCM): Vì để trẻ nhận biết việc sử dụng tiền ngay từ khi chúng bắt đầu có nhận thức về đồng tiền sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, giá trị của đồ dùng mà chúng đang sử dụng, phải có tiền thì chúng mới mua được đồ dùng đó.
Hơn nữa, trẻ phải biết được giá trị của lao động, đồng tiền chúng có được là do bố mẹ làm việc mà có.
Việc cho trẻ quyền quản lý chi tiêu sẽ giúp chúng chủ động và có trách nhiệm với số tiền mà chúng có được vì con người ai cũng vậy thôi, khi tiêu tiền của người khác thì thường tiêu một cách thoải mái, nhưng với đồng tiền của mình thì luôn luôn thận trọng, dè dặt.
3.Cho tiền nhưng giám sát chặt chẽ
Anh Nguyễn Văn Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội, có con gái 8 tuổi): Tôi thỉnh thoảng có cho con tiền để bỏ vào lợn tiết kiệm hoặc cho vào ví cất dành. Việc cho tiền nhằm khuyến khích trẻ như được điểm cao hoặc làm việc tốt. Và sau khi cho cũng giám sát trẻ cho tiền vào quỹ luôn lúc đó. Tôi thường nói, số tiền này sau khi nhiều hoặc mỗi năm một lần sẽ mổ lợn để nộp tiền học phí hoặc mua sách vở học tập.
Ngoài ra, số tiền nhỏ để trong ví của cháu dùng vào các việc vặt như khi có ăn xin đến nhà sẽ để trẻ lấy cho, hoặc để mua sách khi cần thiết… Như thế, nói là cho con trẻ tiền nhưng việc chi tiêu tiền thì lại rất khắt khe, có sự giám sát của bố mẹ.
Trẻ không được sử dụng tiền vào các mục đích cá nhân hoặc chưa xin phép bố mẹ. Nếu trẻ dùng sai cũng có thể phạt lại bằng cách học nhiều điểm cao hơn hoặc sẽ trừ tiền tiết kiệm được.
Nguồn phununet
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.